Tạo nền tảng cho kinh tế phục hồi cuối năm
Phát biểu tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8 tổ chức hôm cuối tuần qua tại Hà Nội, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định, trong tháng 8 vừa qua chúng ta đã ứng phó nhanh chóng, hiệu quả với diễn biến mới của dịch Covid-19. Nhờ đó đã góp phần giữ ổn định tình hình, tiếp tục tập trung thực hiện mục tiêu kép; tạo cơ sở cho phục hồi kinh tế 4 tháng cuối năm và lấy lại đà tăng trưởng mạnh hơn trong năm 2021.
Nền tài chính tốt hỗ trợ vượt đại dịch
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, hiện nhiều quốc gia trên thế giới đã tăng trưởng âm 2 quý liên tiếp và sẽ rơi vào suy thoái trầm trọng nếu không sớm đẩy lùi dịch Covid-19. Tuy nhiên, nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá Việt Nam nằm trong nhóm tăng trưởng dương trong khu vực và toàn cầu. Sức khỏe của nền tài chính Việt Nam được đánh giá tốt và hoàn toàn có thể vượt qua tác động của đại dịch, được xếp hạng 12/66 nền kinh tế mới nổi có nền tài chính khỏe mạnh. Theo nhận định của một số định chế tài chính lớn, nếu phấn đấu tốt, Việt Nam có thể tăng trưởng 2-3% trong năm 2020.
Về tình hình kinh tế - xã hội 8 tháng, Bộ trưởng Dũng cho biết, Chính phủ thống nhất nhận định nền tảng kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; lạm phát được kiểm soát; chỉ số giá tiêu dùng có xu hướng giảm dần, CPI bình quân 8 tháng năm 2020 tăng 3,96% so với cùng kỳ, bước đầu đã kiểm soát ở mức dưới 4% như mục tiêu Quốc hội giao. Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất giảm; tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định.
Nông nghiệp tiếp tục là bệ đỡ cho nền kinh tế trong lúc khó khăn. Năm nay, ngành nông nghiệp phấn đấu giữ được mức tăng trưởng 2,6-2,8%; đặc biệt là giữ mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 41 tỷ USD, cao hơn so với năm 2019. Bên cạnh đó, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá lợn hiện nay đã giảm 15.000-18.000 đồng/kg so với thời điểm cao nhất, cho thấy thị trường này đang dần ổn định.
Xuất khẩu hàng hóa cũng là điểm sáng với kim ngạch xuất khẩu đạt trên 174 tỷ USD, tăng 1,6%; trong đó xuất khẩu khu vực trong nước đạt gần 61 tỷ USD, tăng 15,3%; đặc biệt đã xuất siêu trên 11,9 tỷ USD. Giải ngân vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước cũng được đẩy mạnh, 8 tháng đạt trên 221.700 tỷ đồng, bằng 47,08% kế hoạch (cùng kỳ đạt 41,39%); cao nhất giai đoạn 2016-2020…
Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8 giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp làm gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào. Hoạt động thương mại và dịch vụ tháng 8 cũng giảm so với tháng trước do ảnh dịch bệnh quay trở lại. Những khó khăn đó được thể hiện rõ nét qua bức tranh phát triển DN. Theo đó tính chung 8 tháng chỉ có gần 89.000 DN thành lập mới, giảm 2% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tín hiệu đáng mừng là số DN quay trở lại hoạt động tăng 27,9%; DN tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể giảm 5,9% và DN hoàn tất thủ tục giải thể giảm 1,9%.
Dịch bệnh cũng khiến thu ngân sách Nhà nước không cao, 8 tháng ước đạt gần 882.000 tỷ đồng, bằng 58,3% dự toán; trong khi chi ngân sách thực hiện theo dự toán và đáp ứng các nhiệm vụ cấp bách phát sinh về phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội. Tính đến hết tháng 7/2020, đã thực hiện chi gần 88.000 tỷ đồng (ngoài dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020) để hỗ trợ chính sách. Bên cạnh đó, công tác thu hút đầu tư nước ngoài chưa được như kỳ vọng, với số vốn thu hút và giải ngân đều sụt giảm.
NHNN đã vào cuộc sớm và tích cực
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, Chính phủ đánh giá thị trường tiền tệ, tín dụng nhìn chung ổn định và là điểm sáng của nền kinh tế trong 8 tháng đầu năm 2020. Mặc dù tính đến ngày 26/8, tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế mới đạt 4,23%; song chủ yếu là do nhu cầu tín dụng của nền kinh tế giảm bởi các DN chưa giải quyết được thị trường đầu ra do đứt gãy cung cầu. Đặc biệt thị trường tiền tệ vẫn ổn định, mặt bằng lãi suất giảm mạnh…
Trả lời câu hỏi của báo giới liên quan đến vấn đề lãi suất và tiếp cận tín dụng, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định, NHNN là một trong những bộ ngành vào cuộc sớm nhất triển khai các chính sách hỗ trợ nền kinh tế vượt qua đại dịch Covid-19. Theo đó về lãi suất, NHNN đã điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, giảm trần lãi suất cho vay và cũng giảm trần lãi suất huy động để có điều kiện hỗ trợ chi phí vay vốn với DN và người dân.
Không chỉ vậy, theo đánh giá của NHNN, trong điều kiện dịch Covid-19 xảy ra, các DN rất khó khăn trong trả nợ vì giai đoạn này nguồn thu của DN và người dân khó khăn. Do đó NHNN ban hành Thông tư 01 tập trung chủ yếu cho phép các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ và miễn giảm lãi vay. Theo quy định thông thường phải chuyển nhóm nợ, nhưng Thông tư 01 cho phép giữ nguyên nhóm nợ để DN mặc dù khó khăn vẫn có điều kiện tiếp cận vốn vay.
Bên cạnh đó NHNN chỉ đạo các TCTD giảm lãi suất cho vay, cả các khoản cho vay mới cũng như với dư nợ cũ. Thống đốc cũng đã chỉ đạo, kêu gọi các TCTD bằng chính nguồn lực của mình từ tiết kiệm chi phí, giảm lợi nhuận, kể cả hạn chế chia cổ tức để có nguồn lực tài chính giảm lãi suất để hỗ trợ người dân, DN. “Diễn biến gần đây cho thấy, so sánh giữa tháng 7/2020 với cuối năm 2019 thì lãi suất huy động tiền gửi bình quân đã giảm 0,6%/năm, cũng tạo điều kiện để giảm lãi suất cho vay”, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận