Tầm nhìn mới, giá trị mới
Quy hoạch tổng thể quốc gia liệu có tạo được lực đẩy cùng hướng, tránh sự cục bộ địa phương; manh mún, nhỏ lẻ? Là người chủ trì hình thành bản quy hoạch quốc gia đầu tiên, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng có cuộc trao đổi với Tiền Phong về việc này.
Chỉ có 1 hướng: Lợi ích quốc gia trên hết
Thưa ông, tại sao lại cần lập quy hoạch tổng thể quốc gia và phạm vi của quy hoạch này tập trung vào những vấn đề gì?
Sau hơn 35 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Thế và lực của nước ta đã lớn mạnh lên một tầm cao mới; quy mô, tiềm lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế được cải thiện; cơ bản đã khai thác được tiềm năng, lợi thế của đất nước, từng vùng, từng địa phương.
Tuy nhiên, về tổ chức không gian phát triển còn một số hạn chế, bị chia cắt theo địa giới hành chính, chưa tập trung nguồn lực hình thành rõ nét các vùng động lực và bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia. Đặc biệt, tính liên kết vùng và nội vùng còn lỏng lẻo dẫn tới 63 địa phương được ví như “63 nền kinh tế”, rời rạc theo mức độ phân cấp, phân quyền, phân ngân sách địa phương. Vẫn còn tư duy cát cứ cục bộ, không nhìn đến lợi ích tập thể, mạnh ai nấy đi, manh mún, chia cắt theo địa giới hành chính; từ đó không tạo nên được xung lực, động lực, phát huy được hết sức mạnh.
Hiện nay, ở một số địa phương có bàn tay của doanh nghiệp dưới danh nghĩa tài trợ quy hoạch làm đô thị theo hướng lợi cho chính dự án của họ. Khi làm quy hoạch quốc gia, những người chủ trì chắc nắm rõ thông tin này, thưa ông?
Cái này trước đây có nhưng giờ cấm rồi. Khuyến khích các doanh nghiệp hỗ trợ, đóng góp ngân sách để thực hiện công việc chung, chứ không phục vụ dự án của họ, không phải chi phối cả quy hoạch. Không cấm doanh nghiệp hỗ trợ lập quy hoạch, nhưng phải làm đúng.
Do vậy, việc lập Quy hoạch tổng thể quốc gia là rất cần thiết nhằm xác định rõ chiến lược phát triển, lợi ích quốc gia và mô hình phát triển theo không gian lãnh thổ mang tính kết nối, đồng bộ, thống nhất, tạo không gian phát triển mới và động lực tăng trưởng mới, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững và đạt được các mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (như Nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra).
“Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, mỗi quốc gia muốn phát triển nhanh, bền vững phải chọn con đường đi đúng, xác định được cách thức,nguồn lực, động lực và thời gian để đến đích. Chính vì vậy, công tác quy hoạch được xem như người công binh mở đường. Một bản quy hoạch tốt sẽ giúp có được con đường đi tốt nhất, hiệu quả nhất và nhanh nhất để đạt được các mục tiêu phát triển đất nước đề ra tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cả nước giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 được thông qua tại Đại hội XIII của Đảng”
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng
Theo quy định của Luật Quy hoạch, phạm vi của Quy hoạch tổng thể quốc gia xác định việc phân bố và tổ chức không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường có tầm quan trọng cấp quốc gia, quốc tế và có tính liên vùng mang tính chiến lược trên lãnh thổ bao gồm đất liền, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời.
Cụ thể hơn, quy hoạch tổng thể quốc gia giúp giải quyết vấn đề “63 nền kinh tế” như thế nào, thưa bộ trưởng?
Thứ nhất, việc xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia dựa trên việc rà soát các quy hoạch ngành, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh đã có, kế thừa những nội dung còn phù hợp, loại bỏ những nội dung chưa thực hiện nhưng mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy hoạch này. Qua đó, đã xử lý các mâu thuẫn xung đột lợi ích giữa trung ương với địa phương, giữa trung ương với ngành, giữa ngành với ngành, giữa ngành với địa phương và giữa địa phương với địa phương (các mâu thuẫn này hiện đang tồn tại khá phổ biến).
Bên cạnh các lĩnh vực kinh tế, quy hoạch xác định các định hướng lớn, thứ tự ưu tiên phát triển, lộ trình phát triển các ngành hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, tổ chức không gian theo vùng, lãnh thổ, phát triển hệ thống đô thị, nông thôn và nhiều vấn đề quan trọng khác.
Thứ hai, Quy hoạch tổng thể quốc gia là cầu nối giữa chiến lược với kế hoạch và là định hướng để các quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh cùng cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội thông qua việc phân bổ không gian một cách hiệu quả cho phát triển đất nước; tạo thuận lợi trong chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp, các ngành.
Thứ ba, sau khi đã được phê duyệt, bản quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở định hướng, dẫn dắt và quản lý các quy hoạch cấp dưới, tạo nên một hệ thống quy hoạch quốc gia thống nhất, đồng bộ trên cả nước.
Bộ trưởng Dũng kỳ vọng bản Quy hoạch quốc gia tổng thể sẽ tạo xung lực phát triển
Vậy các điểm mới chủ yếu của dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia lần này là gì?
Cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, dự thảo quy hoạch lần này xác định các quan điểm mới - tầm nhìn mới, và từ đó tạo ra các cơ hội mới và giá trị mới.
Về quan điểm mới, dự thảo quy hoạch xác định 5 quan điểm mới về tổ chức không gian phát triển của đất nước, trong đó nhấn mạnh các quan điểm quan trọng như: (1) Không gian phát triển quốc gia phải được tổ chức thống nhất, tăng cường liên kết vùng, vì lợi ích tổng thể quốc gia; (2) Phát triển có trọng tâm, trọng điểm, hình thành vùng động lực, hành lang kinh tế, cực tăng trưởng thúc đẩy kinh tế cả nước phát triển nhanh, hiệu quả.
Ở Hòa Bình có 1 xã nghèo nhưng quy hoạch 5 sân golf, núi đồi nham nhở
Quan điểm mới dẫn đến tầm nhìn mới về phát triển và tổ chức không gian phát triển quốc gia đến năm 2030 và năm 2050, cụ thể một số điểm mới đáng chú ý như sau:
- Phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng quốc gia quan trọng để hình thành các đầu tàu lôi kéo sự phát triển của quốc gia. Lựa chọn một số địa điểm, đô thị, vùng có lợi thế đặc biệt để xây dựng trung tâm kinh tế, tài chính, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt với thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, có tính đột phá, có khả năng cạnh tranh quốc tế cao. Về không gian phát triển, quy hoạch này tập trung vào các vùng kinh tế trọng điểm. Trong vùng kinh tế trọng điểm, hình thành các vùng kinh tế động lực; trong mỗi vùng kinh tế động lực, hình thành các cực tăng trưởng. Ví dụ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm 8 tỉnh, trong đó có 6 tỉnh của Đông Nam Bộ và 2 tỉnh Tiền Giang, Long An. Nhưng khi nói đến vùng động lực thì chỉ còn 6 tỉnh của Đông Nam Bộ. Trong vùng động lực phía Nam đó, TPHCM là cực tăng trưởng. Ở phía Bắc cũng thế, vùng kinh tế trọng điểm gồm Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh. Trong đó, Hà Nội là cực tăng trưởng.
Đã có giai đoạn, nhiều tỉnh đua nhau làm cảng biển bất chấp có lợi thế hay không ảnh: Như Ý
- Hình thành và phát triển các hành lang kinh tế theo trục Bắc - Nam và Đông - Tây kết nối các cảng biển, cửa khẩu quốc tế, đầu mối giao thương lớn, các đô thị, trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng. Phát triển các vành đai công nghiệp - đô thị - dịch vụ tại các vùng động lực, vùng đô thị lớn.
Bên cạnh việc nhấn mạnh hành lang kinh tế dọc theo hành lang giao thông Bắc-Nam, quy hoạch mở rộng không gian phát triển công nghiệp sang hướng Tây (Phía Tây của cao tốc Bắc Nam), chứ không chỉ bám biển như hiện nay, để giảm áp lực sử dụng đất lúa và đất đồng bằng, tận dụng tài nguyên đất đang có nhiều dư địa ở đó.
- Quy hoạch quốc gia hình thành vành đai về công nghiệp, đô thị, dịch vụ, xung quanh các đường vành đai của trung tâm. Ví dụ, Hà Nội đang mở vành đai 4, TPHCM có vành đai 3… Định hướng thế này để khi chúng ta làm cao tốc, vành đai lớn làm đến đâu thì các nền kinh tế, công nghiệp, đô thị, dịch vụ hình thành đến đó, tạo sự động lực phát triển mới, cách tiếp cận mới.
Có 2 cách tiếp cận: Dựa trên các công trình, dự án sẵn có để tạo nên hạ tầng giao thông; hoặc phải tính đến các vành đai, hạ tầng giao thông mới hoặc hành lang mới.
Như vậy, quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ tạo ra các không gian phát triển mới, từ đó tạo ra cơ hội phát triển, giá trị mới và động lực tăng trưởng mới cho quốc gia, địa phương và các nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân.
Với các ngành nghề, lĩnh vực, quy hoạch quốc gia sẽ giải bài toán sắp xếp lĩnh vực nào, ở đâu, khu vực nào tập trung làm gì. Chẳng hạn, nông nghiệp phát triển ra sao, ở đâu; du lịch tùy từng vùng tập trung phát triển theo hướng nghỉ dưỡng, sinh thái… hình thành một số ngành kinh tế lớn mũi nhọn, nền tảng.
Không cát cứ
Đúng là nếu làm được như bản quy hoạch quốc gia rất hiệu quả, nhưng xưa nay các nhóm lợi ích vẫn có thể khiến “đập đi xây lại”; chưa kể tư duy địa phương có nơi còn lộ cộ, trì trệ khiến khâu thực hiện méo mó. Vậy có cách nào ngăn chặn việc này không, thưa bộ trưởng?
Việc đầu tiên là phải lập được quy hoạch đã. Sau đó là giữ được quy hoạch, và cuối cùng là tổ chức thực hiện quy hoạch. Tất cả các khâu đều liên quan đến tư duy và tầm nhìn của các cấp. Yêu cầu đầu tiên là phải vì cái chung, nhìn về cùng 1 hướng, vì đại cục của 1 vùng, của đất nước, không cát cứ, đặt vào từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương. Thứ 2, phải tập trung, xây dựng cơ chế chính sách xây dựng nguồn lực thực hiện. Ví dụ, phải hình thành được các công trình giao thông, hạ tầng trọng điểm để làm cái nền tảng cho các động lực kinh tế mới. Phải có tổng chỉ huy thống nhất, từ ban chỉ đạo quốc gia, các bộ, ngành, các địa phương và phải có cơ chế điều phối, quyền hạn rõ ràng. Đây là vấn đề lớn.
Quy hoạch tổng thể quốc gia không được quá chi tiết, nếu không sẽ gây “bó chân, bó tay” không thực hiện được hoặc khiến trùng với các quy hoạch ngành. Tuy nhiên, nếu quy hoạch chung quá lại trở thành chiến lược, trở thành nghị quyết. Do đó, cái khó nhất của quy hoạch chính là phạm vi đến đâu.
Sẽ có lúc có thể quy trách nhiệm tới người đứng đầu địa phương vì lợi ích riêng mà “phá” quy hoạch hoặc không thực hiện quy hoạch?
Có thứ bậc ở trong luật. Đây là lần đầu tiên thực hiện quy hoạch thực trị quốc gia theo Luật Quy hoạch, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII và cụ thể hóa chiến lược phát triển 10 năm. Theo thứ bậc, quy hoạch tổng thể quốc gia là cao nhất, xong mới đến các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Tất cả theo thứ bậc đó. Quy hoạch tỉnh phải phù hợp trong quy hoạch vùng, quy hoạch vùng phải nằm trong quy hoạch tổng thể quốc gia. Hiện nay quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng chưa xong, nhưng quy hoạch một số tỉnh do yêu cầu phát triển đã phải lập rồi. 38 ngành quốc gia, mới được 5 cái quy hoạch ngành Thủ tướng phê duyệt. Hiện nay đang đẩy nhanh các quy hoạch ngành. Quy hoạch địa phương mới thẩm định được 10 cái.
Tất cả những chiến lược phát triển sau này đều phải dựa trên quy hoạch tổng thể quốc gia; lãnh đạo địa phương, trưởng ngành không thực hiện là vi phạm.
Cuối cùng do con người
Chưa có quy hoạch quốc gia, nhưng qua giai đoạn dịch bệnh vừa rồi đã lộ ra câu chuyện lỏng lẻo trong liên kết các ngành, địa phương khiến có lúc đứt cả chuỗi cung ứng hàng hóa, nông sản đó thôi, thưa ông?
Đây là lỗi điều hành. Có chỗ quá cứng nhắc, máy móc, có nơi không hiểu, hoặc quy định không rõ ràng, gây chồng chéo. Người hiểu đúng thì làm được, người không hiểu đúng làm sai; người cố tình; người cẩn thận quá, máy móc quá…và còn tuỳ năng lực cán bộ.
Quay trở lại câu chuyện có quy hoạch rồi nhưng thực hiện được hay không cũng là vấn đề. Cuối cùng vẫn phụ thuộc vào yếu tố con người. Như bộ trưởng đã thấy, ngân sách có tiền mà nhiều bộ ngành, địa phương không giải ngân nổi. Đã làm lãnh đạo ngành, địa phương mà còn sợ sai, né trách nhiệm thì còn thực thi được gì nữa?
Cuối cùng do con người. Con người là năng lực của các cơ quan tư vấn, cơ quan có thẩm quyền. Làm không tốt, dẫn đến hay thay đổi, hay điều chỉnh, kéo dài thời gian; làm đội vốn, hiệu quả thấp đi, không triển khai được;… Vì cùng một hệ thống luật pháp, có nơi làm tốt, có nơi làm không tốt, vậy nên không thể đổ cho cơ chế. Tất nhiên luật pháp cũng còn có những mâu thuẫn, chồng chéo, mình cũng đã và đang hoàn thiện rất nhiều. Thế nhưng không vì một nguyên nhân đó, mà còn do cả khâu thực hiện, chưa sát sao, chưa quyết liệt, chưa trách nhiệm, có tâm lý e ngại, lo sợ, cộng hưởng với nhau.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận