Tăng trưởng tín dụng 2020 - Mục tiêu có quá tham vọng?
Theo như thông tin được chia sẻ tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ mới đây,11-14% là mức tăng trưởng tín dụng toàn ngành dự kiến trong năm nay của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn gặp khó khăn trước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, liệu mục tiêu này có quá tham vọng?
Nỗ lực bơm vốn cho nền kinh tế
Theo Thống đốc NHNN cho biết, đến ngày 31/3/2020, tín dụng toàn nền kinh tế và hệ thống ngân hàng tăng 1.3% so với đầu năm. Đây là tín hiệu tương đối khả quan vì tín dụng hầu như không tăng trong 2 tháng đầu năm, đến tháng 3 đã có bước tăng trưởng tích cực. Cũng cần lưu ý là báo cáo từ Tổng cục Thống kê trước đó cho biết tăng trưởng tín dụng đến ngày 20/3 chỉ mới tăng 0.68% so đầu năm, như vậy chỉ trong vòng 10 ngày cuối tháng 3 tín dụng đã kịp tăng thêm 0.62%.
Ngoài ra, năm 2020, NHNN dự kiến tín dụng tăng thêm cho nền kinh tế khoảng 900 nghìn tỷ đồng đến 1.1 triệu tỷ đồng, tức là mức tăng dự báo khoảng 11-14%. Trong bất cứ tình huống nào, NHNN cũng sẽ điều hành hoạt động ngân hàng để đảm bảo cung ứng đầy đủ vốn cho nền kinh tế, kể cả trong giai đoạn phòng chống dịch cũng như phục hồi sau dịch với mức lãi suất cho vay thấp hơn.
Nếu nhìn vào kết quả tăng trưởng tín dụng của các năm trước đây, cụ thể năm 2014 là 14.4%, 2015 -2017 đều từ 18% trở lên, 2018 đạt 14% và 2019 là 13%, thì mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho năm 2020 dù thấp hơn tính theo tốc độ tăng, nhưng nếu tính theo số tuyệt đối thì cao hơn nhiều so với những năm trước. Thực tế nếu có thể đạt mục tiêu 14% như dự kiến, thì tăng trưởng tín dụng năm nay cũng chỉ thấp hơn giai đoạn tăng trưởng nóng 2015-2017, tương đương năm 2014 và 2018, thậm chí cao hơn so với năm 2019 vừa qua.
Tuy nhiên, trước nguy cơ khủng hoảng và suy thoái trong nền kinh tế do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, mục tiêu tăng trưởng kể trên được cho là nhiều tham vọng. Thực tế nhìn vào kết quả quý 1 vừa qua, dù có sự bứt tốc đột ngột trong thời điểm cuối tháng, nhưng con số tăng trưởng 1.3% kể trên vẫn đang là thấp nhất trong 6 năm qua.
Thông thường những năm trước đây, tăng trưởng tín dụng giai đoạn đầu năm thường thấp, nhưng rồi đến cuối năm các ngân hàng tăng tốc cho vay ra trong khi nhu cầu vốn của các doanh nghiệp cũng tăng mạnh, và theo một cách nào đó mục tiêu tăng trưởng tín dụng của toàn ngành đều hoàn thành kế hoạch đề ra. Nhưng năm nay mọi thứ có thể sẽ không còn diễn biến thuận lợi như thế, khi cầu vốn hiện nay đã suy giảm nghiêm trọng trước các rủi ro hiện hữu, và khó có thể sớm phục hồi.
Liệu có khả thi?
Như một số phân tích đã chỉ ra, câu chuyện của các doanh nghiệp hiện nay phải đối mặt hằng loạt thách thức như là hoạt động sản xuất kinh doanh bị tê liệt, trì trệ, gián đoạn, do nỗi lo sợ dịch bệnh, cùng với các chính sách phong tỏa, cách ly theo quy định, nguồn nguyên nhiên liệu đầu vào thiếu hụt do đứt quãng chuỗi cung ứng, trong khi đầu ra cũng chịu tác động khi nhu cầu tiêu dùng suy yếu, hoạt động giao thương bị hạn chế. Chính vì vậy, khi mọi hoạt động bị thu hẹp, doanh nghiệp dù có sẵn tiền cũng không thể duy trì sản xuất như mong muốn, nói gì đến việc vay vốn để mở rộng đầu tư.
Ở góc độ người tiêu dùng, trước rủi ro khủng hoảng và suy thoái hiện nay, việc thắt chặt chi tiêu để dự phòng ứng phó với mọi tình huống xấu nhất đang được ưu tiên hơn bao giờ hết. Nhu cầu mua xe, mua nhà hay các sản phẩm đầu tư khác trở nên quá xa xỉ trong lúc này, huống chi các kênh đầu tư cũng đang trong tình trạng rủi ro lớn, đơn cử như bất động sản, nên việc vay vốn mua nhà đất vào thời điểm hiện nay hay ngay cả cho giai đoạn tới dường như không hợp lý.
Trước nhu cầu vay vốn suy yếu, ngân hàng dù muốn đẩy mạnh cho vay ra, thậm chí giảm mạnh lãi suất để hỗ trợ hay kích thích, thì tín dụng muốn duy trì tốc độ tăng trưởng cao như giai đoạn trước đây là khá thách thức. Báo cáo gần đây của công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng dự báo trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh, tăng trưởng tín dụng khó có thể được cải thiện trong quý II.
Ngoài ra, với các tỷ lệ an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng sẽ có xu hướng thắt chặt theo lộ trình để đảm bảo tăng trưởng trong dài hạn, nên tăng trưởng tín dụng của các TCTD hiện nay phụ thuộc vào chất lượng tài sản và mức độ đáp ứng các yêu cầu về an toàn hoạt động. Theo đó, những ngân hàng nào đã đáp ứng được chuẩn Basel II theo Thông tư 41/2016 sẽ vẫn phải tiếp tục nỗ lực để duy trì tỷ lệ CAR theo quy định trong mọi thời điểm, trong khi những ngân hàng chưa đáp ứng do vốn tự có chưa đủ lớn thì buộc phải tăng vốn cho đủ trước khi nghĩ đến chuyện tăng trưởng tín dụng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường chứng khoán ảm đạm, các ngân hàng có thể sẽ tiếp tục chậm trễ trong việc lên sàn, nguồn lực tài chính của các nhà đầu tư, cổ đông thời gian qua đã suy giảm đáng kể, việc tăng vốn của các ngân hàng sẽ gặp không ít thách thức. Do đó, việc tăng trưởng tín dụng của nhiều ngân hàng sẽ tiếp tục bị níu chân bởi hệ số CAR.
Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng sẽ càng kém khả quan hơn đối với các TCTD chưa xử lý xong nợ tồn đọng, hay vẫn đang trong giai đoạn tái cơ cấu và chưa đạt được tiến độ đề ra. Điều cần lưu ý là trước ảnh hưởng của dịch bệnh lần này, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn và có nguy cơ phá sản rất lớn, theo đó nợ xấu của các nhà băng cũng sẽ bị tác động, mà báo cáo gần đây cho thấy có đến 2 triệu tỷ đồng bị ảnh hưởng, nên các TCTD sẽ phải mất nhiều nguồn lực để xử lý các khoản nợ xấu, từ đó cũng ảnh hưởng lên hoạt động cho vay.
Hạn chế nguồn vốn đầu vào
Trước xu hướng huy động vốn đang tăng trưởng chậm lại, thì việc muốn duy trì tốc độ cho vay cũng sẽ bị ảnh hưởng là tất yếu. Cụ thể, tăng trưởng huy động vốn toàn ngành tính đến ngày 20/3 cũng chỉ ở mức 0.51%, là tốc độ tăng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Đáng chú ý là theo số liệu công bố trước đó cho thấy tăng trưởng huy động vốn đến ngày 20/2 còn đang ở mức 1.07%, như vậy riêng trong tháng 3 một lượng tiền gửi ngân hàng đã bị rút ra, khả năng do nhu cầu nắm giữ tiền mặt tăng cao.
Dù vậy, nhiều ngân hàng vẫn tiếp tục giảm lãi suất huy động vốn đầu vào, đặc biệt kể từ sau quyết định giảm trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng của NHNN vào giữa tháng 3, trong khi lãi suất kỳ hạn từ 6 tháng trở lên cũng được điều chỉnh giảm mạnh khi các ngân hàng buộc lòng phải tìm cách kéo chi phí vốn đầu vào xuống thấp, do phải giảm mạnh lãi suất cho vay theo lời kêu gọi của nhà điều hành cũng như trước thực trạng của nền kinh tế. Thật ra việc giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp cũng chính là cách ngân hàng đang tự cứu mình.
Do đó, với mặt bằng lãi suất giảm mạnh, huy động vốn từ dân cư trong thời gian tới dự kiến sẽ càng gặp nhiều khó khăn và thách thức, nên nguồn vốn để phát triển tín dụng sẽ không còn dồi dào được như trước. Ngoài ra, lượng tiền gửi của kho bạc Nhà nước tại các nhà băng cũng có thể suy giảm trong giai đoạn tới, do được rút ra để đẩy mạnh đầu tư công, các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, trong nỗ lực hỗ trợ để giữ vững tăng trưởng kinh tế của Chính phủ.
Kế hoạch tăng trưởng tín dụng không còn quá lạc quan có thể được minh chứng qua trường hợp của Vietinbank. Trước đó trong báo cáo thường niên 2019, ngân hàng này đưa ra kế hoạch tăng trưởng dư nợ tín dụng từ 6-10%. Tuy nhiên, theo tài liệu ĐHĐCĐ thường niên mới được công bố, Vietinbank đã giảm mục tiêu tăng trưởng dư nợ tín dụng xuống còn 4-8.5% trong năm nay, với điều kiện được giữ lại toàn bộ lợi nhuận 2017-2019 và thực hiện các biện pháp cải thiện tỷ lệ an toàn vốn khác như thoái vốn ở các công ty con, bán danh mục đầu tư...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận