Tăng vốn cho Agribank thay vì “ném” tiền ngân sách vào dự án thua lỗ nghìn tỷ
Vấn đề tăng vốn điều lệ cho Agribank được đưa ra tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV bối cảnh ngân sách eo hẹp được nhiều người quan tâm. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng tài trợ để các ngân hàng và Agribank đứng vững là quan trọng nhất, thay vì ném vào những dự án thua lỗ nghìn tỷ.
Gánh trách nhiệm hai vai, "nhọc nhằn" chờ tăng vốn
Chiếm khoảng 14% dư nợ tín dụng với nền kinh tế - thị phần lớn nhất hệ thống. Trong đó, tỷ trọng cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của Agribank trong các năm qua luôn ở mức xấp xỉ 70% tổng dư nợ cho vay của ngân hàng này, chiếm 50% thị phần tín dụng của ngành ngân hàng cho vay "tam nông".
Không chỉ làm nhiệm vụ ngân hàng thương mại thuần túy, hàng năm Agribank dành hàng nghìn tỷ đồng để hỗ trợ cho vay lãi suất thấp đối với các đối tượng ưu tiên trong sản xuất nông nghiệp. Tổng số tiền lãi đã hỗ trợ cho khách hàng theo các chương trình hỗ trợ, cấp bù chênh lệch lãi suất đến cuối năm 2019 là 4.263 tỷ đồng. Trong đó, có tới 2.838 tỷ đồng chưa được ngân sách cấp bù.
Trong giai đoạn 2014-2019, Agribank đã nộp Ngân sách Nhà nước 14.300 tỷ đồng. Ngoài ra, Agribank cũng dành khoảng 300- 400 tỷ đồng hàng năm để tài trợ các chương trình an sinh xã hội, góp phần tích cực vào thực hiện chủ trương xóa đói, giảm nghèo của Đảng và Nhà nước.
"Gánh trách nhiệm hai vai", nhưng một thực tế không thể phủ nhận, trong 8 năm qua kể từ năm 2012 đến nay, Agribank chưa được Nhà nước cấp bổ sung vốn dưới bất cứ hình thức nào (Lần cấp gần nhất vào năm 2011 là 8.327 tỷ đồng). Hiện vốn điều lệ ngân hàng này là 30.518 tỷ đồng, thấp nhất trong nhóm 4 ngân hàng thương mại Nhà nước là Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank.
Nếu so sánh với tổng tài sản, quy mô vốn điều lệ/tổng tài sản của Agribank là 2,1%, không tương xứng với quy mô hoạt động. Tỷ lệ này bị giảm dần qua từng năm: Năm 2016 là 2,9%, năm 2017 là 2,6%, năm 2018 là 2,4%; năm 2019 còn 2,1%. So với các NHTM khác, quy mô vốn điều lệ/tổng tài sản của Agribank nhỏ nhất.
Dẫn đến việc, tỷ lệ an toàn vốn của Agribank chỉ đạt 9,2%, thấp hơn nhiều so với mức bình quân của hệ thống các TCTD trong nước và đã sát ngưỡng tối thiểu theo quy định (9%). Nếu tính theo chuẩn mực vốn Basel II được quy định tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN, tỷ lệ này chỉ đạt 7,3% (không đảm bảo yêu cầu vốn tối thiểu 8% theo quy định).
"Gối đệm" an toàn suy giảm, Agribank đang đứng trước thách thức rất lớn: phải dừng tăng trưởng tín dụng, thậm chí là giảm dư nợ cho vay, ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng cung ứng vốn phục vụ phát triển kinh tế.
Theo dự kiến của Ngân hàng Nhà nước, không được tăng vốn trong năm 2020, Agribank phải giảm tới 170.000 tỷ đồng dư nợ tín dụng trong khi nhu cầu vay vốn hiện tại là rất lớn, nhiều dự án quan trọng đang trong tiến độ giải ngân.
Việc tăng vốn cho các ngân hàng quốc doanh nói chung và Agribank nói riêng càng trở nên khẩn thiết hơn bao giờ hết khi mà cả 4 ngân hàng lớn này đang căng sức hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế vượt qua những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra. Agribank dự kiến, nhu cầu tăng trưởng dư nợ cho vay hỗ trợ Covid-19 ở mức 100 .000 tỷ đồng (tăng 9%) chưa kể các nhu cầu khác trong nông nghiệp, nông thôn.
Theo nhìn nhận của giới chuyên gia, muốn ngân hàng cấp đủ vốn cho doanh nghiệp, nền kinh tế không còn cách nào khác phải tăng vốn củng cố tấm nệm an toàn của ngân hàng.
TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính-tiền tệ Quốc gia đánh giá, Agribank là ngân hàng gắn với sự phát triển của nông nghiệp, nông thôn. Đây là khu vực rộng lớn của Việt Nam từ miền xuôi đến miền ngược, từ người giàu đến người nghèo và đang trong giai đoạn tái cấu trúc nên nhu cầu về vốn rất là lớn. Vì vậy, cần phải tăng vốn để ngân hàng tăng khả năng huy động và cho vay. "Việc tăng vốn đối với Agribank là vô cùng cấp thiết bởi với tiền lực tài chính như hiện nay nếu không tăng được vốn thì dù Agribank muốn hỗ trợ cho tăng trưởng tín dụng cũng không thể làm được. Hơn nữa, tăng vốn các ngân hàng mới có "gối đệm" chống đỡ rủi ro", TS. Lê Xuân Nghĩa bày tỏ.
Chưa kể, việc tăng vốn này còn có tác động rất lớn tới lộ trình lành mạnh hóa và "tăng điểm" của hệ thống ngân hàng trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.
Đồng quan điểm, TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính-tiền tệ Quốc gia bổ sung, khi tăng vốn cho Agribank hệ số lan tỏa sẽ rất lớn.
"Chẳng hạn chúng ta đầu tư 3.500 tỷ vào một dự án thì có lẽ hệ số lan tỏa của dự án này còn lâu hơn và nhỏ hơn so với việc đưa vốn vào Agribank để qua có sự lan tỏa rộng lớn hơn từ việc cho vay, tạo công ăn việc làm, mang lại thu nhập cho người dân ở nông thôn…Nhất là hỗ trợ các đối tượng chính sách, vùng đặc biệt khó khăn, thực hiện các chính sách, chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới, góp phần xóa đói giảm nghèo", ông Lực phân tích.
Trao đổi với Dân Việt, Phó Tổng giám đốc Agribank Nguyễn Thị Phượng cũng thừa nhận, căn cứ thực tế cấp tín dụng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và áp lực vốn để đảm bảo tuân thủ quy định của Basel II, yêu cầu tăng vốn của Agribank là hết sức cấp thiết. Khả năng cung ứng vốn giảm, khả năng giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế cũng sẽ giảm đi. Đặc biệt, vốn tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực do Agribank cung ứng đến 50% thị phần tín dụng nông nghiệp, nông thôn, tác động xấu đến hoạt động sản xuất kinh doanh, thu nhập của hàng triệu khách hàng là các cá nhân, hộ sản xuất trên địa bàn nông thôn. Do đó, Agribank khó kinh doanh hiệu quả nếu không được tăng vốn điều lệ.
Không có lý do trì hoãn?
Không còn là vấn đề mới mẻ nhưng câu chuyện tăng vốn của Agribank nhiều năm nay vẫn là bài toán chưa có lời giải. Agribank là ngân hàng 100% vốn Nhà nước duy nhất cũng là ngân hàng có vốn điều lệ thấp nhất trong Big 4. Trong khi quá trình cổ phần hoá của ngân hàng không được suôn sẻ do gặp nhiều khó khăn nhất là trong việc xác định giá trị quỹ đất lớn, nguồn gốc hình thành đa dạng… thì việc tăng vốn của ngân hàng này hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn ngân sách.
Mới đây, Chính phủ đã thống nhất việc cấp bổ sung vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2019; mức bổ sung vốn điều lệ tương ứng với số lợi nhuận sau thuế thực nộp ngân sách nhà nước năm 2020 của Agribank, tối đa không quá 3.500 tỷ đồng.
Bàn về câu chuyện dùng vốn ngân sách tăng vốn cho Agribank, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, nguồn ngân sách hiện đang rất eo hẹp nhưng đó không phải lý do để "từ chối" cấp vốn cho các ngân hàng thương mại nhà nước nói chung và Agribank nói riêng.
"Ngân sách eo hẹp thì chúng ta phải lựa chọn ra các đối tượng tài trợ vốn cho phù hợp. Trong đó, tài trợ để các ngân hàng đứng vững là quan trọng nhất. Bởi Chính phủ muốn có sức mạnh tài chính lớn thì phải củng cố tài chính cho 4 ngân hàng quốc doanh – đây là 4 ngân hàng có thể hợp vốn để thực hiện các dự án phải huy động nguồn vốn lên tới hàng nghìn tỷ đồng như sân bay, cơ sở hạ tầng…
Hơn nữa, trong thời gian qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên rủi ro với các ngân hàng này càng lớn và trong đó Agribank gắn liền với "tam nông" sẽ là lớn nhất. Muốn trụ vững thì phải có tiền. Nguồn ngân sách hạn chế, lựa chọn Agribank để tăng vốn đầu tiên là quá chuẩn xác", TS Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh.
Để làm rõ hơn quan điểm của mình, ông Nghĩa lấy dẫn chứng, tại nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ, quốc gia này khi tuyên bố rằng đã cứu cả nền kinh tế nhưng thực chất chỉ là bơm vốn cứu các ngân hàng lớn. Khi các ngân hàng này đứng vững sẽ tài trợ trở lại cho các doanh nghiệp. Việt Nam có thể không phải là ngoại lệ.
Với cách nhìn từ góc độ đầu tư, ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện chiến lược ngân hàng thì cho rằng, khi chúng ta bỏ tiền ngân sách cấp vốn cho các ngân hàng thương mại Nhà nước thì về bản chất chính là ngân sách đầu tư 1 khoản tiền vào đó để sinh lời.
Điều này hoàn toàn có cơ sở. Nếu nhìn vào hoạt động kinh doanh của Agribank trong giai đoạn 2014 – 2019 có thể thấy, trong vòng 5 năm qua, nhà băng này luôn tăng trưởng ổn định, lợi nhuận tăng dần qua từng năm. Trong đó năm 2018 đạt 7.552 tỷ đồng, năm 2019 đạt mức lợi nhuận trước thuế cao nhất trong giai đoạn với 13.804 tỷ đồng. Các chỉ số sinh lời những năm gần đây có sự chuyển biến tích cực (ROE, ROA tăng đều qua các năm từ 4,53% năm 2014 lên 17,6% năm 2019); chất lượng tín dụng cũng từng bước được kiểm soát hiệu quả, tỷ lệ nợ xấu nội bảng các năm giai đoạn 2014-2019 giảm dần, quy mô hoạt động đến 31/12/2019 đã tăng gấp 2 lần so với thời điểm 31/12/2014.
"Khi ngân sách đầu tư vào Vietcombank, Vietinbank hay BIDV đều được chia lãi từ cổ tức, còn đầu tư vào Agribank là ngân hàng 100% vốn Nhà nước thì phần nộp thuế thu nhập của Agribank sẽ tăng và tới đây kế hoạch của Chính phủ là cổ phần hóa thì phần vốn của Nhà nước tại Agribank cũng lớn lên. Theo tôi đây là những khoản đầu tư có hiệu quả nhất, vậy thì tại sao chúng ta lại không làm? còn hơn chúng ta tiếp tục ném ngân sách vào những dự án thua lỗ nghìn tỷ", ông Hòe đặt câu hỏi.
Phó Viện trưởng Viện chiến lược ngân hàng cũng cho hay, hiện các quỹ ngân sách đang nằm rải rác ở các bộ, các tập đoàn lớn như các quỹ phát triển Khoa học Cộng nghệ tại Viettel, VNPT, PVN… Tất cả các quỹ đó có thể lên tới vài nghìn tỷ nhưng thực chất chế độ chính sách lại không chi được gì. "Vậy tại sao chúng ta lại không có cơ chế tập trung hóa các khoản phân tán này lại để phân bổ hiệu quả hơn. Mà phân bổ hiệu quả hơn có nghĩa là chúng ta phải ném tiền vào những chỗ sinh lời như ngân hàng. Nếu đầu tư vào ngân hàng, ngân hàng sẽ không nợ ngân sách 1 xu về thuế. Trong bối cảnh khó khăn như hiện tại cần phải có sự chia sẻ và công bằng", ông Hòe nêu đề xuất.
Đến thời điểm hiện nay, mặc dù đã được Chính phủ "bật đèn xanh" song Agribank cũng không còn cách nào khác ngoài việc "chờ đợi" sự chấp thuận từ Quốc hội trong kỳ họp này. Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc Quốc hội xem xét, chấp thuận bổ sung vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn ngân sách Nhà nước sẽ tạo cơ sở pháp lý cho Thủ tướng Chính phủ quyết định về việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận