Tạo động lực để phát triển kinh tế đêm
Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, để xây dựng phát triển kinh tế đêm thì nên tính toán để phát triển giao thông ban đêm.
Theo các chuyên gia kinh tế, lĩnh vực du lịch, hoạt động kinh tế ban đêm tại TP.HCM được nhận định là nhộn nhịp nhất với nhiều hoạt động như: phố đi bộ, phố ẩm thực, chợ đêm, hệ thống cửa hàng tiện lợi 24/24 giờ… Và khảo sát cũng cho thấy, doanh thu sản phẩm dịch vụ du lịch vào ban đêm chiếm tới 70%.
Thế nhưng hiện nay, TP.HCM đang thiếu các điểm vui chơi giải trí về đêm nên không những không thu được tiền từ du khách quốc tế mà còn khiến một lượng ngoại tệ không nhỏ chảy ra nước ngoài. Do hoạt động buổi tối khá đơn điệu nên lịch trình khám phá TP.HCM của du khách thường chỉ tập trung vào ban ngày. Các tour du lịch ở TP.HCM hầu hết chỉ được thiết kế gói gọn trong 1 - 2 ngày, thậm chí nửa ngày. Thống kê cho thấy, mức chi tiêu trung bình 1 ngày của khách đến Việt Nam chỉ bằng hơn một nửa so với Thái Lan, trong đó chủ yếu cho việc thuê phòng lưu trú và ăn uống. Việc mua hàng hóa, đồ lưu niệm, tham quan, vui chơi, giải trí chỉ chiếm 20%. Và đến nay, mục tiêu "thành phố không ngủ" của TP.HCM vẫn chưa thành công.
Các chuyên gia kinh tế chỉ ra rằng, phố đi bộ Nguyễn Huệ ở trung tâm quận 1, có nhiều thế mạnh để phát triển kinh tế đêm. Tuy nhiên, nhìn xung quanh phố đi bộ Nguyễn Huệ, không có nhiều người đang tiêu tiền bởi trên cả con đường dài gần 1 km gần như không có hoạt động vui chơi giải trí nào được tổ chức.
Vào tháng 7/2019, Văn phòng Chính phủ đã có công văn gửi các bộ ngành và UBND các tỉnh, thành yêu cầu chủ động nghiên cứu chính sách thúc đẩy mô hình kinh tế ban đêm của Trung Quốc. Nhiều địa phương sau khi tiếp nhận chỉ đạo của Thủ tướng đã chủ động nghiên cứu và tìm hướng đi nhằm phát triển loại hình kinh tế này.
Theo một nghiên cứu của Ernst & Young (E&Y), ngành công nghiệp du lịch về đêm đóng góp khoảng 6% GDP của nước Anh với quy mô xấp xỉ 66 tỷ bảng Anh, tạo ra hơn 1,25 triệu việc làm. Hay như chỉ 3 tháng sau khi chính quyền TP. Bắc Kinh (Trung Quốc) triển khai hàng loạt chính sách hỗ trợ hoạt động kinh doanh của 16 chợ đêm và các cửa hàng tiện lợi 24/7 ban đêm tại 10 con phố, doanh số tại các cửa hàng trên những con phố đi bộ như Wangfujing, Qianmen, Xidan... đã tăng trên 50%.
Các chuyên gia cũng thừa nhận rằng, chợ đêm được xem là “mỏ vàng” của nhiều quốc gia trong khai thác du lịch. Thế nhưng, TP.HCM vẫn không có khu chợ đêm đúng nghĩa nào. Du lịch ẩm thực tưởng như là thế mạnh vì TP.HCM quy tụ rất nhiều nét ẩm thực đặc sắc hiện cũng chưa thể phát huy, nhất là vào ban đêm. Thế nên trong thời gian tới, TP.HCM, nơi thu hút đến 50% lượng khách du lịch quốc tế của cả nước càng phải nhanh chóng tính đến bài toán kinh tế đêm.
Với vấn đề phát triển giao thông vào ban đêm, ông Hoan cho rằng, có thể thời gian đầu chi phí sẽ tăng, bởi chi phí nhân công làm đêm sẽ cao hơn so với làm ngày. Tuy vậy nhưng các chi phí khác lại giảm, cụ thể như không ùn tắc kẹt xe thì giảm tiêu hao xăng dầu nên chi phí vận chuyển sẽ giảm, kéo theo chi phí xã hội sẽ giảm, giảm ô nhiễm môi trường... Do đó, cần tuyên truyền, vận động người dân, các doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp dịch vụ... để mọi người ủng hộ vấn đề này.
“Làm việc này phải có lộ trình và thông qua rất nhiều khâu nên cần có nghiên cứu cụ thể. Đề nghị Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM nghiên cứu, đề xuất xây dựng đề án kinh tế đêm, hạn chế vận tải hàng hóa ban ngày và chuyển sang đêm. Việc này sẽ làm giảm ùn tắc, ô nhiễm, đồng thời tạo cuộc sống tốt hơn cho người dân”, ông Hoan nói.
Theo thống kê của Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM, hiện TP.HCM có khoảng 8 triệu phương tiện giao thông cá nhân, trong đó ô tô hơn 755.000 chiếc và gần 7,3 triệu xe máy. Phương tiện giao thông nhất là xe gắn máy được dự báo tiếp tục gia tăng, trong khi hạ tầng giao thông TP.HCM chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận