Tăng trưởng kinh tế là động lực vững chắc cho thị trường chứng khoán
Kỳ vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024 sẽ cao hơn năm 2023 và môi trường lãi suất thấp tiếp tục được duy trì sẽ là nền tảng tốt cho đà tăng của thị trường chứng khoán trong năm 2024.
Đó là chia sẻ của bà Nguyễn Hồng Nhung - Giám đốc Quản lý Danh mục Đầu tư - Công ty Quản lý Quỹ UOB Asset Management Việt Nam - về kỳ vọng cho tăng trưởng kinh tế và thị trường chứng khoán trong năm 2024.
Ngay từ đầu năm, dự báo từ Chính phủ và các tổ chức đều cho rằng năm 2023 sẽ là năm nhiều khó khăn cho nền kinh tế và kinh tế sẽ dần phục hồi vào nửa cuối năm. Tuy nhiên, bà Nguyễn Hồng Nhung đánh giá các dữ liệu cho thấy sự phục hồi chậm hơn so với dự kiến, lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết giảm nhiều.
Điểm khác biệt lớn trong năm 2023 so với năm trước là giá trị kim ngạch xuất khẩu giảm do lực cầu bên ngoài yếu, sức mua nội địa cũng giảm sút do thu nhập của người dân bị ảnh hưởng vì khó khăn chung của nền kinh tế; tăng trưởng tín dụng yếu hơn, lượng tiền tồn đọng trong hệ thống ngân hàng nhiều.
Xét về mặt tích cực, lãi suất ngân hàng được đưa về và duy trì ở mức thấp, giúp hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế. Dòng vốn FDI vào Việt Nam có chiều hướng gia tăng mạnh hơn trong những tháng cuối năm dù trong bối cảnh còn nhiều bất ổn địa chính trị trên thế giới.
Bà Nguyễn Hồng Nhung dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2024 sẽ tốt hơn so với năm 2023 nhờ vào các chính sách và biện pháp hỗ trợ từ Chính phủ cũng như dòng vốn FDI tiếp tục mạnh và kỳ vọng về sự phục hồi nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu chính của chúng ta như Mỹ, châu Âu… Lạm phát trong năm 2024 cũng được dự báo sẽ cải thiện hơn cùng với xu hướng giảm của thế giới.
Tốc độ phục hồi của hoạt động xuất khẩu và sức mua nội địa cũng như chính sách lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) là những yếu tố có tác động mạnh lên tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024.
Về lãi suất, chính sách lãi suất của Fed trong năm 2024 sẽ có ảnh hưởng lớn đến kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Nếu Fed cắt giảm lãi suất trong năm sau, như những gì đang được kỳ vọng, điều này sẽ giúp Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thêm dư địa để tiếp tục duy trì mức lãi suất thấp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.
Nếu môi trường lãi suất thấp tiếp tục được duy trì ổn định và việc giải ngân đầu tư công được triển khai mạnh mẽ hơn trong năm 2024, đó sẽ là các yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm sau.
Lãi suất và tỷ giá của Việt Nam cũng chịu tác động từ cả các yếu tố bên ngoài. Nếu Fed cắt giảm lãi suất trong năm 2024, mặt bằng lãi suất thấp của Việt Nam có thể tiếp tục được duy trì trong năm sau. Áp lực tỷ giá VND/USD sẽ giảm đi đáng kể. Do đó, tỷ giá được dự báo sẽ tiếp tục ổn định trong năm 2024.
Ngoài ra, bà Nhung cũng kỳ vọng Nhà nước sẽ có thêm các biện pháp để kích thích sức mua trong nước cũng như các chính sách tháo gỡ vướng mắc cho thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp.
Ngoài ra, xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu sang các quốc gia có lợi thế về chi phí, lao động và công nghệ như Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia cũng tác động tích cực lên kinh tế Việt Nam. Dòng vốn FDI vào Việt Nam liên tục tăng trưởng, đặc biệt vốn FDI vào các ngành mới như năng lượng sạch, công nghệ cao và công nghệ bán dẫn.
Các bất ổn và căng thẳng địa chính trị trên thế giới cũng là yếu tố sẽ tác động nhất định đến Việt Nam.
Bà Nguyễn Hồng Nhung cho rằng, tăng trưởng kinh tế mạnh và ổn định sẽ là động lực vững chắc cho sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán. Một số ngành được hưởng lợi từ các chính sách này sẽ có sự tăng trưởng tốt hơn so với thị trường chung.
Việt Nam vẫn là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất đối với dòng vốn FDI, nhờ vào những lợi thế về vị trí địa lý chiến lược, nguồn nhân lực có tay nghề cao, lợi thế về chi phí (nhân công, giá điện, nước, giá thuê đất) và các chính sách hỗ trợ thu hút vốn đầu tư từ Chính Phủ Việt Nam.
Vốn FDI giải ngân và đăng ký vào Việt Nam liên tục tăng qua các năm, thể hiện niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong dài hạn. Hiện tại, lĩnh vực sản xuất và chế biến vẫn là ngành thu hút vốn FDI cao nhất. Ngoài ra, vốn đầu tư vào các dự án liên quan đến các ngành hiện đại như năng lượng sạch, thiết bị thông minh, công nghệ cao và sản xuất chất bán dẫn cũng đang tăng đáng kể.
Năm 2023, có 2 yếu tố lớn tác động đến dòng vốn từ khối ngoại vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Thứ nhất, lãi suất tại Mỹ và các thị trường phát triển được duy trì ở mức cao đã hút dòng vốn đầu tư ra khỏi các thị trường mới nổi và cận biên, trong đó có Việt Nam, để quay về các thị trường phát triển nhằm hưởng mức lợi suất đầu tư cao với độ rủi ro thấp hơn. Thứ hai là áp lực tỷ giá khi đồng USD mạnh lên.
Năm 2024, bà Nhung cho rằng, nếu Fed cắt giảm lãi suất như kỳ vọng, xu hướng bán ròng của khối ngoại sẽ giảm bớt. Ngoài ra, tăng trưởng kinh tế cao hơn, triển vọng về nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam và việc triển khai hệ thống KRX sẽ là những yếu tố giúp thị trường chứng khoán tăng trưởng tốt, thu hút dòng vốn cả trong và ngoài nước.
“Năm 2023 là năm của chiến lược phòng thủ và thận trọng do những khó khăn nội tại của nền kinh tế Việt Nam cũng như những bất ổn trên thế giới. Năm 2024 sẽ là năm của những doanh nghiệp có câu chuyện tăng trưởng. Tiêu điểm là các doanh nghiệp được hưởng lợi từ chính sách đầu tư công và môi trường lãi suất thấp. Ngoài ra, cũng cần chú ý đến các doanh nghiệp có điểm phục hồi lợi nhuận như bất động sản, nguyên vật liệu và xuất khẩu. Khi thị trường phục hồi thì các nhóm ngành tài chính cũng là nhóm có tỷ suất sinh lời cao”, bà Nhung đưa ra khuyến nghị cho các nhóm ngành có sức hấp dẫn trên thị trường chứng khoán trong năm 2024.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận