menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Trung Thành

Tạm dừng đóng phí công đoàn, SCIC đầu tư vào hàng không

Bản dự thảo chính sách hỗ trợ bổ sung cho các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (gói hỗ trợ lần 2) kết thúc việc lấy ý kiến góp ý từ hôm 28/10/2020. Trong đó, các chính sách được đưa ra đã phản ánh đầy đủ nguyện vọng của doanh nghiệp, ý kiến góp ý của chuyên gia với nhiều chính sách mới và đặc thù.

Điểm mới nhất là đề nghị Chính phủ hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho người lao động đang thuê nhà và (hoặc) nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, người bị hoãn hợp đổng lao động hoặc nghỉ việc không lương.

Mức hỗ trợ 1.000.000 đồng/người (hộ gia đình)/tháng và (hoặc) 1.000.000 đồng/trẻ em dưới 6 tuổi. Thời gian được hỗ trợ là tối đa 03 tháng từ tháng 11/2020 đến hết tháng 1/2021. Dự kiến tổng số tiền hỗ trợ khoảng 3.600 tỷ đồng.

Điểm mới thứ 2 là người tiêu dùng cũng được hưởng lợi trong gói hỗ trợ lần này. Dự thảo gói hỗ trợ lần này đề nghị Quốc hội cho giảm thuế suất giá trị gia tăng (VAT) đối với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu để kích cầu tiêu dùng nội địa cũng là một chính sách mới. Chính sách này được đề nghị thực hiện trong các tháng cuối năm và kéo dài sang năm 2021.

Đây là chính sách có lợi cho người tiêu dùng. Thuế VAT giảm sẽ giảm giá hàng hóa và dịch vụ, kích thích mua sắm, kích cầu nền kinh tế. Bộ Kế hoạch và Đầu tư ước tính giảm 1% thuế suất VAT có thể kích thích tăng tiêu dùng cuối cùng tương đương 0,2 điểm % GDP nhưng sẽ ảnh hướng lớn đến nguồn thu ngân sách. Hơn nữa, nếu chỉ áp dụng đối với hàng hóa trong nước thì có thể sẽ vi phạm các nguyên tắc không phân biệt đối xử giữa hàng hóa trong nước và hàng hóa nhập khẩu.

Nếu không có chính sách đặc thù cho hàng không, hệ lụy rất lớn

Điểm mới thứ 3 đáng chú ý của gói hỗ trợ lần 2 là có chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, cho các doanh nghiệp hàng không và du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch Covid-19.

Chính sách đặc thù được đề xuất là Chính phủ bảo lãnh các khoản vay cho các doanh nghiệp hàng không và cho Tổng Công ty kinh doanh và đầu tư vốn Nhà nước (SCIC) được phép đầu tư vào các doanh nghiệp hàng không (trong trường hợp này, cho phép thực hiện quy chế đặc thù để đảm bảo tách bạch kết quả hoạt động đầu tư này với kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh chung của doanh nghiệp).

Đây là chính sách mà nhiều chuyên gia đề nghị. Còn theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư: “Nếu không có biện pháp đặc thù thì hệ lụy xảy ra có thể là rất lớn, ảnh hưởng đến toàn bộ cấu trúc, cạnh tranh của ngành hàng không, hàng ngàn người lao động mất việc làm và sẽ tốn nguồn lực và chi phí lớn để phục hồi lại trạng thái trước dịch bệnh”.

Tác động của chính sách này là hỗ trợ dòng tiền và thanh khoản cho các doanh nghiệp hàng không, tránh việc các doanh nghiệp này phải tuyên bố phá sản, gây ra tác động bất ổn cho kinh tế - xã hội. Nguồn lực dự kiến ước tính khoảng 11 nghìn tỷ đồng đối với các khoản vay bảo lãnh của Chính phủ cho các doanh nghiệp hãng hàng không.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhiều quốc gia cũng đã ban hành các gói hỗ trợ dành riêng cho ngành hàng không như Mỹ ban hành gói hỗ trợ 58 tỷ USD, Đức dành 9 tỷ Euro để mua cổ phần của Lufthansa để tránh việc hãng này phá sản hoặc bị thâu tóm, bảo vệ hàng ngàn lao động khỏi thất nghiệp…

Đồng thời, sẽ kéo dài việc giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa và áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá cho đến hết 12/2020 hoặc có thể kéo dài sang năm 2021.

Chính sách này sẽ giảm chi phí và áp lực về dòng tiền đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hàng không. Tuy nhiên có thể tác động đến nguồn thu của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không.

Đồng thời đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho giảm 70% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay. Đây cũng là một chính sách mới để chi phí đầu vào, giảm áp lực về dòng tiền cho các doanh nghiệp hàng không. Dự kiến áp dụng từ 01/01/2021 đến hết ngày 31/12/2021.

Tuy nhiên, việc giảm thuế có thể khiến thu ngân sách nhà nước sụt giảm khoảng 2,46 nghìn tỷ đồng (bao gồm giảm số thu thuế bảo vệ môi trường và thuế giá trị gia tăng). Đồng thời, thuế bảo vệ môi trường có tác dụng hạn chế sản phẩm không có lợi cho môi trường, giúp tính đủ các chi phí ngoại ứng tác động đến môi trường do việc sử dụng nhiên liệu bay. Do vậy, việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay có thể tác động tiêu cực đến môi trường, ảnh hưởng đến phát triển bền vững.

Tạo dòng tiền và vốn lưu động cho du lịch

Chinh sách hỗ trợ ngành du lịch trong gói này là giảm 80% số tiền ký quỹ của doanh nghiệp lữ hành trong 2 năm. Đây cũng là một chính sách mới không dùng tiền nhưng lại giúp tạo dòng tiền vào, giúp doanh nghiệp duy trì, cầm cự và có nguồn tiền làm vốn lưu động, sản xuất. Khoản tiền ký quỹ từ 100-500 triệu đồng tùy thuộc loại hình kinh doanh này nằm ở các ngân hàng thương mại và được hoàn trả khi chấm dứt kinh doanh dịch vụ lữ hành, do đó không làm ảnh hưởng tới thu ngân sách Nhà nước.

Ước tính sơ bộ chính sách này sẽ ngay lập tức tạo dòng tiền vào cho 2.667 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế, hơn 500 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa duy trì hoạt động và có nguồn tiền làm vốn lưu động. Chính sách này không làm ảnh hưởng tới thu ngân sách Nhà nước.

Điểm mới nữa là giảm giá điện trong các tháng 11,12/2020 và tháng 1/2021 cho các cơ sở lưu trú xuống mức bằng với giá điện sản xuất trong năm 2020. Như thế vừa giảm chi phí đầu vào cho các cơ sở lưu trú du lịch, tạo dòng tiền để các cơ sở duy trì hoạt động kinh doanh.

Nhưng chính sách này sẽ làm doanh nghiệp ngành điện giảm doanh thu. Tuy nhiên, chính sách trên có thể làm giảm doanh thu của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh điện.

Một chính sách mới nữa là phát phiếu chiết khấu hoặc phiếu khuyến mại với các hóa đơn vận chuyển (hàng không, đường sắt, đường bộ… cho các cơ sở dịch vụ du lịch, lưu trú và các nhà hàng để giảm chi phí vận chuyển hành khách, lưu trú và ăn uống nhằm thúc đẩy tiêu dùng, mua sắm trong ngành dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn. Như vậy sẽ thúc đẩy tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp, giải quyết hàng tồn kho…

Tạm hoãn phí công đoàn, gia hạn thời gian trả nợ

Về chính sách tiền tệ, sẽ tiếp gia hạn thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN từ ngày 23/01/2020 đến ngày 31/12/2020 hoặc thời điểm khác phù hợp với tình hình diễn biến của dịch bệnh và mở rộng phạm vi khoản nợ được thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản giải ngân phát sinh sau ngày 23/01/2020.

Việc gia hạn thời gian thực hiện các chính sách trên giúp các doanh nghiệp, khách hàng có thể tiếp tục vay vốn ở các tổ chức tín dụng với chi phí thấp hơn; các tổ chức tín dụng không phải chuyển nhóm nợ thì cũng không phải trích lập dự phòng rủi ro, tạo dư địa cho vay lớn hơn. Tuy nhiên, cần phải xem xét thận trọng rủi ro về nợ xấu trong thời gian tới.

Một điểm mới nữa trong gói hỗ trợ này là giảm lãi suất vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm và nguồn vốn do Ngân hàng Chính sách xã hội huy động. Cách thức thực hiện: lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay hộ cận nghèo, ở mức 3,96%/năm (hiện nay, lãi suất cho vay là 7,92%/năm). Thời gian thực hiện: từ ngày 01/11/2020 đến ngày 31/8/2021 đối với các khoản vay đang có dư nợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Thời gian hỗ trợ thực tế không vượt quá thời hạn vay vốn còn lại quy định trong hợp đồng tín dụng.

Đặc biệt, tạm dừng đóng phí công đoàn đến hết năm 2021 đã chính thức được đề xuất để Quốc hội cho phép. Phương án này dự kiến làm giảm thu tài chính công đoàn khoảng 15-16 nghìn tỷ đồng/năm nhưng lại giúp doanh nghiệp giảm chi phí, hỗ trợ duy trì sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, giúp người lao động có thêm thu nhập. Tuy nhiên, việc tạm dừng đóng phí công đoàn có thể ảnh hưởng đến nguồn thu và hoạt động của các tổ chức công đoàn.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại