24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Mai Lan
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Tái cơ cấu kinh tế 2021-2025: Không gian mới cho doanh nghiệp phát triển

Kế hoạch tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu là phát triển lực lượng doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực nội tại và tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế.

Trải qua 5 năm thực hiện tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016-2020, khu vực doanh nghiệp đã có những bước tiến triển khả quan nhưng vẫn còn những điểm hạn chế cần tiếp tục hoàn thiện để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025. Để tìm hiểu nội dung này, BNEWS/TTXVN xin trích dẫn bài viết của TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan tham mưu cho Chính phủ xây dựng và thực hiện Kế hoạch tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2021-2025.

* Kết quả cơ cấu lại các doanh nghiệp trong nước chưa đáp ứng yêu cầu

5 năm thực hiện kế hoạch tái cơ cấu (2016-2021) khu vực doanh nghiệp đã có những tiến triển theo đó, quy mô doanh nghiệp đã tăng rõ rệt. Xu thế phát triển kinh doanh bền vững và đổi mới sáng tạo ngày càng rõ nét.

Trong giai đoạn cơ cấu lại nền kinh tế 2016-2020, bình quân số doanh nghiệp thành lập mới là 128.263 doanh nghiệp/năm, tốc độ tăng 7,3%/năm, số vốn đăng ký đạt 1,5 triệu tỷ đồng/năm, thể hiện tinh thần kinh doanh ngày càng cao. Đây là cơ sở thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo và góp phần tăng trưởng kinh tế bền vững.

Tuy vậy, năng suất, chất lượng và hiệu quả của doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế; hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chưa thay đổi tích cực; trình độ công nghệ của khu vực doanh nghiệp còn ở mức thấp; chất lượng, cơ cấu và hiệu quả sử dụng lao động còn thấp.

Về tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp kinh tế tư nhân trong nước, kết quả thực hiện 2016-2020 cho thấy chưa đạt hầu hết các mục tiêu đặt ra ban đầu. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn 2016-2020, các doanh nghiệp tư nhân trong nước tăng trưởng khoảng 12%/năm. Tuy vậy, bộ phận quan trọng nhất của kinh tế tư nhân là kinh tế cá thể chưa đạt tốc độ tăng trưởng tương xứng, dẫn tới tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân trong nước nói chung vẫn thấp hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.

Về số lượng doanh nghiệp, thực tế đã không được mục tiêu "có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2020; trong đó có các doanh nghiệp quy mô lớn, nguồn lực mạnh. Nguyên nhân chủ yếu do số lượng doanh nghiệp giải thể, rút khỏi thị trường còn ở mức cao. Đối với các doanh nghiệp thuộc diện quy mô lớn của kinh tế tư nhân, phạm vi kinh doanh trọng tâm vẫn là các lĩnh vực khai thác tài nguyên, tài chính, ngân hàng, chỉ có một số ít tập đoàn kinh tế ngành công nghiệp lắp ráp, sắt thép.

Về hoạt động đổi mới, sáng tạo, đến nay chưa hoàn thành mục tiêu "Hàng năm, có hơn 35% doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo. Thu hẹp khoảng cách về trình độ công nghệ, chất lượng nhân lực và năng lực cạnh tranh so với ASEAN-4. Nhiều doanh nghiệp của tư nhân tham gia mạng sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu".

Về năng suất lao động, doanh nghiệp khu vực tư nhân vẫn là nhóm có năng suất lao động thấp nhất so với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và doanh nghiệp FDI, đạt khoảng 3,8%/năm xét theo doanh thu bình quân một lao động.

Về cơ cấu lại DNNN giai đoạn 2016-2020 chưa đạt mục tiêu, thể hiện ở một số hạn chế chủ yếu sau đây:

Một là, tái cấu trúc sở hữu DNNN chưa đạt mục tiêu cả về chất lượng và số lượng. Nhiều doanh nghiệp cổ phần hóa không thu hút được đầu tư tư nhân, không có cổ đông chiến lược, chưa đạt yêu cầu tái cơ cấu sở hữu để nâng cao chất lượng quản trị, tăng sức mạnh tài chính, tiếp cận thị trường và công nghệ mới. Chính sách và quy định về cổ phần hóa đã đổi mới, nhưng còn bất cập, gây lúng túng hoặc khó khăn trong tổ chức thực hiện, trước hết là các vấn đề liên quan đến xử lý đất đai và xác định giá trị doanh nghiệp, giá trị vốn nhà nước. Một số trường hợp cổ phần hóa gây thất thoát tài sản nhà nước gây bức xúc trong dư luận.

Hai là, hiệu quả và sức cạnh tranh của DNNN chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ. Chất lượng tăng trưởng, hiệu quả đầu tư của DNNN chưa có xu hướng tăng. Năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của đa số DNNN còn hạn chế. Lợi nhuận và doanh thu của khu vực DNNN chủ yếu hình thành từ một số DNNN quy mô lớn trong các ngành có mức độ cạnh tranh thấp như khai khoáng, viễn thông, năng lượng.

Ba là, DNNN chưa vận hành đầy đủ cơ chế thị trường. Khung khổ pháp luật về quản trị DNNN đã dần được hoàn thiện, nhưng thực tiễn quản trị DNNN ở Việt Nam còn khoảng cách khá xa so với chuẩn mực quốc tế.

* Tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh

Kế hoạch tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu là phát triển lực lượng doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực nội tại và tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế, khai thác hiệu quả hội nhập quốc tế; tăng cường kết nối khu vực tư nhân với khu vực doanh nghiệp FDI, DNNN. Để đạt mục tiêu này, cần tập trung một số giải pháp:

Đối với doanh nghiệp khu vực tư nhân trong nước, phát triển kinh tế tư nhân, phát triển kinh tế số, đổi mới sáng tạo liên quan đến hầu hết các khía cạnh của phát triển kinh tế - xã hội, vì vậy, giải pháp thực hiện cần được tích hợp trong tổng thể các nhiệm vụ giải pháp thực hiện kế hoạch 5 năm 2021- 2025, Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021- 2030; trong đó có kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 2021-2025.

Tái cơ cấu kinh tế 2021-2025: Không gian mới cho doanh nghiệp phát triển
Chế biến cá diêu hồng xuất khẩu tại Công ty Cổ phần kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn. Ảnh: Xuân Anh - TTXVN

Một là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp liên quan đến cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế; cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; các chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Tiếp tục nghiên cứu đổi mới cơ chế về sở hữu, hoàn thiện hệ thống quy định về bảo đảm quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu tài sản, các quyền, nghĩa vụ dân sự của các tổ chức, cá nhân.
Hai là, rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường trong giai đoạn phát triển mới.

Ba là, hoàn thiện chính sách nâng cao mức độ sẵn sàng thích ứng với yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư của khu vực doanh nghiệp tư nhân.

Đối với cải cách DNNN, trong giai đoạn tới, cần sớm hoàn thành tái cấu trúc sở hữu khu vực DNNN, thoái vốn sở hữu nhà nước khỏi các ngành, lĩnh vực ngoài phạm vi vai trò của DNNN đã nêu trên. Biện pháp thực hiện tiếp tục vẫn là là cổ phần hóa, chuyển nhượng vốn nhà nước, bổ sung hình thức bán toàn bộ một DNNN không giới hạn về quy mô doanh nghiệp. Thực hiện nhất quán nguyên tắc thị trường trong việc thoái vốn, chuyển nhượng vốn nhà nước. Mở rộng phạm vi đấu giá, bán cổ phần theo lô trên sàn niêm yết. Trong tổ chức thực thi, cần có cơ chế xử lý nghiêm các hành vi làm chậm hoặc không hoàn thành tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước của người đứng đầu cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước và người quản lý DNNN.

Triệt để áp dụng các thông lệ quốc tế về quản trị DNNN nhằm đảm bảo DNNN thực sự hoạt động theo cơ chế thị trường. Hoàn thiện quy định về thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước tách bạch với chức năng quản lý hành chính nhà nước.

Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế để DNNN thực sự hoạt động đầy đủ theo cơ chế thị trường, cạnh tranh bình đẳng. Tăng cường công tác tổ chức thực hiện áp dụng cơ chế bảo đảm lợi ích của nhà đầu tư và bên có lợi ích liên quan của DNNN.

Nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy, quản lý, điều hành DNNN. Toàn bộ DNNN là công ty cổ phần phải áp dụng quy định về quản trị công ty đại chúng. DNNN là công ty TNHH hai thành viên trở lên thực hiện đầy đủ quy định của Luật Doanh nghiệp về quản trị công ty; áp dụng chế độ công bố thông tin, mối quan hệ giữa cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước và người đại diện vốn nhà nước tại công ty tương tự như DNNN là công ty đại chúng./.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
3,306.00 -42.00 (-1.25%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả