Tài nguyên Quốc gia bị "đánh cắp", tiền vào túi ai?
Hàng triệu khối đất đá bị mang đi bán kiếm lời bất chính, những quả đồi bị san phẳng giữa “thanh thiên, bạch nhật”, ngân sách thất thu, tài nguyên Quốc gia đang ngày ngày bị “chảy máu”…
Những năm qua, tình trạng khai thác tài nguyên trái phép tại nhiều địa phương diễn ra hết sức phức tạp. Đáng nói, các hoạt động diễn ra một cách rầm rộ, công khai, những đối tượng khai thác huy động máy xúc, nhiều xe tải để vận chuyển mang đi bán kiếm lời giữa “thanh thiên, bạch nhật” gây bức xúc trong dư luận, để lại những hệ lụy nghiêm trọng cho xã hội.
Những ngày gần đây, dư luận cả nước không khỏi bất bình trước việc Công ty TNHH Hà Sơn (Công ty Hà Sơn) tại TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn ngang nhiên “làm càn”, bất tuân pháp luật khiến người dân địa phương vô cùng phẫn nộ. Điều đáng nói, nhữngsai phạmcủa doanh nghiệp này đã diễn ra hơn 10 năm qua nhưng không hề bị các cơ quan chức năng, cũng như chính quyền địa phương xử lý (?).
Theo đó, trong suốt từ năm 2004 đến nay, Công ty Hà Sơn ngang nhiên khai thác đất đá khi chưa được các cơ quan chức năng cấp phép. Những quả đồi ven TP Lạng Sơn đã “biến mất”, hàng triệu khối đất đá bị mang đi bán kiếm lời, ngân sách Nhà nước thất thu, tài nguyên Quốc gia bị “chảy máu”… Còn chuyện tiền chảy vào túi ai, thì có lẽ không biết bao giờ mới có câu trả lời cho công luận?
Sự việc tương tự cũng xảy ra tại tỉnh Thái Nguyên khiến dư luận hết sức bất bình, theo đó, tháng 8/2019 Sở Tài Nguyên và Môi trường Thái Nguyên đã kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về tài nguyên đối với Công ty cổ phần Vận tải xây dựng Tân Hưng Thịnh (gọi tắt là Công ty Tân Hưng Thịnh), về lĩnh vực tài nguyên môi trường trong quá trình khai thác tại mỏ đất làm vật liệu san lấp ở khu vực Núi Choẹt, xã Minh Đức, thị xã Phổ Yên.
Kết luận kiểm tra số 112/KL-STNMT ngày 13/11/2019 đã chỉ rõ 8 hành vi vi phạm hành chính của Công ty Tân Hưng Thịnh:Theo đó, đơn vị này tự ý chuyển mục đích sử dụng đất rừng sản xuất sang đất sản xuất phi nông nghiệp mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép với diện tích từ 05ha đến dưới 10ha.
Không nộp báo cáo định kỳ hoạt động khai thác khoáng sản theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 55 Luật Khoáng sản. Không nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, đúng và đủ theo thông báo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Không lập báo cáo quản lý chất thải nguy hại định kỳ theo quy định tại điểm a khoản 6 Điều 7 Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Không thu gom chất thải nguy hại theo quy định. Chậm nộp tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản theo quy định, với số tiền hơn 9 tỷ đồng, thời gian chậm nộp là 779 ngày.
Không thực hiện ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản năm 2018, 2019 theo quy định.Từ ngày 01/10/2017 Công ty Tân Hưng Thịnh khai thác, sử dụng nước dưới đất cho hoạt động khai thác khoáng sản, kinh doanh, dịch vụ (khai thác khoáng sản) với lưu lượng trên 10m3/ngày đêm đến dưới 30m3/ngày đêm nhưng không có giấy phép khai thác nước dưới đất theo quy định.
Do đó, tại Công văn số 3459/STNMT-TTr ngày 25/11/2019, gửi Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, Sở Tài Nguyên và Môi trường đã đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Tân Hưng Thịnh với tổng số tiền 832.781.601 đồng.
Bên cạnh đó, Công ty Tân Hưng Thịnh bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp 329.741.033 đồng vào tài khoản tạm giữ của Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên trước ngày 31/12/2019. Thế nhưng, sự việc khiến dư luận bức xúc là không hiểu vì sao cho đến nay, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên vẫn không ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty này (?!).
Dư luận không khỏi bức xúc và hoài nghi rằng, phải chăng có thế lực rất lớn “chống lưng” cho nên Công ty Tân Hưng Thịnh không hề bị xử lý sai phạm?
Chia sẻ với các cơ quan báo chí, GS. TSKH Đặng Hùng Võ từng cho rằng, do khai thác khoáng sản đem lại lợi ích lớn, nên không ít doanh nghiệp khai thác thác lậu, trái phép. Điều này không chỉ làm tổn thất tài nguyên quốc gia, mà còn gây nhiều bất bình trong xã hội. Vì thông thường, doanh nghiệp khai thác khoáng sản lậu gắn với có thế lực “chống lưng”, bảo kê, xã hội đen. Trong khi đó, chức năng, nhiệm vụ của địa phương trong việc quản lý các mỏ khoáng sản chưa được chú trọng.
Theo GS. Võ, về mặt chiến lược quản ký khai thác khoáng sản, quy hoạch của Trung ương chưa thực sự chuẩn xác nhưng dù sao nó vẫn tạo ra những quy tắc, còn lại là vấn đề của địa phương. Bởi đơn cử như tình trạng khai thác lậu khoáng sản ở địa phương, thì địa phương phải có lực lượng đối phó, huyện hỗ trợ xã phường như thế nào, xã phường chịu trách nhiệm quản lý trực tiếp trên địa bàn như thế nào?
Cho nên, theo GS. Võ, việc rất cần kíp là phải xốc lại hệ thống quản lý ở địa phương. Tránh để xảy ra việc giấy phép một đằng, khai thác một nẻo, hoặc khai thác mà ảnh hưởng xấu đến môi trường và điều kiện sống của người dân địa phương…
“Muốn ngăn chặn nạn bảo kê khai thác khoáng sản lậu, cần quy rõ chức năng, nhiệm vụ quản lý của người đứng đầu địa phương (từ xã/phường, huyện/quận) về khoáng sản trên địa bàn; phải chấm dứt tình trạng giấy phép một đằng, khai thác một nẻo, khai thác trái phép, trá hình. Cùng với đó, cần rà soát nghiêm túc các mỏ khoáng sản đang được khai thác và những dự án sắp khai thác để tránh các lỗ hổng, hạn chế độ vênh giữa quản lý thực tại và quản lý trên giấy”, GS. Đặng Hùng Võ đặc biệt nhấn mạnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận