menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Tiến Sỹ Huỳnh Thế Du

Thách thức của Chính phủ mới

Áp lực của người đứng đầu Chính phủ mới là: làm sao có thể đạt được thành công như những người tiền nhiệm để đưa Việt Nam trở thành nước phát triển? Tuy nhiên, thách thức này rất đáng để đối đầu.

Không dưới một lần tôi được tham gia các câu chuyện, kiểu như trong “tứ trụ triều đình”, mấy người miền Bắc, mấy người miền Nam.

Vùng miền có lẽ được xem là một yếu tố đáng chú ý của chính trị Việt Nam. Tuy nhiên, nhìn ở góc độ phát triển, câu chuyện rất khác.

Quốc hội đã họp để bầu ra các vị trí quan trọng nhất của nhà nước cho 5 năm tới. Tôi nghe người này người kia nhận xét về việc Thủ tướng là người miền Bắc. Kể từ khi ông Phạm Văn Đồng giữ cương vị Thủ tướng vào năm 1955, đây là lần thứ hai một người miền Bắc nắm giữ vị trí này. Ông Đỗ Mười đã làm Thủ tướng trong ba năm 48 ngày, từ 22/6/1988 đến 9/8/1991.

Tôi tính toán. Nếu tính Bắc, Nam theo cách hiểu thông thường thì trong 65 năm qua, người miền Nam làm Thủ tướng 62 năm. Nếu tính cả Bắc, Trung, Nam thì các con số là 3-37-25 năm.

Có lẽ thực tế nêu trên đã phần nào tạo nếp nghĩ, tuy không chính thức, rằng Thủ tướng thường phải là người miền Nam. Tuy nhiên, điều này không phản ánh đúng thực tế những gì đã xảy ra.

Trong bức tranh kinh tế Việt Nam, giai đoạn 1975-1995 là thời kỳ đỉnh cao về sự năng động và sáng tạo của TP HCM. Trong đêm trước Đổi mới, nhiều chính sách “phá rào” dẫn đến Đổi mới và nhiều ý tưởng đột phá sau đó làm cho TP HCM có một thập kỷ hết sức năng động sau đó. Thập niên 1990 cũng là thời kỳ tạo ra các nền tảng cho hiện tượng Bình Dương. Xét về tổng thể, mảnh đất này có thể xem như một “đặc khu kinh tế” trên thực tế và đạt thành tựu về phát triển kinh tế, thu hút đầu tư tốt nhất cả nước trong hơn ba thập niên qua.

Những người đóng vai trò chủ chốt của hai địa phương này trong giai đoạn nêu trên gồm các ông: Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ, Phan Văn Khải và Nguyễn Minh Triết đã được chọn ra Trung ương và trở thành lãnh đạo cao cấp của quốc gia. Tất cả đều hoặc thể hiện xuất sắc hoặc chí ít cũng tròn vai của mình, nhất là các trọng trách kinh tế.

Điều đáng ngạc nhiên là cho dù hết sức thành công trong hơn hai thập niên qua, nhưng Bình Dương không có lãnh đạo nào nổi trội và được cất nhắc để giữ trọng trách ở Trung ương như người đặt nền móng đầu tiên. Tôi thử tự lý giải rằng, thành công của Bình Dương có được là nhờ nền móng được tạo ra cách đây ba thập kỷ. Khi có nền tảng tốt, kết quả tích cực theo đà phát triển được kéo dài.

Tính từ vĩ tuyến 17 trở vào, trong hai thập niên qua, sau Đà Nẵng - mà người tạo ra hiện tượng đó cũng đã được trọng dụng. Quảng Nam có thể xem là tỉnh thành công nhất gắn với Trường Hải và Chu Lai. Kết quả, ông chủ của Trường Hải trở thành tỷ phú người miền Nam duy nhất cho đến thời điểm này và lãnh đạo có vai trò quyết định với sự thành công của Quảng Nam đã trở thành Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ở nhiệm kỳ chuẩn bị kết thúc.

Quan sát hai thập niên qua, tôi nhận thấy thành tích kinh tế của cả TP HCM và Hà Nội, hai đô thị lớn và quan trọng nhất cả nước là rất bình thường. Điều này là một nguyên nhân làm cho Việt Nam đã không thể tốt hơn như kết quả đã đạt được. Do vậy, không ai trong số lãnh đạo cao cấp của hai địa phương này được cất nhắc vào các trọng trách kinh tế cao nhất.

Bên cạnh đó, trong hơn một thập niên qua, Quảng Ninh, Bắc Ninh và Hải Phòng đã phát huy được lợi thế và trở thành các ngôi sao hay hiện tượng mới. Từ vĩ tuyến 17 trở vào vẫn chưa có ngôi sao mới nào. Các địa phương quanh vùng TP HCM, nhất là Bình Dương, vẫn đang phát triển theo quán tính từ trước đó.

Từ những phân tích trên có thể rút ra được một số vấn đề:

Thứ nhất, việc chọn lãnh đạo từ các địa phương thành công về mặt kinh tế để giữ các trọng trách quốc gia đã mang lại những kết quả tích cực cho Việt Nam. Điều này đặc biệt quan trọng đối với tầm quốc gia và là niềm cảm hứng để các địa phương làm tốt hơn.

Thứ hai, các lãnh đạo địa phương có thể tạo ra cơ hội giữ các trọng trách quốc gia cho chính mình bằng cách đưa địa phương mình thành hiện tượng thành công. Nếu cuộc đua này được kích thích và phát huy, không khí kinh tế của cả nước sẽ rất sôi động. Và kết quả phát triển quốc gia, ắt hẳn, sẽ rất tốt.

Thứ ba, trong ba thập niên qua, cả bốn người ở cương vị Thủ tướng đều từng là lãnh đạo cao cấp - bí thư hoặc chủ tịch - cấp tỉnh. Ba người đã đi lên từ các địa phương có kết quả phát triển kinh tế nổi trội chứ không phải yếu tố vùng miền - như nhiều bàn tán bên lề. Các kết quả kinh tế của ba vị này trong thời kỳ làm Thủ tướng cũng rất tích cực.

Cuối cùng, dù cho Thủ tướng mới là người miền nào, bối cảnh kinh tế hậu Covid đặt ra cho ông những trọng trách kinh tế tuy cũ mà mới. Theo tôi, sẽ gồm các câu hỏi lớn:

Thứ nhất, làm thế nào để có thể duy trì vị trí thuận lợi của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới? Ngay cả trong thời gian dịch bệnh, Việt Nam là nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế thuộc nhóm cao nhất thế giới. Làm thế nào duy trì được ưu thế này trong ít nhất 5 năm tới quả là thách thức lớn. Muốn trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam cần phải giữ được tốc độ tăng trưởng hiện tại trong vòng 5 nhiệm kỳ liên tiếp mà 2021-2025 là một nền tảng quan trọng.

Thứ hai, làm thế nào để có thể tận dụng cơ hội và kiềm chế được những thách thức và rủi ro do địa chính trị toàn cầu đang hết sức phức tạp? Cân bằng trong mối quan hệ với các nước, nhất là sự đối đầu Mỹ - Trung, có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với Việt Nam. Các quan hệ kinh tế, thương mại luôn giữ vai trò then chốt. Đây là trọng trách của Chính phủ nói chung, Thủ tướng nói riêng.

Thứ ba, làm thế nào để có thể giải quyết hài hòa các thách thức phát triển bền vững và các vấn đề xã hội đang nổi lên? Tác động xấu của Covid lên các đối tượng yếu thế rất lớn, trong khi các tiến triển về mặt kinh tế làm cho tầng lớp trung lưu trở nên đông đảo hơn và nhu cầu tham gia vào các vấn đề xã hội càng tăng. Đây là những vấn đề xã hội hết sức thách thức.

Ông Phạm Minh Chính đã giữ trọng trách ở địa phương thành công về phát triển kinh tế trong thập niên qua. Từ những gì đã xảy ra trong quá khứ, chúng ta có quyền kỳ vọng vào bộ máy Chính phủ mới với những kết quả tích cực mới.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Tiến Sỹ Huỳnh Thế Du

Bấm theo dõi để nhận thêm nội dung bổ ích từ chuyên gia này.

Tìm hiểu thêm về chuyên gia.

Hãy chọn VIP/PRO hàng đầu để nhận kho bài viết chuyên sâu

1 Yêu thích
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại