Tăng thị phần bảo hiểm gốc, cơ hội chia đều
Như Báo Đầu tư Chứng khoán đã đưa tin trong số trước, thị phần mảng bảo hiểm phi nhân thọ 2020 đã thay đổi bất ngờ với sự vươn lên của nhóm dưới. Theo ông Đoàn Kiên, Phó tổng giám đốc Tổng CTCP Bảo hiểm Bưu điện (PTI), công nghệ chính là yếu tố tạo nên sự khác biệt.
Theo thống kê của các doanh nghiệp bảo hiểm, tổng thị phần doanh thu phí bảo hiểm gốc của Top 5 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ dẫn đầu tiếp tục duy trì đà giảm, từ mức 70% năm 2012 xuống mức 54,8% tính đến hết năm 2020. Ông nhìn nhận thế nào về sự sụt giảm này?
Tôi cho rằng, việc thay đổi thị phần doanh thu phí bảo hiểm gốc hàng năm giữa các doanh nghiệp bảo hiểm là bình thường. Thị trường bảo hiểm luôn vận động không ngừng, cho nên mỗi doanh nghiệp sẽ có những định hướng phát triển khác nhau để thích ứng với những thay đổi mới. Có doanh nghiệp tập trung vào tăng trưởng doanh thu, có doanh nghiệp lại đầu tư vào công nghệ hoặc tập trung phát triển sản phẩm để tạo trải nghiệm mới cho khách hàng.
Liên quan tới sự sụt giảm thị phần của Top 5 doanh nghiệp bảo hiểm dẫn đầu về doanh thu phí bảo hiểm gốc những năm qua, theo tôi, sự vươn lên của các doanh nghiệp có thị phần còn nhỏ chỉ là một phần, nguyên nhân chính xuất phát từ việc những doanh nghiệp bảo hiểm dẫn đầu sau khi có được thị phần đủ lớn như kỳ vọng sẽ chuyển hướng tập trung vào phát triển những sản phẩm bảo hiểm đem lại hiệu quả, không chạy đua doanh thu bằng mọi giá như trước đây.
Bên cạnh đó, khi đã có một thị phần ổn định thì những doanh nghiệp này sẽ thường tập trung chiến lược nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng bằng việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng trải nghiệm cũng như sự hài lòng của khách hàng. Điều này có nghĩa là doanh nghiệp có xu hướng tăng trưởng chậm lại để đón đầu những cơ hội dài hơn trong tương lai.
Ngược lại, những doanh nghiệp bảo hiểm thị phần còn khiêm tốn sẽ có xu hướng đẩy mạnh tăng trưởng doanh thu để chiếm lĩnh thị phần, tạo tiền đề vững chắc cho những chiến lược phát triển sau này.
Cũng có ý kiến cho rằng, xu hướng thu hẹp thị phần của các doanh nghiệp đầu ngành sẽ chưa dừng lại khi các doanh nghiệp nhỏ vẫn cho thấy sự linh hoạt trong việc nắm bắt cơ hội vươn lên. Ông đánh thế nào về điều này?
Tôi nghĩ sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ ngày càng gay gắt, không phân biệt doanh nghiệp lớn hay nhỏ. Công nghệ 4.0 đang làm thay đổi cách mua bán các sản phẩm bảo hiểm truyền thống, do đó, các doanh nghiệp sẽ phải thay đổi liên tục để làm chủ công nghệ.
Trong ngắn hạn, các doanh nghiệp bảo hiểm quy mô nhỏ sẽ có nhiều thuận lợi hơn trong việc mở rộng thị phần nhờ dễ dàng áp dụng công nghệ mới hơn so với các doanh nghiệp lớn.
Tuy nhiên, xét trong dài hạn, khi doanh nghiệp bảo hiểm lớn triển khai thành công việc ứng dụng công nghệ thì hiệu quả đem lại sẽ sâu và rộng hơn nhờ sở hữu mạng lưới khách hàng rộng lớn.
Vì vậy, tôi cho rằng, cơ hội sẽ chia đều cho tất cả và doanh nghiệp bảo hiểm nào nắm bắt được xu hướng, tận dụng cơ hội thị trường mang lại thì sẽ thành công.
Được biết, tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc của thị trường phi nhân thọ năm 2020 chỉ tăng hơn 3% so với năm 2019. Con số này có gây bất ngờ và năm 2021, thị trường có kịp phục hồi để quay trở lại đà tăng trưởng 2 con số như trước đây, theo ông?
Tôi không quá bất ngờ về con số tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm gốc trong năm qua. Thực tế, sau thành công của năm 2019, cả cơ quan quản lý cũng như các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đều đặt mục tiêu tăng trưởng cao ở mức 2 con số trong năm 2020.
Việt Nam vẫn đang kiểm soát tốt dịch bệnh nên thị trường bảo hiểm năm 2021 kỳ vọng sẽ tích cực hơn năm 2020. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng sẽ không cao như giai đoạn trước, mà ở quanh mức 8-10%.
Tuy nhiên, việc đại dịch Covid-19 bất ngờ xuất hiện và lây lan rộng khiến đà tăng trưởng kinh doanh chậm lại, đồng thời các doanh nghiệp cũng chưa đánh giá toàn diện được tác động nghiêm trọng của dịch bệnh này đối với nền kinh tế nói chung, ngành bảo hiểm nói riêng, kết quả là không thể thúc đẩy thị trường tăng trưởng nhanh trong những tháng cuối năm, cho dù đã thực hiện các biện pháp điều chỉnh định hướng kinh doanh cho phù hợp hơn với thực tiễn.
Theo thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, kết thúc năm 2020, tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc của thị trường phi nhân thọ đạt 54.798 tỷ đồng, tăng trưởng 3,2% - thấp hơn đáng kể so với mức tăng trưởng của năm 2019 là 12,3%. Trong đó, không chỉ Top 5 doanh nghiệp thị phần lớn nhất có doanh thu giảm sút so với năm 2019, mà ở nhóm dưới cũng có 9/30 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ và chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài tăng trưởng âm so với năm 2019.
Trong bối cảnh đại dịch còn diễn biến phức tạp như hiện nay, tôi cho rằng, thị trường bảo hiểm nói chung và phi nhân thọ nói riêng sẽ còn nhiều khó khăn trong năm nay. Dù vậy, điểm tích cực là chúng ta đã nhìn rõ và đầy đủ hơn về những tác động của dịch bệnh nên chắc chắn sẽ có những giải pháp điều chỉnh phù hợp. Hơn nữa, Việt Nam vẫn đang kiểm soát tốt dịch bệnh nên tôi tin tưởng thị trường năm 2021 sẽ tích cực hơn năm 2020. Tất nhiên, tốc độ tăng trưởng sẽ không cao như giai đoạn trước, mà ở quanh mức 8-10%.
Nói về mục tiêu thị phần của PTI, ông có thể chia sẻ điều gì?
Trong 3 năm tới, PTI sẽ không đặt nặng việc tăng trưởng thị phần. Thay vào đó, chúng tôi tập trung vào việc đem đển trải nghiệm khách hàng trong kỷ nguyên số. Hiện nay, PTI là một trong những doanh nghiệp tiên phong ứng dụng công nghệ số trong quản lý, điều hành và chăm sóc khách hàng.
Thực tế, đầu tư vào công nghệ là một chiến lược dài hơn, cần sự nỗ lực, kiên trì trong dài hạn và khi thành công thì chắc chắn kết quả sẽ rất tích cực. Định hướng đến năm 2025, PTI sẽ đạt mức doanh thu hơn 10.000 tỷ đồng, qua đó tiếp tục giữ vững vị trí thứ 3 về thị phần doanh thu phí bảo hiểm gốc toàn thị trường phi nhân thọ. Trong đó, hai nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm con người sẽ vẫn là những sản phẩm trọng yếu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận