Tài chính tiêu dùng góp phần đẩy lùi tín dụng đen
Việc phát triển hoạt động tài chính tiêu dùng đã giúp người yếu thế tiếp cận nguồn vốn trong lúc khó khăn. Hoạt động tài chính tiêu dùng góp phần đẩy lùi nạn tín dụng đen.
Ngày 18/10, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội thảo "Tài chính tiêu dùng - kênh dẫn vốn hiệu quả với người yếu thế". Phát biểu tại hội thảo, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú nêu rõ, hoạt động tài chính tiêu dùng được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành và của NHNN.
Thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, NHNN đã coi việc phát triển tài chính tiêu dùng là một trong những chủ trương lớn trong hoạt động của hệ thống ngân hàng. Hệ thống khuôn khổ pháp lý về cho vay tiêu dùng nói chung và tài chính tiêu dùng nói riêng được NHNN hoàn thiện, bổ sung phù hợp với đặc thù cho vay tiêu dùng, tạo điều kiện phát triển hoạt động cho vay tiêu dùng an toàn, lành mạnh.
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, biện pháp hỗ trợ triển khai gói tín dụng 20.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi cho công nhân lao động theo thỏa thuận của hai công ty tài chính tiêu dùng HD Saison, FE Credit và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang được triển khai thí điểm, để tạo tiền đề nhân rộng mô hình này nếu có hiệu quả. "Trong 6 tháng tới, nếu gói hỗ trợ này cho kết quả tốt, toàn bộ 16 công ty tài chính tiêu dùng cũng có thể triển khai theo mô hình trên. Có sự tham gia của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, rủi ro sẽ giảm đi, lãi suất cũng thấp hơn, tôi tin chắc gói tín dụng này sẽ hiệu quả’, Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Theo NHNN, đến nay đã có 17 chi nhánh, 41 văn phòng đại diện và 74.000 điểm giới thiệu dịch vụ tài chính tiêu dùng, phục vụ khoảng 30 triệu khách hàng trên toàn quốc. Đến ngày 30/9, dư nợ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính tiêu dùng đạt khoảng 145 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 20% so với cuối năm 2021, chiếm gần 6% dư nợ cho vay tiêu dùng của hệ thống và chiếm 1,3% dư nợ toàn nền kinh tế.
Xuất hiện công ty tài chính mạo danh
Bên cạnh những kết quả đạt được, các công ty tài chính cũng gặp một số khó khăn, phạm vi và quy mô hoạt động còn hạn chế, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Hoạt động không lành mạnh của các tổ chức cung cấp tài chính tiêu dùng không do NHNN cấp phép và hoạt động "tín dụng đen" đã gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động và uy tín của các công ty tài chính tiêu dùng.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) khẳng định, hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng được NHNN cấp phép đều tuân thủ nghiêm ngặt quy định của Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) góp phần ngăn chặn và đẩy lùi tín dụng đen. Tuy nhiên, hoạt động/thương hiệu của các công ty tài chính tiêu dùng được NHNN cấp phép lại đang bị hiểu nhầm/đánh đồng với các công ty tài chính mạo danh, không hoạt động theo Luật Các TCTD hay các quy định pháp luật ngân hàng khác.
Trung tá Đỗ Minh Phương, Phó Trưởng phòng Trọng án, Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) cũng cho biết, gần đây xuất hiện nhiều ứng dụng không rõ nguồn gốc về đơn vị chủ quản có biểu hiện hoạt động tín dụng đen. Các ứng dụng này thường xuyên thay đổi tên hoặc để ẩn thông tin nhằm tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng. Khi khách hàng cài đặt ứng dụng vay và để lại thông tin cá nhân, sẽ có đối tượng liên hệ, mời chào vay tiền và cài đặt các ứng dụng vay khác. Các ứng dụng này có khả năng truy cập thu thập danh bạ, lịch sử tin nhắn, cuộc gọi, thông tin tài khoản mạng xã hội... của người vay để sử dụng khi đòi nợ hoặc cho những mục đích trái pháp luật khác.
Đến ngày 30/9, dư nợ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính tiêu dùng đạt khoảng 145 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 20% so với cuối năm 2021, chiếm gần 6% dư nợ cho vay tiêu dùng của hệ thống và chiếm 1,3% dư nợ toàn nền kinh tế. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận