Tăng nhập khẩu nguyên liệu sản xuất phục vụ xuất khẩu
Theo Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 7 (từ 1-15/7), kim ngạch nhập khẩu hàng hóa cả nước đã đạt 14,6 tỷ USD, tăng gần 700 triệu USD so với nửa cuối tháng 6/2021.
Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất trong 15 ngày đầu tháng này với kim ngạch gần 3 tỷ USD. Tiếp đến là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng gần 2,1 tỷ USD. Đây đều là những nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của cả nước.
Ở chiều xuất khẩu, kim ngạch đạt 12,78 tỷ USD, giảm hơn 2 tỷ USD so với nửa cuối tháng 6/2021. 4 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch hơn 1 tỷ USD trong nửa đầu tháng 7 gồm: điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc thiết bị; dệt may.
Đáng chú ý, giày dép là một trong những điểm sáng của xuất khẩu hàng hóa khi nửa đầu tháng 7 đã đạt 877 triệu USD, qua đó nâng tổng kim ngạch tính từ đầu năm đến 15/7 đạt 11,27 tỷ USD.
So với cùng kỳ 2020, kim ngạch xuất khẩu giày dép tăng mạnh 28,36% tương đương khoảng 2,5 tỷ USD. Đây là một trong những nhóm hàng chủ lực có mức tăng trưởng mạnh nhất.
Như vậy, trong nửa đầu tháng 7 nước ta nhập siêu gần 2 tỷ USD.
Lũy kế từ đầu năm đến 15/7, quy mô kim ngạch xuất khẩu nhập khẩu cả nước đạt hơn 345 tỷ USD, trong đó xuất khẩu 171,22 tỷ USD và nhập khẩu 174,23 tỷ USD. Con số nhập siêu của nước ta trong nửa đầu tháng 7 đạt hơn 3 tỷ USD.
Nhìn chung, mặc dù xu hướng nhập siêu đã quay trở lại, song mức độ nhập siêu của Việt Nam vẫn là con số khá nhỏ. Từ trước đến nay, Việt Nam là quốc gia đang phát triển công nghiệp hoá, hiện đại hoá nên nhu cầu nhập khẩu rất lớn. Nền kinh tế Việt Nam chủ yếu vẫn là gia công, lắp ráp nên phải nhập khẩu nhiều linh phụ kiện, nguyên phụ liệu. Bởi vậy, nhập khẩu vượt xuất khẩu một chút không phải vấn đề lớn. Đáng chú ý, khi nhìn vào cơ cấu sản phẩm, dễ thấy, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu tư liệu sản xuất.
Trong trường hợp các yếu tố tác động ở mức như hiện tại hoặc thuận lợi hơn, tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm nay được Bộ Công Thương dự báo có thể đạt khoảng 308 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2020. Về nhập khẩu, căn cứ tiến độ trong những tháng đầu năm, khả năng kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 306 tỷ USD, tăng 16,5% so với năm 2020. Cán cân thương mại xuất siêu ở mức khoảng 2 tỷ USD.
Liên quan tới thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ngày càng bền vững, theo Bộ Công Thương điều quan trọng nhất là xuất khẩu phải gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì ổn định cán cân thương mại. Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành để quy hoạch sản xuất, xuất khẩu theo hướng giảm bớt các mặt hàng có giá trị gia tăng thấp và tập trung các mặt hàng có giá trị gia tăng cao; rà soát các văn bản pháp lý, tháo gỡ khó khăn và tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động thương mại...
Việt Nam cũng cần làm tốt việc điều hành nhập khẩu thông qua các vấn đề như quy tắc xuất xứ, chống các biện pháp lẩn tránh, phát triển công nghiệp hỗ trợ thay thế hàng nhập khẩu. Trên các nền tảng định hướng như vậy, Bộ Công Thương đang xây dựng Chiến lược Xuất nhạp khẩu hàng hóa giai đoạn 2021-2030, sẽ trình Chính phủ xem xét và ban hành trong thời gian tới. Các quan điểm, định hướng về xuất khẩu bền vững sẽ được thể hiện rõ nét trong văn bản này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận