Tại sao mô hình đầu tư giá trị lại không còn tác dụng?
Tờ Business Insider có bài viết cho biết theo một nghiên cứu của Inigo Fraser-Jenkins - người đứng đầu bộ phận chiến lược tài sản vốn châu Âu và định lượng toàn cầu tại Sanford C. Bernstein & Co - chiến lược được các nhà đầu tư theo trường phái giá trị ưa chuộng trong nhiều thập kỷ qua, tức là chọn các cổ phiếu có giá trị thị trường thấp hơn giá trị sổ sách, có thể không còn tác dụng nữa.
Trong tác phẩm có sức ảnh hưởng được xuất bản năm 1934, Security Analysis (tạm dịch: Phân tích bảo mật), Benjamin Graham và David Dodd, các giáo sư của trường kinh doanh Columbia, đã đưa ra nhiều nguyên tắc đầu tư giá trị được sử dụng đến ngày nay, bao gồm tìm kiếm các cổ phiếu đang giao dịch dưới giá trị sổ sách của chúng. Nhà đầu tư bậc thầy Warren Buffett đã gọi cuốn The Intelligent Investor (Nhà đầu tư thông minh), tác phẩm xuất bản năm 1949 của Graham, là “cuốn sách hay nhất về đầu tư từ trước đến giờ".
Tuy nhiên, danh tiếng của Buffett đã bị ảnh hưởng trong những năm gần đây khi Tập đoàn Berkshire Hathaway, một công ty khổng lồ với mức vốn hóa thị trường 520 tỷ USD, đã thất bại trong việc đánh bại thị trường. Trong thị trường tăng giá hiện tại, từ ngày 09/03/2009 đến ngày 28/06/2019, cả chỉ số S&P 500 (SPX) và cổ phiếu Berkshire đều tăng 335%. Nhưng trong năm 2019, mức tăng từ đầu năm đến hiện tại của Berkshire là 4% so với 17.3% của S&P 500.
Ý nghĩa đối với các nhà đầu tư
Bản thân Buffett đã lưu ý đến tính thiết thực ngày càng giảm của giá trị sổ sách. "Sự thay đổi hàng năm về giá trị sổ sách của Berkshire... là một số liệu đã mất đi sự thỏa đáng mà nó từng có", ông viết trong lá thư thường niên gửi đến các cổ đông vào năm 2019. "Các quy tắc kế toán yêu cầu đưa các công ty đang hoạt động của chúng tôi vào giá trị sổ sách với giá thấp hơn nhiều so với giá trị hiện tại của chúng, dẫn đến sự chênh lệch ngày càng lớn trong những năm gần đây", ông nói thêm.
Một tiền đề quan trọng đằng sau trường phái của Graham và Dodd là sự đảo ngược về giá trị trung bình, tức giá trị cổ phiếu và lợi nhuận sẽ điều chỉnh dựa theo mức trung bình trong dài hạn. Các cổ phiếu giao dịch dưới giá trị nội tại của chúng, dựa trên nhiều số liệu khác nhau, cuối cùng sẽ phục hồi giá.
Tuy nhiên, nhìn lại 10 năm qua, Fraser-Jenkins và nhóm của ông thấy rằng sự đảo ngược về giá trị trung bình đã không xảy ra, vì các cổ phiếu giá rẻ vẫn có xu hướng là các cổ phiếu giá rẻ, còn các cổ phiếu đắt đỏ có xu hướng thậm chí còn đắt hơn. Họ tin rằng sự thống trị của các cổ phiếu công nghệ tăng trưởng cao cùng với tác động của chương trình nới lỏng định lượng (QE), qua đó các ngân hàng trung ương đã đẩy lãi suất xuống mức thấp chưa từng có trong lịch sử, là lý do chính khiến trường phái đầu tư giá trị truyền thống bị phá vỡ.
Lãi suất thấp có nghĩa là tỷ lệ chiết khấu thấp cho thu nhập và dòng tiền dự kiến, tạo lợi thế cho việc định giá của các công ty dự kiến sẽ mang lại sự tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai. Trong khi đó, các cổ phiếu công nghệ đều được kỳ vọng cao sẽ tăng trưởng trong tương lai, dẫn đến việc định giá dành cho các công ty này cứ không ngừng gia tăng trên thị trường.
Cuối cùng, nhóm Bernstein lưu ý nhiều công ty thành công ngày nay, đặc biệt là các công ty công nghệ, có nhiều giá trị dưới dạng tài sản vô hình như thương hiệu và sở hữu trí tuệ. Các tài sản vô hình như vậy thường không được công nhận trên bảng cân đối kế toán, dẫn đến việc giá trị sổ sách không thể nào phản ánh hết được giá trị của các công ty đó.
Theo một lưu ý cho khách hàng của Dubravko Lakos-Bujas, Chiến lược gia tài sản vốn hàng đầu tại JPMorgan, thì: “Hiện tại, giá trị đang được giao dịch tại mức chiết khấu lớn nhất từ trước đến giờ, và mang lại mức ưu đãi lớn nhất trong vòng 30 năm qua”. Ông đã xem xét chỉ số P/E trung bình và chỉ số P/B (tỷ lệ giá cổ phiếu trên giá trị sổ sách) của các cổ phiếu S&P 500 rẻ nhất và đắt nhất để đưa ra kết luận này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận