menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Kim Liên

Tái cấu trúc nguồn vốn: "Chìa khóa" giúp doanh nghiệp phát triển bền vững

Nhiều thách thức đã được đặt ra với doanh nghiệp trong bối cảnh mới. Vì vậy, tái cấu trúc nguồn vốn là một trong những "chìa khóa vàng" để doanh nghiệp vượt khó và phát triển bền vững trong giai đoạn này. Phóng viên Thoibaonganhang.vn đã ghi lại những ý kiến của ông Đặng Đức Thành, Chủ tịch Câu lạc bộ Các nhà kinh tế (VEC) xung quanh vấn đề này.

Tái cấu trúc nguồn vốn: "Chìa khóa" giúp doanh nghiệp phát triển bền vững
Ông Đặng Đức Thành, Chủ tịch Câu lạc bộ Các nhà kinh tế (VEC)

Vì sao phải thực hiện tái cấu trúc vốn doanh nghiệp trong bối cảnh mới?

Theo ông Đặng Đức Thành, tái cấu trúc vốn là một nội dung quan trọng vì doanh nghiệp đang kinh doanh trong một môi trường thay đổi và bất ổn. Có thể kể đến một số yếu tố đang thay đổi như biến đổi khí hậu toàn cầu đang tác động hàng ngày, hàng giờ đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; dịch bệnh thường xuyên xảy ra và không thể lường trước như Sars, Ebola, đại dịch COVID-19; Các vấn đề thách thức toàn cầu như khủng bố quốc tế, An ninh nguồn nước, an ninh mạng…

Ngoài ra, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang đến nhiều cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp, làm thay đổi cả về nhu cầu, quy mô, phương thức huy động vốn của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Chủ tịch VEC cho rằng, nhu cầu vốn trung và dài hạn của doanh nghiệp hiện nay rất lớn. Tuy nhiên, do cơ cấu vốn của doanh nghiệp rất bất hợp lý, nguồn vốn chủ sở hữu chỉ chiếm khoảng 20 đến 30%, còn lại là nguồn vốn vay tín dụng chủ yếu từ các ngân hàng thương mại, trong khi các ngân hàng thương mại chưa thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu vay vốn trung và dài hạn của doanh nghiệp.

Ngoài ra, việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA) nói chung và các FTA thế hệ mới nói riêng như EVFTA, CPTPP sẽ tạo cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài (cả đầu tư trực tuyến tiếp và gián tiếp thông qua thị trường chứng khoán).

"Ảnh hưởng của dịch COVID-19 cũng tạo ra làn sóng dịch chuyển giữa sản xuất và cung ứng sang các nước đang phát triển như Việt Nam. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị nguồn vốn để đón đầu các cơ hội đầu tư kinh doanh và làn sóng dịch chuyển này," ông Đặng Đức Thành chia sẻ.

Tất cả những vấn đề trên làm cho doanh nghiệp luôn hoạt động trong tình trạng đối phó với các thách thức, rủi ro; đòi hỏi doanh nghiệp phải chủ động nguồn vốn để hoạt động hiệu quả. Đặc biệt, doanh nghiệp cần thay đổi thói quen sử dụng nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng, phải tự huy động thêm nguồn vốn, phải tái cấu trúc lại nguồn vốn và sử dụng vốn theo hướng phát triển bền vững.

Thực trạng việc huy động vốn của doanh nghiệp Việt Nam

Theo Chủ tịch VEC, điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam là phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn vay ngân hàng. Trong khi đó, thị trường tín dụng đang bị “quá tải” do vừa phải lo nguồn vốn ngắn hạn vừa phải lo cung ứng nguồn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế và doanh nghiệp. Nhiều ngân hàng buộc phải đi vay (chủ yếu từ dân cư) nguồn vốn ngắn hạn, lấy nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn.

Điều này chứa đựng nguy cơ rất lớn cho cả ngân hàng, doanh nghiệp và nền kinh tế. Theo đó, doanh nghiệp phải vay lãi suất cao, chi phí vốn cao dẫn đến hiệu quả sinh lời thấp. Mặt khác, phụ thuộc quá lớn vào nguồn vốn vay ngân hàng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của doanh nghiệp trong trường hợp nguồn vay bị hạn chế hoặc gián đoạn.

Đối với các nước phát triển để huy động nguồn vốn trung và dài hạn, các doanh nghiệp sẽ thực hiện niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán để có thể huy động vốn một cách nhanh chóng, thuận tiện, dễ dàng. Từ việc phát hành cổ phiếu dựa trên tính thanh khoản cao và uy tín của doanh nghiệp được niêm yết trên thị trường. Huy động theo cách thức này, doanh nghiệp không phải thanh toán lãi vay cũng như phải trả vốn gốc giống như việc vay nợ, từ đó sẽ rất chủ động trong việc sử dụng nguồn vốn huy động được cho mục tiêu và chiến lược dài hạn của mình.

Tuy nhiên ở Việt Nam, nhiều lý do khác nhau các doanh nghiệp lại chủ yếu vay vốn từ các ngân hàng thương mại. Điều này dẫn tới hệ quả là chi phí vốn vay cao, áp lực trả nợ lớn, tác động tiêu cực đến hiệu quả sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.

Dẫn chứng về việc huy động vốn của doanh nghiệp thông qua thị trường chứng khoán hiện nay có nhiều hạn chế chế, ông Đặng Đức Thành cho biết, tính đến ngày 31/3/2021, số lượng doanh nghiệp niêm yết và đăng ký giao dịch trên 1.800 doanh nghiệp, vốn hóa thị trường chứng khoán đạt 7.253.415 tỷ đồng.

So với tổng số doanh nghiệp hoạt động tại thời điểm hiện nay (trên 800000 doanh nghiệp) thì tỷ lệ doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán chỉ chiếm 0,2%. Số lượng doanh nghiệp và nguồn vốn hóa thị trường chứng khoán nói trên là khá nhỏ bé, khiêm tốn so với nhu cầu huy động vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Vì vậy, theo Chủ tịch VEC, yêu cầu bảo đảm sự phát triển bền vững của thị trường tài chính, giải quyết việc mất cân bằng giữa thị trường tín dụng và thị trường vốn có ý nghĩa quyết định đối với ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế nói chung và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nói riêng.

Giải pháp tái cấu trúc vốn doanh nghiệp hiện nay

Chia sẻ về các hình thức huy động vốn của doanh nghiệp, ông Đặng Đức Thành cho biết: Hiện có 6 hình thức huy động vốn chủ yếu của doanh nghiệp là huy động vốn từ góp vốn ban đầu, huy động vốn từ lợi nhuận không chia mà dùng từ để tái đầu tư, huy động vốn từ phát hành cổ phiếu, huy động vốn bằng tín dụng ngân hàng, huy động vốn bằng tín dụng thương mại, huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Như đã phân tích ở trên, hiện nay Việt Nam chủ yếu huy động vốn bằng tín dụng ngân hàng. Điều này không bảo đảm nguồn vốn bền vững cho doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung, hiệu quả huy động vốn thấp. Phương hướng cơ bản của thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp cần thực hiện theo một số giải pháp.

"Doanh nghiệp cần xác định cơ cấu vốn tối ưu", ông Đặng Đức Thành chia sẻ. Theo ông, một cơ cấu vốn tối ưu thể hiện qua tỷ lệ hợp lý giữa hai nguồn vốn chủ sở hữu và vốn vay, được tối ưu cả về quy mô và chi phí vốn.

Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa các hình thức huy động vốn. Ngoài việc huy động vốn từ chủ sở hữu và tín dụng ngân hàng, giải pháp cơ bản về phía doanh nghiệp là phải huy động vốn dưới hình thức phát hành trái phiếu và cổ phiếu doanh nghiệp.

Giải pháp này có rất nhiều ưu điểm. Doanh nghiệp có thể huy động được một lượng vốn lớn để mở rộng và phát triển doanh nghiệp; mở rộng quy mô, tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong sản xuất do tiếp thu được nguồn lực mới cả về tài chính, công nghệ, thị trường... Ngoài ra, các hình thức huy động vốn khác như cho thuê tài chính hoặc các hình thức tài trợ thương mại quốc tế cũng cần được tận dụng.

Đồng thời, doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp. Chất lượng quản trị tốt sẽ giúp năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, nâng cao khả năng tiếp cận các nguồn vốn vay từ ngân hàng, các tổ chức tín dụng và huy động vốn từ thị trường chứng khoán thông qua phát hành cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp.

Doanh nghiệp cần thiết lập một chuẩn mực quản trị hiện đại và điều hành phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Tăng cường vai trò của ban kiểm soát và các cơ quan chuyên môn như bộ phận kiểm toán nội bộ, bộ phận tái cấu trúc vốn... Thực hiện chuẩn hóa chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) theo chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS). Xây dựng chính sách quản trị rủi ro và nâng cao khả năng quản trị rủi ro của doanh nghiệp.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả