Tập đoàn Meta hỗ trợ Việt Nam hướng tới nền kinh tế số bền vững
Tập đoàn Meta sẽ hỗ trợ Việt Nam hướng tới nền kinh tế số bền vững, trong đó tập trung vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong quá trình chuyển đổi số để nhanh chóng phục hồi hậu Covid-19 và phát triển mạnh mẽ...
Việt Nam hiện đã có đầy đủ các yếu tố cần thiết để trở thành một cường quốc về kinh tế số trong thập kỷ tới ở khu vực. Cùng với việc hỗ trợ Việt Nam tái thiết sau đại dịch, Tập đoàn Meta sẽ hỗ trợ Việt Nam hướng tới nền kinh tế số bền vững, trong đó tập trung vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong quá trình chuyển đổi số để nhanh chóng phục hồi hậu Covid-19 và phát triển mạnh mẽ.
Giám đốc Chính sách Công khu vực Nam Á và Đông Nam Á của Meta, ông Rafael Frankel đã nhấn mạnh điều này khi chia sẻ các kế hoạch, chương tình hành động, hỗ trợ Việt Nam của Meta trong thời gian tới, góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế kỹ thuật số.
Được biết, Meta vừa có các buổi gặp mặt với lãnh đạo Chính phủ và một số bộ ngành của Việt Nam. Ông có thể thông tin về những điểm nổi bật trong khuôn khổ các cuộc gặp mặt và thảo luận giữa Meta và quan chức Chính phủ Việt Nam?
Trong chuyến công tác vừa qua, Meta làm việc với lãnh đạo Chính phủ, Quốc hội và các bộ ngành của Việt Nam. Tại các buổi thảo luận, chúng tôi nhấn mạnh vào những nội dung mà Meta đang tập trung hỗ trợ Việt Nam phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid với 3 giai đoạn. Thứ nhất, hỗ trợ Việt Nam có những thông tin chính xác và kịp thời nhất về đại dịch cung cấp tới người dân. Thứ 2, Meta hỗ trợ Việt Nam trong các chiến dịch vaccine. Thứ 3 là giúp Việt Nam tái thiết phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Mục tiêu của Việt Nam đặt ra tập trung hướng đến hình thành và phát triển nền kinh tế số và sẽ chiếm 8% GDP trong 5-7 năm tới. Do đó, các cuộc thảo luận cũng xoay quanh vấn đề hỗ trợ Việt Nam, người dân, cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể đạt được các mục tiêu trong phát triển kinh tế số.
Chúng tôi cam kết hỗ trợ Việt Nam hướng tới nền kinh tế số bền vững. Để thực hiện được mục tiêu này cần bắt đầu bằng việc xây dựng niềm tin kỹ thuật số/tín nhiệm số. Theo đó, hành động đầu tiên hướng tới xây dựng tín nhiệm số là thành lập một ban tư vấn/tổ công tác giúp đánh giá và đề xuất các phương thức để Việt Nam đạt được các mục tiêu số. Đây là cuộc đối thoại giữa các doanh nghiệp Hoa Kỳ với đối tác Việt Nam nhằm đảm bảo Việt Nam đi đúng hướng trong xây dựng nền kinh tế số bền vững và đưa ra các quy định pháp lý tiến bộ.
Ban tư vấn sẽ gồm đại diện các công ty của Việt Nam và Hoa Kỳ, phối hợp với các đối tác là các bộ ngành và cộng đồng doanh nghiệp, bao gồm các công ty như Meta. Với kiến thức chuyên môn và cam kết chung trong thúc đẩy Việt Nam trở thành một cường quốc kinh tế, chúng tôi mong muốn đề xuất các quy định nhằm tăng cường hợp tác và đổi mới dựa trên nguyên tắc “Internet mở và phổ cập”.
Ngoài ban tư vấn, tôi tin Meta sẽ tiếp tục đóng vai trò hàng đầu trong việc hiện thực hóa các chương trình nghị sự quốc gia về phát triển nền kinh tế số của Việt Nam.
Những giải pháp cụ thể mà Meta sẽ hỗ trợ Việt Nam phục hồi kinh tế sau đại dịch, phát triển kinh tế số, đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ và vừa? Kế hoạch đầu tư và các chương trình cụ thể mà Meta dự định triển khai tại Việt Nam trong thời gian tới là gì, thưa ông?
Từ khi đại dịch xảy ra, Meta là một trong những công ty công nghệ Mỹ đầu tiên và tích cực tham gia hỗ trợ Việt Nam trong các nỗ lực truyền thông phòng chống Covid-19. Meta tập trung hỗ trợ cộng đồng y tế công cộng toàn cầu nhằm đảm bảo sự an toàn của người dân và cung cấp các thông tin minh bạch về cuộc khủng hoảng Covid-19, bao gồm cả người dân tại Việt Nam.
Từ tháng 2/2020 đến nay, chúng tôi đã cung cấp tín dụng quảng cáo miễn phí cho Cổng thông tin điện tử Chính phủ Việt Nam và Bộ Y tế để kịp thời quảng bá thông tin có thẩm quyền về Covid-19 đến công chúng. Từ tháng 10-12/2021, Meta và Bộ Y tế đã hợp tác triển khai chiến dịch truyền thông về tiêm chủng “Tiêm vaccine- vững niềm tin”. Chiến dịch đã thu hút hơn 600 nghìn lượt tương tác, 116 triệu lượt hiển thị và gần 40 triệu lượt xem…
Khi đại dịch Covid xảy ra, nền kinh tế Việt Nam đã triển khai chuyển đổi số và hiện đang được đẩy nhanh hơn. Chúng tôi muốn hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu quốc gia về phát triển nền kinh tế số. Để hiện thực hóa, Meta sẽ thực hiện một loạt chương trình đầy tham vọng tại Việt Nam vào năm 2022 và thời gian tới. Đơn cử như hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong chuyển đổi số để nhanh chóng phục hồi hậu Covid-19 và phát triển mạnh mẽ, lâu dài thông qua hợp tác với các bộ như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hoặc các chương trình trọng điểm của Meta như #SheMeansBusiness (Phụ nữ là doanh nhân), Boost with Facebook (Bệ phóng doanh nghiệp)…
Trong năm 2021, Meta đã đào tạo cho gần 40.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ trên cả nước thông qua các hoạt động trực tiếp và trực tuyến về kỹ năng số. Trong năm 2022, chúng tôi đặt mục tiêu mở rộng mô hình đào tạo để tiếp cận hơn 15.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ và hàng nghìn doanh nghiệp khác thông qua các chương trình đào tạo theo yêu cầu.
Vừa qua chúng tôi cũng đã thảo luận với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, bàn về cách thức ứng dụng công nghệ AR để phát triển du lịch và đẩy nhanh nỗ lực phục hồi kinh tế của Việt Nam. Chương trình này cũng sẽ tăng cường đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại Việt Nam.
Ông đánh giá thế nào về tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam khi nền kinh tế định hướng số hóa và sáng tạo? Ông có khuyến nghị gì để Việt Nam khai phá các tiềm năng kỹ thuật số, phát triển nền kinh tế số?
Tôi nhận thấy đất nước và người dân nơi đây đang phục hồi sau đại dịch nhanh hơn và tốt hơn dự đoán. Theo tôi, Việt Nam hiện đã có đầy đủ các yếu tố cần thiết để trở thành một cường quốc về kinh tế số trong thập kỷ tới ở khu vực. Việt Nam có lực lượng dân số trẻ và tinh thần doanh nghiệp rất lớn; đồng thời đang tập trung đẩy mạnh đổi mới sáng tạo. Chính phủ Việt Nam cũng đặt tầm nhìn và mục tiêu cụ thể cho chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Với sự nổi lên của Metaverse (Vũ trụ số), Việt Nam có tiềm năng dẫn đầu không gian này thông qua đổi mới và tự do sáng tạo.
Nền kinh tế số ngày càng trở nên quan trọng, chiếm tới hơn 8% GDP của cả nước và tiềm năng phát triển là rất lớn. Bên cạnh sự hợp tác ngày càng mở rộng trong thương mại và đầu tư…, nền kinh tế số sẽ nhanh chóng trở thành một trong những trụ cột trong quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam- Hoa Kỳ.
Để khai phá các tiềm năng kỹ thuật số, Việt Nam cần xây dựng và hình thành hệ sinh thái chính sách về nền kinh tế số. Hiện nay, Việt Nam đã có hệ thống internet mở và phổ cập. Với việc duy trì một mô hình internet mở và phổ cập sẽ khuyến khích những khoản đầu tư khổng lồ từ các công ty công nghệ thông tin của Hoa Kỳ và các quốc gia. Điều này sẽ giúp tạo nên một thị trường kỹ thuật số phát triển vững mạnh ở Việt Nam, tạo động lực cho nền kinh tế số cũng như thúc đẩy doanh nghiệp Việt phát triển thịnh vượng trên toàn cầu.
Theo tôi, Việt Nam cần hình thành một tổ công tác về nền kinh tế số để xây dựng niềm tin số giữa Việt Nam và ngành ICT của Hoa Kỳ. Tổ công tác hướng đến 2 mục tiêu chính. Trước hết là xác định các cách thức tận dụng những khoản đầu tư của Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam để xây dựng nền kinh tế số, chuyển đổi số. Cùng với đó, các doanh nghiệp ICT sẽ phối hợp với Chính phủ Việt Nam hoạch định những chính sách, chiến lược tổng thể, tạo môi trường thúc đẩy phát triển nền kinh tế số đạt được các mục tiêu đặt ra.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận