24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Trần Bằng An
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Tăng tốc vực dậy kinh tế TP HCM

LTS: Tăng trưởng GRDP quý I/2023 của TP HCM chỉ đạt 0,7% - mức thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc trung ương, thấp hơn trung bình chung cả nước. Lãnh đạo TP HCM chỉ rõ "đây là hậu quả của một sự bật dậy còn gượng gạo do căn bệnh cũ để lại". Để tăng tốc vực dậy kinh tế TP HCM, từng ngành, từng lĩnh vực cần nhìn thẳng vào thực tế, mổ xẻ nguyên nhân nhằm tìm ra giải pháp tháo gỡ hiệu quả.

Nói thẳng, nói thật

Cần suy nghĩ nghiêm túc, hành động quyết liệt để TP HCM tiếp tục vươn lên.

Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên cho biết dù đã lường trước thành phố sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức trong những tháng đầu năm 2023 nên TP HCM đặt ra chỉ tiêu GRDP thấp hơn năm trước, song không ngờ tăng trưởng kinh tế quý I/2023 xuống sâu như thế. Bí thư Thành ủy TP HCM gọi mức tăng trưởng kinh tế 0,7% của thành phố trong quý I là "trận thua đậm".

Trông chờ "3 trận chung kết"

"Có thể coi 4 quý trong năm như 4 trận đấu vòng loại. Trong trận đầu tiên, TP HCM đã thua đậm thì 3 trận còn lại đều là những trận chung kết để lấy lại những gì đã mất" - Bí thư Thành ủy TP HCM nhấn mạnh. Ông yêu cầu các sở, ban, ngành cần nói thẳng, nói thật những nguyên nhân, đặc biệt là nghiêm túc nhìn nhận về nguyên nhân chủ quan, để đưa ra giải pháp cho quý II và những quý còn lại của năm 2023, cũng như chuẩn bị cho những năm kế tiếp.

Trăn trở trước mức tăng trưởng kinh tế quý I thấp kỷ lục, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết dù thành phố đã làm rất nhiều việc nhưng kết quả chưa như mong muốn. "Con số tăng trưởng GRDP 0,7% gây nhiều tranh cãi trong mấy ngày qua. Điều gì đang xảy ra tại TP HCM? TP HCM đang gặp vấn đề gì? Tôi nghĩ tất cả chúng ta ở đây đều đã nghe những câu hỏi này và đã rất suy nghĩ, trăn trở"- ông nói, đồng thời nhấn mạnh: "Chúng ta cần suy nghĩ nghiêm túc, xác định, hành động quyết liệt để sớm thoát khỏi tình trạng này, tiếp tục vươn lên".

Trước mức tăng trưởng kinh tế của TP HCM, TS Trần Du Lịch - chuyên gia quan sát thành phố trong nhiều năm liền, cho rằng ông rất bất ngờ với con số tăng trưởng 0,7%. Đây là lần đầu tiên tăng trưởng của TP HCM thấp đến mức báo động kể từ năm 1982, khi TP HCM có Nghị quyết 01 của Bộ Chính trị đến nay. "Tôi suy nghĩ rất nhiều. Nhiều người hỏi tôi điều gì khiến TP HCM có mức tăng trưởng thấp như vậy" - ông trăn trở.

Vị chuyên gia này cho rằng quy luật đã được chứng minh: khi các yếu tố vĩ mô, tình hình thế giới tích cực, thành phố sẽ khai thác vượt trội. Nhưng khi bối cảnh chung chuyển biến tiêu cực, TP HCM cũng bị ảnh hưởng nhiều hơn. Rất không may cho kinh tế cả nước và TP HCM là trong quý IV/2022 vừa chịu hai tác động lớn, từ bên ngoài là biến động thị trường tài chính thế giới và việc chấn chỉnh thị trường bất động sản, tài chính trong nước. Hai yếu tố cộng hưởng làm kinh tế cả nước cực kỳ khó khăn, trong đó TP HCM là địa bàn chịu tác động mạnh nhất.

TS Trần Du Lịch thông tin qua làm việc với 40 doanh nghiệp (DN), họ đều nói rằng TP HCM hiện nay không có gì để làm. "Nhiều việc đang đứng tại chỗ thì làm sao thành phố phát triển được. Chúng ta cần nhìn thẳng vấn đề để giải quyết hiệu quả" - ông nhìn nhận.

Tăng tốc vực dậy kinh tế TP HCM

Nhiều lĩnh vực tăng trưởng âm trong quý I vừa qua đã tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế TP HCM.Ảnh: TẤN THẠNH

Khó đủ đường

Phân tích nguyên nhân tăng trưởng thấp của TP HCM, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai cho biết ngoài việc bị tác động bởi đà suy giảm của thế giới, kinh tế thành phố gặp nhiều khó khăn còn bởi tình hình trong nước.

Theo đó, thị trường bất động sản, thị trường tài chính gặp nhiều khó khăn; nợ xấu nhiều ngân hàng và áp lực đáo hạn trái phiếu có xu hướng tăng; DN trên địa bàn tiếp tục cắt giảm lao động và khó khăn hơn về đơn hàng, nguồn vốn; sức mua của người tiêu dùng giảm mạnh. 4/9 ngành dịch vụ trọng yếu có mức tăng trưởng âm; số vốn đăng ký DN thành lập mới giảm và số DN tạm ngưng hoạt động tăng so với cùng kỳ...

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư, mặc dù Thành ủy, HĐND, UBND TP HCM đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt nhưng việc thực hiện các dự án đầu tư công trong quý I còn nhiều tồn tại, hạn chế, chỉ đạt khoảng 2% tổng số vốn giao. Bên cạnh đó, tiến độ giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho cộng đồng DN của các sở, ban, ngành còn chậm. Việc sắp xếp, tổ chức bộ máy một vài tổ chức và tiến độ kiện toàn các tổ công tác liên ngành còn chậm, ảnh hưởng đến hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính và hiệu lực thực thi công vụ. Tiến độ thực hiện chương trình công tác của UBND TP HCM còn chậm, tỉ lệ nhiệm vụ trễ hạn chưa hoàn thành còn cao.

Theo Giám đốc Sở Xây dựng Trần Hoàng Quân, chương trình phát triển nhà ở tại TP HCM giai đoạn 2021-2025 với chỉ tiêu 50 triệu m2 sàn cũng gặp nhiều khó khăn trong triển khai. Hai năm đầu nhiệm kỳ, thành phố đã xây dựng 13,5 triệu m2 sàn. Ba năm còn lại, mỗi năm thành phố phải phát triển 12,2 triệu m2 sàn nhà ở. Tuy nhiên, quý I/2023, thành phố chỉ phát triển 1 triệu m2 sàn nhà ở.

TP HCM cũng đề ra mục tiêu đến năm 2025 có 35.000 căn nhà ở xã hội và lưu trú công nhân. Tuy nhiên, đến nay, chỉ có một dự án hoàn thành với 280 căn. Hiện có 9 dự án nhà ở xã hội đã được động thổ, khởi công nhưng sau đó "đứng hình" do vướng Luật Nhà ở, Luật Đất đai, tài sản công.

Ngoài ra, TP HCM đã chấp thuận 5 dự án nhà ở được phép huy động vốn, dự kiến đưa ra thị trường hơn 7.500 căn. Các DN cần 105.000 tỉ đồng nhưng gặp vướng mắc về các chính sách tài chính, ngân hàng.

Lý giải nguyên nhân ở lĩnh vực đầu tư tư nhân, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM (HUBA), cho hay cộng đồng DN thành phố hiện chia làm 2 nhóm với 2 tâm trạng khác nhau.

Nhóm thứ nhất là những DN đang cố gắng cầm cự để bảo đảm hoạt động, trong bối cảnh hàng hóa tồn kho tăng, thanh khoản giảm. Lượng vốn của nhóm này đang nằm trong hàng hóa, vật tư nguyên liệu hoặc hàng thành phẩm chưa tiêu thụ được. Thậm chí, nhiều DN xuất khẩu ra nước ngoài bị kéo giãn thời gian thanh toán, có trường hợp bị chuyển từ mua đứt bán đoạn sang ký gửi.

Nhóm thứ hai là các DN đang ấp ủ nhiều ý tưởng để đầu tư và phát triển dài hạn. Tuy nhiên, với lãi suất trên 10%/năm như hiện nay thì không đơn vị nào dám vay. "Mặt khác, chúng tôi cũng đang gặp khó khi thuê đất trong khu công nghiệp trả một lần nhưng vì chủ đất trả hằng năm nên không thể thế chấp" - ông Hòa dẫn chứng.

Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu:

Tập trung phục hồi sản xuất, bất động sản

Là đầu tàu kinh tế của cả nước nhưng con số tăng trưởng GRDP trong quý I/2023 của TP HCM cho thấy những dấu hiệu đáng lo ngại. Trong đó có nguyên nhân do những dư âm còn sót lại của dịch COVID-19 và ảnh hưởng từ những vấn đề kinh tế năm 2022.

Mức tăng trưởng 0,7% GRDP của TP HCM trong quý đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái là mức tăng trưởng thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc trung ương. Đây là mức tăng trưởng rất thấp và gần như không đáng kể. Cùng kỳ năm 2022 đã tăng trưởng thấp do ảnh hưởng của đại dịch mà năm nay tăng trưởng chưa đến 1%, nghĩa là TP HCM đang trong tình trạng trì trệ.

Trước đó, khi đại dịch ập đến, TP HCM là nơi chịu tác động nặng nề nhất và đến giờ, dư âm của đại dịch đâu đó vẫn còn ảnh hưởng. Hai nguyên nhân chính dẫn đến sự trì trệ của thành phố là sự chững lại của thị trường bất động sản và sự đóng băng của thị trường tài chính. Thậm chí, vụ đại án liên quan đến Vạn Thịnh Phát cũng phần nào ảnh hưởng đến kinh tế thành phố.

Ngoài ra, hơn 65% GRDP của TP HCM được đóng góp lớn bởi khu vực dịch vụ. Nhưng có đến 4/9 ngành dịch vụ trọng yếu có mức tăng trưởng âm trong quý đầu năm, trong đó nặng nề nhất là lĩnh vực kinh doanh bất động sản giảm đến 16,2%. Điều này khiến giá trị gia tăng dịch vụ trong quý I chỉ đạt 2,07%, bị bỏ xa bởi 4 thành phố trực thuộc trung ương còn lại.

Trong bối cảnh này, TP HCM nên tìm đến động lực tăng trưởng từ khối sản xuất, với cốt lõi là các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn. Cùng với đó là nỗ lực phục hồi thị trường bất động sản và tài chính, đặc biệt là hoạt động của các ngân hàng thương mại, xử lý vấn đề liên quan đến trái phiếu DN. Muốn phục hồi những thị trường này, cần sự chỉ đạo, hỗ trợ bằng cơ chế, chính sách của trung ương. Khi Chính phủ có chính sách hiệu quả, TP HM sẽ là nơi hưởng lợi đầu tiên.

TS Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng:
Cần động lực tăng trưởng mới

Kinh tế TP HCM tăng trưởng chậm đã được dự báo trước nhưng mức tăng dưới 1% là thấp ngoài dự đoán. Tình hình thực tế của kinh tế thành phố đi xuống dễ dàng nhìn thấy, như cảng Cát Lái vốn chiếm 40% lượng hàng container cả nước, đóng vai trò quan trọng trong GDRP của TP HCM nhưng thời gian qua hoạt động xuất nhập khẩu giảm mạnh khiến công suất cảng chỉ còn dưới 50%.

Hay DN có đông công nhân nhất của thành phố là PouYuen đã chấm dứt hợp đồng với gần 2.500 lao động ;nhiều DN khác cũng phải giảm nhân sự do thiếu đơn hàng… Hàng loạt dự án bất động sản không triển khai được, thị trường giao dịch vắng lặng. Đặc biệt, TP HCM là thành phố về dịch vụ thương mại nhưng nguồn khách du lịch quốc tế chưa phục hồi, kéo theo nhiều ngành dịch vụ từ lưu trú, ăn uống, mua sắm vắng vẻ. Có thể thấy hàng loạt mặt bằng ở trung tâm vẫn treo bảng cho thuê, vắng khách thuê… phản ánh dịch vụ thương mại đã bị sụt giảm mạnh và có thể tình trạng này còn kéo dài trong quý II/2023.

Dù vậy, kinh tế TP HCM vẫn hy vọng có sự phục hồi trong 2 quý tiếp theo nhưng về dài hạn, cần đẩy mạnh việc tạo ra những động lực mới thay thế cho động lực tăng trưởng cũ đã mất lợi thế. Chẳng hạn, các nhà máy sản xuất đã có xu hướng chuyển dịch về các tỉnh, thành lân cận do TP HCM không còn thuận lợi về đất đai, chi phí lao động; cảng Cát Lái ngày càng bị cạnh tranh bởi cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) nên có thể công suất cũng khó tăng cao trở lại. Trong bối cảnh đó, TP HCM đã xác định trở thành trung tâm thương mại, tài chính… thì cần tập trung thực hiện, nỗ lực tăng tốc hơn nữa việc xây dựng phát triển mục tiêu này.

Thái Phương ghi

Nhiều lĩnh vực tăng trưởng âm

Trong quý I/ 2023, khu vực công nghiệp và xây dựng của TP HCM giảm 3,6% (công nghiệp giảm 0,85%, xây dựng giảm 19,8%); khu vực thương mại dịch vụ tăng 2,07%; thuế sản phẩm tăng 1,14%. Đáng chú ý, 4/9 ngành dịch vụ trọng yếu có mức tăng trưởng âm, gồm: vận tải kho bãi giảm 0,63%, thông tin và truyền thông giảm 2%, kinh doanh bất động sản giảm tới 16,2%, y tế và hoạt động cứu trợ xã hội giảm 4,82%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3-2023 ước đạt 85.714 tỉ đồng, giảm 2,3% so với tháng trước. Như vậy, đã có 3 tháng liên tiếp chỉ tiêu này giảm so với tháng trước, chủ yếu do tác động của dịch vụ khác giảm (bất động sản, vui chơi giải trí).

Tổng kim ngạch xuất khẩu của DN TP HCM qua cửa khẩu cả nước ước đạt 10,1 tỉ USD, giảm 16,8% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 3,5%). Tổng kim ngạch nhập khẩu của DN thành phố qua cửa khẩu cả nước ước đạt 12,5 tỉ USD, giảm 25% (cùng kỳ tăng 18,4%).

Cũng trong quý I, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) trên địa bàn TP HCM giảm 0,9% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 1,0%). Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 1,1%; sản xuất và phân phối điện tăng 1,4%; cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 5,3%.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả