Tài chính 24h: Giá vàng giảm phiên thứ 3 liên tiếp, lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hút ròng
Giá vàng trong nước tiếp tục được điều chỉnh giảm phiên thứ ba liên tiếp trong bối cảnh giá vàng giao ngay trên Kitco cũng đang đi xuống.
Giá vàng SJC tiếp tục “cài số lùi”
Khảo sát lúc 9h15 sáng nay (14/10), giá vàng miếng SJC tại Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đang ở ngưỡng 41,47 – 41,74 triệu đồng/lượng, giảm tiếp 100 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 190 nghìn đồng/lượng chiều bán ra so với giá khảo sát sáng thứ 7 tuần trước.
Chênh lệch giá mua vào - bán ra được thu hẹp xuống còn 270 nghìn đồng/lượng.
Trong khi đó, tại Tập đoàn Doji, giá vàng Doji bán lẻ tại Hà Nội lại được điều chỉnh tăng 50 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào nhưng giảm 150 nghìn đồng/lượng chiều bán ra, ở mức 41,45 – 41,75 triệu đồng/lượng.
Đây là phiên giảm thứ ba liên tiếp của kim loại quý. Trong tuần trước, mỗi lượng vàng SJC giảm khoảng 180 nghìn đồng, tương đương 0,43% giá trị.
Trong tuần từ 07/10 - 11/10, Ngân hàng Nhà nước chào thầu 90.000 tỷ đồng tín phiếu Ngân hàng Nhà nước với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất 2 phiên đầu tuần ở mức 2,50%, các phiên sau giảm mạnh xuống mức 2,25%.
Dù vậy, các tổ chức tín dụng vẫn hấp thụ được gần như toàn bộ khối lượng này.
Trong tuần có 87.000 tỷ đồng đáo hạn trên kênh này, khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường tăng lên mức 90.000 tỷ đồng.
Trên kênh cầm cố, Ngân hàng Nhà nước vẫn chào thầu 1.000 tỷ đồng/phiên trong cả 5 phiên tuần qua với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất ở mức 4,50%/năm. 4 phiên đầu tuần không có khối lượng trúng thầu, chỉ phiên cuối tuần có 495 tỷ đồng trúng thầu.
Chính phủ yêu cầu đẩy nhanh tái cơ cấu ngân hàng
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 9/2019, trong đó nêu một số yêu cầu đối với Ngân hàng Nhà nước trong điều hành những tháng cuối năm.
Cụ thể, đối với Ngân hàng Nhà Nước, Chính phủ yêu cầu tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, ổn định thị trường ngoại tệ, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân.
Đặc biệt, Chính phủ yêu cầu cần đẩy nhanh việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; đồng thời, có giải pháp đồng bộ nâng cao năng lực tài chính, hiệu quả hoạt động các ngân hàng thương mại.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận