menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Phú Đô

Tận dụng thời điểm vàng để tăng tốc

Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh nghiệp, đời sống của nhân dân, chuỗi cung ứng sản xuất và phân phối hàng hóa Việt Nam. Song, đây cũng là khoảng thời gian đặc biệt khi chúng ta chứng kiến sức sống mãnh liệt của hàng Việt Nam.

Khi thế giới phải phong tỏa vì dịch bệnh, nguồn cung và nhu cầu bị gián đoạn, nhiều chỉ số kinh tế sụt giảm so với cùng kỳ thì thị trường trong nước nổi lên như một bức tường thành vững chắc, bảo vệ nền kinh tế khỏi những biến động từ bên ngoài. Một minh chứng thuyết phục cho thành công này là nguồn cung hàng hóa thiết yếu không bị gián đoạn và kiểm soát được giá cả trên thị trường, ngay cả ở Bắc Ninh, Bắc Giang, TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16 và 16+, theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải.

Ông Phạm Công Toản, Phó Giám đốc Sở Công thương Bắc Giang chia sẻ, đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát đã khiến địa phương này trở thành một trong những tâm dịch lớn nhất cả nước. Trong bối cảnh hết sức khó khăn, cân nhắc toàn diện các yếu tố, tỉnh Bắc Giang đã quyết định tạm dừng hoạt động của 4 khu công nghiệp để phòng, chống dịch. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, nhiều doanh nghiệp lâm vào tình cảnh khó khăn, gián đoạn sản xuất và đứt gãy chuỗi cung ứng.

Tuy nhiên, với nhiều giải pháp thích ứng linh hoạt, quyết liệt và đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, Bắc Giang đã tận dụng tốt cơ hội và quay trở lại chu kỳ tăng trưởng từ đầu tháng 8, cam-bưởi, thịt lợn - thịt gà... được tiêu thụ tốt, GRDP quý III tăng 10,43%.

Hay dệt may - một trong những ngành có lực lượng lao động phổ thông rất lớn, cũng chịu tác động tiêu cực và kéo dài của đại dịch, đặc biệt khi dịch bùng phát ở khu vực phía bắc và TP. HCM, lan rộng ra các tỉnh khu vực phía Nam khiến sản xuất của các doanh nghiệp dệt may gần như đóng băng. Toàn ngành dệt may lao đao: nhiều doanh nghiệp buộc phải tạm dừng sản xuất, không nhập khẩu được nguyên liệu làm chuỗi cung ứng bị đứt gãy, ảnh hưởng đến tốc độ giao hàng cho đối tác... Tình hình này chỉ chấm dứt khi Nghị quyết 128/NQ-CP được ban hành quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, sản xuất của doanh nghiệp mới bắt đầu hồi phục, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết.

Vượt lên khó khăn duy trì đà tăng trưởng tốt trong năm 2021, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam ước đạt 39 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2020 và tăng 0,3% so với năm 2019. Đây có thể xem là một nỗ lực tuyệt vời của ngành dệt may Việt Nam trong bối cảnh tốc độ phục hồi của kinh tế thế giới có xu hướng chậm lại. Dự báo tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến rất phức tạp, khó lường. Song với sự triển khai thực hiện quyết liệt, thống nhất Nghị quyết 128/NQ-CP từ Trung ương đến địa phương, VITAS xây dựng mục tiêu cho năm 2022 theo 3 kịch bản: Kịch bản tích cực nhất phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 42,5 – 43,5 tỷ USD, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát cơ bản vào quý I/2022; Kịch bản trung bình đạt 40 – 41 tỷ USD, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát giữa năm; Kịch bản thấp nhất đạt 38 – 39 tỷ USD, trường hợp dịch bệnh kéo dài đến cuối năm 2022.

Hiện VITAS đã và đang thực hiện tốt vai trò kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau và với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hình thành chuỗi cung ứng; mở rộng thị trường xuất khẩu; tham gia và hoạt động tích cực tại nhiều tổ chức quốc tế lớn chuyên ngành dệt may như ITMF, AFTEX, AFF… kết nối các doanh nghiệp với nhiều tổ chức và hiệp hội dệt may quốc tế, tranh thủ chuyên gia, kinh nghiệm để mở các lớp đào tạo về kỹ thuật, thiết kế, bán hàng, xây dựng thương hiệu… Đặc biệt, VITAS đã làm tốt vai trò cầu nối giữa các doanh nghiệp dệt may với Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước để phản ánh những vướng mắc về cơ chế chính sách, thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành, thuế, hải quan, lao động tiền lương, bảo hiểm… Có thể thấy thời điểm này, xuất khẩu nhiều ngành đã tăng trở lại, trong đó có nhiều lĩnh vực tăng trưởng mạnh như: dệt may, da giày, thủy sản, gỗ… do mùa mua sắm cuối năm, các doanh nghiệp dần được tiếp cận trở lại với nhiều đơn hàng quốc tế lớn. Theo giới chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp phải biết tận dụng thời cơ vàng để tăng tốc xuất khẩu. Tuy nhiên, vẫn có những rào cản lớn như giá cước tàu biển tăng phi mã, thiếu tàu vận chuyển, thiếu kho bãi lưu hàng… đã khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu điêu đứng. Thậm chí, giá cước tàu biển tăng, hiện tại đã tăng gấp 10 lần so với đầu năm, vượt quá sức chịu đựng của doanh nghiệp…

Để duy trì chuỗi sản xuất hàng hóa bền vững, thích ứng linh hoạt trong tình hình mới theo tinh thần của Nghị quyết số 128, cũng như hoàn thành mục tiêu xuất khẩu của năm 2021, ông Ngô Khải Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) đề nghị ngay lúc này, các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất trong tình huống dịch có thể kéo dài, đồng thời thực hiện các kịch bản phục hồi kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ cũng như điều kiện mỗi địa phương. Cùng với đó, các cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương cũng cần thống nhất khi triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, tránh tình trạng mỗi địa phương làm một kiểu, nhằm đảm bảo đủ nguyên liệu cho sản xuất.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại