Tán gia bại sản vì tin vào mô hình đầu tư đa cấp gắn mác 4.0 giống MyAladdinz
Các mô hình đầu tư đa cấp gắn mác 4.0 siêu lợi nhuận kiểu như MyAladdinz đang thu hút nhiều người có máu làm giàu, song cũng không ít gia đình tán gia bại sản.
Tán gia bại sản
Trong căn nhà cũ kỹ, loang lổ rêu phong vỏn vẹn 25m2 ở toà chung cư đã hết niên hạn sử dụng tại Quận 5 (TP.HCM), bà N.T.H.A. (59 tuổi) ngồi trên chiếc ghế mây, thả người bập bênh theo nhịp lắc của ghế.
Chúng tôi tình cờ biết bà A. trong một lần đi làm đề tài về chung cư cũ vào tháng 6/2020. Hình ảnh người phụ nữ ở tuổi xế chiều, dù vóc dáng còn khoẻ song khuôn mặt đầy muộn phiền thu hút sự chú ý của chúng tôi.
Biết người đối diện là phóng viên, bà A. không ngần ngại tâm sự. Tuy nhiên, trước khi cuộc trò chuyện bắt đầu, bà A. đề nghị: "Con đừng để tên tuổi, hình ảnh và địa chỉ của cô nghen, mất công người ta lại chửi già rồi mà ngu".
Bà A. là một nạn nhân của mô hình đầu tư công nghệ 4.0. Với máu làm giàu nhanh, bà A. nhanh chóng bị đưa vào mê cung của mô hình đa cấp. Sau hai tháng đầu tư, bà A. phải cầm cố căn chung cư thương mại tại Quận 2 (TP.HCM) để tới đây, "ở đậu" trong căn nhà cũ kỹ của bạn vì mô hình bị sập.
Bà A. có một đời chồng, nhưng khi hai người chưa kịp có con chung thì xảy ra mâu thuẫn. Sau khi ly hôn, bà A. sống một mình tới tận bây giờ.
Đầu năm 2020, được một người bạn trong lớp học khiêu vũ "dẫn đường", bà A. đặt chân vào mô hình đầu tư của Công ty Cổ phần Công nghệ Internet BBI Việt Nam (BBI Việt Nam) với ứng dụng BBI Mall (app BBI). App BBI Mall có cơ chế tích điểm tối đa lên tới 100% giá trị sản phẩm và có thể tạo các giao dịch ảo, tự mua tự bán, tự trả chiết khấu.
Theo lời dẫn dụ, nếu mua sản phẩm trên app BBI Mall, bà A. chỉ cần chuyển 10% giá trị sản phẩm vào tài khoản của BBI Việt Nam. Đổi lại, bà A. sẽ được tích tương ứng số điểm. Đặc biệt, nếu rủ được nhiều thành viên sử dụng ứng dụng, mức thưởng lợi nhuận càng cao từ 2,5% đến 5% tổng tích điểm.
"Họ nói liều ăn nhiều, cổ vũ cô liều thử"
Là người có máu làm giàu, tuy nhiên bà A. vẫn đủ tỉnh táo để cân nhắc có nên tham gia mô hình này hay không. Nhằm thời điểm bà A. đang phân vân, các nhân viên của BBI liên tục cổ vũ "liều ăn nhiều cô ơi!".
Và rồi, trước lợi nhuận khủng, bà A. không ngần ngại bỏ ra 3,5 triệu đồng để mua một tài khoản bán hàng và một tài khoản mua hàng của BBI Việt Nam. Sau khi có tài khoản, bà A. được hướng dẫn tham gia tạo một giao dịch ảo trị giá 3,2 tỷ đồng.
Tuy nhiên, để có thể nhận lãi mỗi ngày, bà A. phải chuyển 320 triệu đồng (tương đương 10% giá trị đơn hàng) sang tài khoản của BBI Việt Nam. Sau khi chuyển, bà A. được BBI Việt Nam trả số điểm tương đương với khoản hoa hồng nộp vào là 320 triệu điểm.
Số điểm này sẽ được chuyển đổi thành tiền mặt theo tỉ lệ 0,05% mỗi ngày và trả liên tục về chủ tài khoản cho đến khi hết số điểm tích lũy. Với 320 triệu đồng bỏ ra, bà A. nhận được gần 2 triệu đồng/ngày.
Với mối làm ăn "hời", lãi suất lên đến gần 200%/năm, bà A. huy động hết tài chính của bản thân để đầu tư.
Sau khi dùng sổ hồng của căn chung cư đang ở (thời điểm đó là căn hộ thương mại tại Quận 2) để cầm cố ở ngân hàng, bà A. dùng hết 1 tỷ đồng cầm cố được để "đổ" vào app BBI Mall. Tuy nhiên, đến tháng 4/2020 app BBI Mall bất ngờ khóa chức năng chuyển đổi, không thể rút ra tiền mặt.
"Tôi đến công ty đòi tiền gốc thì lãnh đạo công ty nói do dịch COVID-19 nên dòng tiền ngừng chảy, phải ngừng chi trả và nói tôi đầu tư thêm để dòng tiền chảy lại. Sau mấy ngày tôi không đồng ý, đến công ty để phản đối tiếp tục thì lúc này các lãnh đạo công ty đều "bốc hơi".
Do "đổ" hết tiền và BBI Mall, đến hạn trả lãi ngân hàng không có tiền trả, bà A. buộc phải đi vay nóng. Cuối cùng, bà A. ngậm ngùi cho thuê căn hộ tại Quận 2, lấy tiền cho thuê để trả lãi hàng tháng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận