"Tấm áo rộng" của Vinaconex
Định hướng chuyển từ nhà thầu xây lắp để "khoác tấm áo mới" là bất động sản, Vinaconex đang gặp không ít trắc trở.
Cuối năm ngoái, giới đầu tư bất ngờ xen lẫn hoài nghi khi “cá bé” An Quý Hưng (Công ty TNHH An Quý Hưng) thâu tóm “cá lớn” Vinaconex (Tổng công ty Xây dựng và Xuất nhập khẩu Việt Nam; Mã: VCG), bằng cách chi ra số tiền khổng lồ 7.400 tỷ đồng để đổi lấy 57% cổ phần từ SCIC. Cùng thời điểm, 22% vốn khác cũng được Viettel nhượng lại cho tư nhân, ở đây là Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ.
Triển vọng hậu đấu giá
Đợt thoái vốn nhà nước khi đó được xem như lần cổ phần hóa thứ hai và triệt để của Vinaconex. Qua đó giúp tổng công ty này trút bỏ chiếc áo quốc doanh, chính thức gia nhập khu vực kinh tế tư nhân đầy năng động, làm thực – ăn thực.
Định hướng chuyển từ nhà thầu xây lắp sang ông lớn bất động sản của Vinaconex đang gặp không ít trắc trở.
Báo cáo tài chính quý II/2019 vừa công bố, dù chưa phải là bản được soát xét, song cũng đã giúp mang tới một số hình dung về thực trạng hiện nay của Vinaconex, ít nhất là trên sổ sách kế toán.
Cụ thể, lãi trước thuế hợp nhất nửa đầu năm đạt 376 tỷ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Vinaconex với sự tham gia của luồng gió tư nhân đã bắt đầu ghi nhận những đổi thay đáng chú ý so với "phiên bản" nhà nước: Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh ở mức dương 337 tỷ đồng, so với âm 478 tỷ đồng nửa đầu năm 2018. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính âm 186 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức âm 716 tỷ đồng.
Những tín hiệu tích cực đã bắt đầu xuất hiện, nhưng hãy còn quá sớm để kết luận về một Vinaconex hiệu quả hơn, nhất là đối với những cổ đông khó tính. Nửa đầu năm, doanh thu hợp nhất của Vinaconex đạt 3.961 tỷ đồng, giảm 5% vo với cùng kỳ và mới chỉ đạt 40% kế hoạch năm. Kể cả chỉ tiêu lợi nhuận dù tăng khá song cũng mới hoàn thành 41% kế hoạch. Ngoài ra, lãi sau thuế công ty mẹ cũng suy giảm 4% về 323 tỷ đồng trong nửa đầu năm.
Ban lãnh đạo Vinaconex bởi vậy sẽ còn rất nhiều việc phải làm trong nửa sau năm nay nếu muốn hoàn thành kế hoạch kinh doanh đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên thông qua.
"Cú bẻ lái"mạo hiểm
Thời gian qua,nguồn doanh thu từ hoạt động xây lắp của Vinaconex đạt được chủ yếu đến từ các hợp đồng cũ, hợp đồng bảo hành và nguồn thu ngoài lề. Bởi lẽ, công tác đấu thầu tìm kiếm công trình mới chậm, hầu như các công trình chủ yếu từ năm 2018 chuyển sang.
Đi sâu hơn vào cơ cấu doanh thu, báo cáo tài chính của VCG cho thấy doanh thu xây lắp giảm mạnh 21% so với cùng kỳ về còn 2.143 tỷ đồng. Tỷ trọng trong tổng doanh thu cũng theo đó từ 65,5% xuống 54%. Ở chiều ngược lại, doanh thu bất động sản, sản xuất công nghiệp và hoạt động khác đều tăng mạnh với biên độ trên 20%.
Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên diễn ra hôm 28/6 vừaqua, Chủ tịch HĐQT Đào Ngọc Thanh từng khẳng định với các cổ đông, rằng Vinaconex đang chuyển hướng trọng tâm sang lĩnh vực bất động sản.
Cựu CEO Ecopark nhấn mạnh dự án trọng điểm trước mắt sẽ là Khu nghỉ dưỡng Cát Bà Atamina rộng 172ha tại Cái Giá, Cát Bà, Hải Phòng có tổng mức đầu tư lên tới 1 tỷ USD. "Mỗi năm trong 6 năm tới, dự án sẽ mang về cho Vinaconex khoản lợi nhuận ròng 1.000 tỷ đồng", Chủ tịch Đào Ngọc Thanh khẳng định với cổ đông trong phiên họp cổ đông mới đây.
Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính bán niên 2019, tiến độ “rót vốn” của Vinaconex vào dự án Cát Bà Atamina trong 6 tháng đầu năm vẫn còn khá chậm chạp.
Cụ thể, tại thời điểm 30/6/2019, chi phí sản xuất kinh doanh dở dang dài hạn của dự án mới đạt 560,8 tỷ đồng - gần như “đứng yên” so với đầu năm; Chí phí xây dựng cơ bản dở dang cũng chỉ tăng rất nhẹ (32,7 tỷ đồng), đạt 245,18 tỷ đồng.
Tương tự Cát Bà Atamina, một số dự án khác được Vinaconex triển khai trong nhiều năm cũng có tốc độ tăng trưởng “đầu tư” khá chậm, như Dự án Khu công nghệ cao Hòa Lạc và Dự án Trung tâm thương mại Chợ Mơ với giá trị chi phí xây dựng cơ bản dở dang đạt lần lượt là 125,7 tỷ và 265 tỷ đồng.
Thay vào đó, chi phí xây dựng cơ bản dở dang trong nửa đầu năm 2019 lại tăng mạnh ở dự án cấp nước của công ty Viwaco hay đặc biệt là công ty Bohemia (với giá trị ghi nhận đạt 152 tỷ đồng).
Đồng thời với dự án Cái Giá, Vinaconex đang tích cực tìm kiếm cơ hội khác, như vừa trúng đấu giá Dự án nghỉ dưỡng 4 sao quy mô 19.725 m2 bên bờ biển Tam Kỳ, Quảng Nam. Dù vậy, dự án ở Quảng Nam vẫn còn ở "thì" tương lai.
Bất động sản chưa bao giờ là ngành nghề kinh doanh chính của tổng công ty này, trong khi đó mảng xây lắp lại chưa được đầu tư đúng mức.
Bởi vì, để tiếp tục đầu tư những dự án này, theo chia sẻ của cổ đông tại ĐHĐCĐ 2019 của Vinaconex, các bên góp vốn (bao gồm Vinaconex) sẽ phải tiếp tục rót hàng nghìn tỷ đồng vào Cái Giá và An Khánh JVC.
Có nghĩa, Vinaconex sẽ phải chịu áp lực tiềm ẩn về nguồn vốn rất lớn trong thời gian tới, trong trường hợp muốn triển khai những đại dự án bất động sản như Cát Bà Amatina và Splendora.
Nên nhớ, quy mô vay và nợ thuê của công ty đang có xu hướng gia tăng với tổng giá trị ghi nhận cuối kỳ đạt 3.915,7 tỷ đồng, tăng hơn 334 tỷ đồng so với đầu năm.
Thực tế này đặt ra đòi hỏi ban lãnh đạo Vinaconex phải cân nhắc một cách nghiêm túc ý định chuyển hướng từ xây lắp sang đầu tư bất động sản mà ông Đào Ngọc Thanh đã tuyên bố.
Bởi như đã phân tích, kinh doanh bất động sản là lĩnh vực đầu tư đòi hỏi có vốn lớn, cần có quỹ đất lớn, thời gian thu hồi vốn dài và rủi ro có thể cao hoặc phát sinh lỗ, lợi nhuận không ổn định nếu không có chiến lược và kế hoạch phát triển lâu dài, bền vững. Trong khi đó, hoạt động xây lắp là thế mạnh truyền thống của Vinaconex - như đã phân tích - dường như đang bị xem nhẹ hơn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận