24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Trí Tú
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Tập trung tháo gỡ vướng mắc về đầu tư công

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam sáng 17/12 do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương tổ chức, đại diện các bộ ngành, địa phương đã chỉ ra nhiều điểm nghẽn trong đầu tư công trong bối cảnh nhiều tác động từ những yếu tố bên ngoài.

Những nút thắt này cần được sớm tháo gỡ, khơi thông để làm tiền đề dẫn dắt tăng trưởng trong môi trường nhiều bất định năm 2023.

Tập trung tháo gỡ vướng mắc về đầu tư công
Một góc Quận 2 với xa lộ Hà Nội và tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Ảnh minh họa: Thanh Vũ/TTXVN
Nhiều điểm nghẽn

Chia sẻ tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Quốc Phương cho hay, kế hoạch đầu tư công năm nay được thực hiện trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, nhiều thay đổi nhanh, mạnh cùng những yếu tố mới xuất hiện, nằm ngoài dự báo. Đồng thời, 2022 cũng là năm đầu tiên triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nên cần thời gian hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án, năm có số vốn cần giải ngân khá lớn, tăng 26%, tương đương 120.000 tỷ đồng, so với kế hoạch năm 2021.


Tại các hội nghị trực tuyến giải ngân, các cuộc họp của tổ công tác, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cũng nêu khá chi tiết các nguyên nhân làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Có nguyên nhân khách quan và chủ quan, có những nguyên nhân tồn tại trong nhiều năm, có những nguyên nhân mang tính đặc thù của từng năm kế hoạch. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo, tổng hợp 3 nhóm nguyên nhân chủ yếu, gồm nhóm thể chế, chính sách pháp luật; nhóm khó khăn liên quan đến tổ chức triển khai, thựchiện.


Theo đại diện UBND Tp. Hồ Chí Minh, với đặc thù là địa phương có quy mô và độ mở kinh tế lớn, nhu cầu đầu tư và tổng mức ngân sách nhà nước dành cho đầu tư công thuộc nhóm các địa phương đứng đầu cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh cũng gặp phải những tồn tại, những điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công.


Về phía khách quan, diễn biến bất lợi liên quan đến đại dịch Covid-19 dẫn đến việc chuẩn bị đầu tư các dự án trong năm 2021 (thực hiện các bước trong thủ tục bồi thường, thực hiện các thủ tục về xây dựng,...) bị ngưng trệ. Vẫn còn một số vướng mắc khi thực thi các quy định liên quan đến nguồn vốn đầu tư công, vốn ODA như về thẩm quyền, quy trình thực hiện các nội dung điều chỉnh, còn vênh giữa Luật Đầu tư công, Luật đất đai, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, các quy định liên quan thực hiện các dự án ODA.


Ngoài ra, đại diện UBND Tp. Hồ Chí Minh cũng cho hay, số lượng dự án chuyển tiếp từ giai đoạn trước của Thành phố tương đối lớn (trong trung hạn giai đoạn 2021-2025 có 3.605 dự án chuyển tiếp số vốn bố trí hơn 103.047 tỷ đồng), rất nhiều trong số đó là các dự án có khó khăn trong quá trình triển khai tại giai đoạn trước, tạo áp lực lên công tác giải ngân giai đoạn trung hạn này. Cùng đó, công tác bồi thường của Thành phố chậm cũng kéo theo công tác xây lắp chậm, do không có mặt bằng để thi công, dẫn tới giảm khối lượng giải ngân vốn trong năm.


Cũng theo chia sẻ từ ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam, từ đầu năm 2022 và tiếp đến cả năm 2023, chủ trương của Chính phủ Việt Nam là tập trung đẩy mạnh đầu tư công để phục hồi & phát triển kinh tế, quyết tâm rất cao của Chính phủ thể hiện rất rõ là nguồn vốn luôn sẵn sàng, đồng thời luôn đôn đốc quyết liệt các Bộ, ngành, địa phương thực hiện chỉ tiêu kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công. Nhưng kế hoạch giải ngân đầu tư công vẫn không đáp ứng được yêu cầu khi đến 30/11/2022 giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước là 338.000 nghìn tỷ chỉ đạt 58,33% kế hoạch năm. Đây thật sự là một vấn đề đáng ngạc nhiên bởi có tiền mà không tiêu được.

Theo ông Hiệp, nguyên nhân có từ 2 góc độ, Thủ tục đầu tư và thanh quyết toán của các dự án còn có một số vấn đề cần khắc phục, tháo gỡ. Ngoài ra, liên quan trực tiếp đến các nhà thầu xây dựng, hiện các nhà thầu đang rất khó khăn, vướng mắc - đó là vấn đề đơn giá, định mức. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp xây dựng e ngại, không tham gia nhận thầu các công trình vốn đầu tư công.

Quyết liệt khắc phục những tồn tại

Từ những khó khăn trên, ông Nguyễn Quốc Hiệp cho rằng, cần có biện pháp rốt ráo để đầu ra của vốn ngân sách ở các dự án đầu tư công được lưu thông nhanh chóng. Cụ thể như nhanh chóng điều chỉnh và bổ sung hệ thống đơn giá định mức hiện nay; có kế hoạch rà soát phân loại các đơn giá, định mức để có kế hoạch bổ sung ngay trong quý 1/2023 cho kịp triển khai các dự án hiện nay; bổ sung ngay các định mức chuyên ngành giao thông vào hệ thống định mức xây dựng làm cơ sở áp dụng cho các gói hạ tầng.

Cùng đó, có quy trình phân cấp, phân quyền cụ thể và quy định rõ ràng cho các Ban Quản lý dự án, Chủ đầu tư để xử lý việc điều chỉnh, giải quyết các việc phát sinh, điều chỉnh các gói thầu song song với việc tập trung cải thiện chất lượng hồ sơ khảo sát, thiết kế, dự toán của các gói thầu.


Theo báo cáo của Tp. Hồ Chí Minh, dự kiến tỷ lệ giải ngân kết quả đầu tư công năm 2022 của Thành phố đạt khoảng 86% tổng số vốn giao. Với kết quả này tuy chưa đạt được như kỳ vọng nhưng so với năm 2021 thì số vốn đã giải ngân trong năm 2022 cao hơn gấp 1,6 lần năm 2021 ((năm 2022 là 32.218,759 tỷ đồng, năm 2021 là 19.721,157 tỷ đồng). Trong năm 2023, mức vốn Kế hoạch đầu tư công của Thành phố Hồ Chí Minh được Trung ương phân bổ là hơn 70 nghìn tỷ đồng, cao gần gấp 2 lần so với mức vốn đầu tư công được Thành phố đã triển khai trong năm 2022. Đây là một thách thức rất lớn đối với công tác điều hành và giải ngân vốn.


Nhằm khắc phục các tồn tại, các điểm nghẽn trong đầu tư công Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến sẽ đẩy mạnh phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển Thành phố Hồ Chí Minh; trong đó, có đề xuất nhiều cơ chế mạnh mẽ để nâng cao hiệu quả đầu tư công và xã hội hóa đầu tư. Một trong số đó là cho phép HĐND Thành phố được chủ động bố trí ngân sách địa phương nguồn chi đầu tư phát triển để phân bổ cho các dự án đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm trên cơ sở khả năng thu ngân sách thực tế.

Để thực hiện thành công kế hoạch đầu tư công năm 2023, đòi hỏi tinh thần đổi mới, quyết tâm chính trị cao, trách nhiệm hơn nữa của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương. Nhấn mạnh tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Quốc Phương cho rằng, sớm rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động các dự án đầu tư công, trước tiên là sửa ngay các bất cập đã phát hiện trong năm 2022 nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Cùng đó, triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp khắc phục hạn chế, bất cập, chấn chỉnh khâu chuẩn bị đầu tư, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; đẩy nhanh tiến độ một số công trình hạ tầng giao thông quan trọng, trọng điểm quốc gia, có tính liên vùng, hạ tầng đô thị lớn, các dự án đường sắt đô thị, hạ tầng văn hóa, xã hội.

Đặc biệt, cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công, xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan, xử lý nghiêm vi phạm theo quy định; kiểm soát chặt chẽ mục tiêu, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư; bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch thông tin, phòng chống tham nhũng, lãng phí và lợi ích nhóm trong đầu tư công.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả