Tập đoàn Dệt May Việt Nam (VGT): Lợi nhuận hơn 1.200 tỷ, dòng tiền kinh doanh âm
Năm 2022, Tập đoàn Dệt May Việt Nam ghi nhận lợi nhuận 1.212 tỷ đồng, giảm 14,5% nhưng vẫn vượt chỉ tiêu đề ra. Bên cạnh đó, dòng lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh cũng ghi nhận âm hàng trăm tỷ đồng.
Lợi nhuận đạt chỉ tiêu đề ra
Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex, mã: VGT) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2022 cho thấy một năm kinh doanh biến động đối với doanh nghiệp này.
Theo đó, doanh thu thuần tăng 14,2% so với năm 2021, đạt gần 18.273 tỷ đồng. Trong đó, ngành mũi nhọn của Vinatex là công nghiệp dệt may mang lại 17.631 tỷ đồng. Xuất nhập khẩu và kinh doanh thương mại đạt 126 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá vốn bán hàng cũng tăng mạnh lên 16.291 tỷ đồng (tăng 17,6%) khiến lợi nhuận gộp chỉ đạt 1.982 tỷ đồng, tương đương giảm 165 tỷ đồng.
Mảng hoạt động tài chính cũng ghi nhận tăng trưởng khi đem về gần 555 tỷ đồng (tăng 72,5%). Lãi trong công ty liên doanh liên kết tăng 140 tỷ đồng so với năm 2021, ghi nhận ở mức 717 tỷ đồng (tăng 24,3%).
Tuy vậy, các loại chi phí của Vinatex đều tăng cao so với năm 2021. Theo đó, chi phí tài chính là 616,7 tỷ đồng. Đây cũng là loại chi phí có mức tăng mạnh nhất, tương đương 126%.
Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt là 567,3 tỷ đồng và 854,9 tỷ đồng, tăng tương ứng 11,8% và 4,8%. Kết quả từ các hoạt động khác vẫn âm 2.227 tỷ đồng.
Cả năm 2022, tổng doanh thu Vinatex đạt gần 18.900 tỷ đồng. Kết quả lợi nhuận trước và sau thuế đều thấp hơn năm 2021, lần lượt là 1.212 tỷ đồng (giảm 14,5%) và 1.083 tỷ đồng (giảm 15,8%).
Theo kế hoạch đề ra đầu năm, ban lãnh đạo Vinatex đã đặt ra mục tiêu có lãi trước thuế 951 tỷ đồng. Với kết quả trên, tập đoàn này vẫn ghi nhận vượt 27% kế hoạch lợi nhuận.
Dòng tiền kinh doanh âm hàng trăm tỷ đồng
Hiện, Vinatex là tập đoàn lớn nhất trong ngành dệt may Việt Nam với quy mô tổng tài sản 20.034 tỷ đồng. Tỷ lệ tài sản ngắn hạn và dài hạn gần như ngang nhau, tương ứng 9.556 tỷ đồng tài sản ngắn hạn và 10.478 tỷ đồng tài sản dài hạn.
Tài sản cố định và hàng tồn kho chiếm tỷ lệ hơn một nửa tổng tài sản. Cụ thể, hàng tồn kho gần 4.138 tỷ đồng (tăng 23,4%, chiếm 20% tổng tài sản) và tài sản cố định gần 6.255 tỷ đồng (giảm 7,8%, chiếm 31,2% tổng tài sản).
Doanh nghiệp cũng có các khoản vay nợ tài chính với giá trị tổng cộng 7.753 tỷ đồng, tăng thêm 4,4% trong năm qua.
Nợ phải trả thời điểm cuối năm giảm còn 10.603 tỷ đồng, chủ yếu là nợ ngắn hạn (chiếm 66,7%). Trong năm, Vinatex cũng đã thực hiện tăng vốn chủ sở hữu từ 9.046 tỷ đồng lên 9.430 tỷ đồng.
Về dòng tiền, duy nhất lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư đạt 706 tỷ đồng, thì lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh và lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính lại ghi nhận âm hàng trăm tỷ đồng và thấp hơn rất nhiều so với năm 2021.
Cụ thể, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh năm 2022 âm gần 432 tỷ đồng, trong khi năm 2021 đạt 1.056 tỷ đồng. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính năm 2022 âm 293 tỷ đồng. Ở năm 2021, chỉ tiêu này chỉ âm 72,5 tỷ đồng. Do vậy, tổng lưu chuyển tiền thuần trong năm từ các hoạt động âm 19,2 tỷ đồng (giảm 111,5%).
Tại ngày 31/12/2022, Vinatex có khoảng 2.219 tỷ đồng đầu tư tài chính đến ngày đáo hạn, phần lớn là tiền gửi ngắn hạn trên 3 tháng và dưới 12 tháng, chỉ có một phần rất nhỏ là trái phiếu (giá gốc là 21,8 tỷ đồng).
Tiền và các khoản tương đương tiền cuối năm giảm nhẹ 3,3%, ở mức 615,9 tỷ đồng, phần lớn là tiền gửi ngân hàng gần 409 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong số này có hơn 43 tỷ đồng bị phong tỏa do liên quan đến nghĩa vụ bảo lãnh của Tập đoàn Dệt May Việt Nam đối với khoản nợ ngân hàng của một đơn vị thành viên của Tập đoàn.
Nợ xấu và nợ khó đòi tại ngày 31/12/2022 Vintex giảm so với ngày đầu năm xuống còn 462 tỷ đồng, bao gồm các khoản nợ đã quá hạn trên 3 năm của Công ty TNHH Dệt May Hoàng Anh, CTCP Tập đoàn An Phát, CTCP Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu Hà Đông, CTCP Đầu tư Phát triển Phong Phú, CTCP Dệt May Liên Phương.
Được biết, Tập đoàn Dệt May Việt Nam được thành lập năm 2010 dưới hình thức Công ty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu. Vinatex thực hiện cổ phần hóa vào năm 2014 và được cấp Giấy chứng nhận Đăng ký Doanh nghiệp CTCP vào tháng 1/2015. Tập đoàn sản xuất và kinh doanh chính trong lĩnh vực công nghiệp dệt may; xuất nhập khẩu và kinh doanh thương mại và các hoạt động khác (chủ yếu bao gồm bán và cho thuê bất động sản).
Tại ngày 31/12/2022, Vinatex có 33 công ty con và 32 công ty liên kết. Chủ tịch HĐQT là ông Lê Tiến Tường, vị trí Tổng giám đốc do ông Cao Hữu Hiếu nắm giữ.
Vân Anh
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận