Tái cấu trúc Lọc hóa dầu Nghi Sơn hướng nào?
Thủ tướng vừa chỉ đạo nóng về 3 nội dung tái cấu trúc dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn do Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn làm chủ đầu tư.
Là một trong những dự án trọng điểm của PVN và ngành dầu khí, Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã và đang đối diện với yêu cầu tái cấu trúc tổng thể (cả quản trị lẫn tài chính) để xử lý hàng loạt khó khăn bủa vây.
Theo thông tin từ chuyến làm việc vừa qua của Thủ tướng tại một số dự án trọng điểm trong khu kinh tế Nghi Sơn (tỉnh Thanh Hóa), hoạt động của siêu dự án trị giá 9 tỷ USD đang gặp nút thắt lớn dù được hưởng nhiều ưu đãi về thuế, hạ tầng, bao tiêu sản phẩm, PVN bù lỗ khi nhà máy vận hành thương mại.
Thủ tướng lưu ý 2 vấn đề liên quan dự án là: vốn vay giải ngân từ ngân hàng chiếm tỷ lệ lớn (khoảng 4,5 tỷ USD, tương đương khoảng 50% tổng mức đầu tư) với lãi suất cao; Chủ đầu tư (Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn – NSRP) vẫn lỗ lũy kế lớn, lợi nhuận trước thuế của những năm vừa qua (nhất là 2023) có cải thiện nhưng chưa tạo được chuyển biến đáng kể.
Bên cạnh một số nguyên nhân như thị trường thay đổi bất lợi, xu hướng chuyển dịch năng lượng toàn cầu dẫn tới biên lợi nhuận lọc dầu giảm mạnh, doanh thu và lợi nhuận không đạt kỳ vọng ban đầu; tình trạng khó khăn của dự án còn xuất phát từ bất cập trong quản trị, điều hành nhà máy (với nhân sự chủ chốt nước ngoài).
Từ đây, Thủ tướng yêu cầu 3 nội dung tái cấu trúc dự án gồm: Quản trị, nhân sự (có thêm người Việt Nam tham gia ban lãnh đạo công ty, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong hoạt động), Tài chính (giảm lãi suất vốn vay, xóa lãi và sử dụng nguồn vốn hiệu quả).
Đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhà máy hướng tới sử dụng điện lưới quốc gia với chi phí thấp hơn thay vì phát điện chạy dầu với chi phí cao (theo tính toán sẽ tiết kiệm được khoảng 70 triệu USD); giảm giá nguyên liệu dầu thô và đa dạng hóa các nguồn dầu thô; vận hành tiết kiệm, hiệu quả và phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Một số thông số cập nhật dự án như sau. Về quản trị, NSRP và nhà máy hoạt động theo hợp đồng liên doanh và điều lệ liên doanh, bao gồm Hội đồng thành viên và Ban tổng giám đốc chủ yếu là người Nhật Bản và Kuwait.
Dự án được hưởng ưu đãi về hạ tầng bằng vốn ngân sách và Petrovietnam ứng trước, tổng số tiền Petrovietnam đã ứng trước để thực hiện các hạng mục hạ tầng dự án là khoảng 3.780 tỷ đồng.
Đến hết tháng 9/2023, Công ty đã chế biến khoảng 45 triệu tấn dầu thô, sản xuất khoảng 37 triệu tấn sản phẩm các loại, trong đó 10 tháng đầu năm 2023 sản xuất được gần 6 triệu tấn sản phẩm các loại (đạt 83% kế hoạch năm). Trong tổng sản lượng sản phẩm xăng dầu, Petrovietnam đã bao tiêu gần 28 triệu tấn.
Như TheLEADER thông tin, tái cấu trúc tổng thể (cả quản trị lẫn tài chính) để xử lý khó khăn, đặc biệt là việc thiếu hụt dòng tiền và nguy cơ mất khả năng thanh toán là mục tiêu ‘sống còn’ của siêu dự án nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Dự án đã chậm tiến độ khoảng 17 tháng và không giải ngân được đủ vốn vay theo kế hoạch ban đầu. Giữa bối cảnh công tác quản trị điều hành của chủ đầu tư (Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn - NSRP) có nhiều hạn chế, dự án ở trạng thái cơ cấu chi phí tài chính và khấu hao chiếm trên 70% chi phí sản xuất kinh doanh (không bao gồm chi phí dầu thô) cùng với chi phí vận hành cao, lợi nhuận chế biến thấp.
Bên cạnh đó, theo PVN, biên lợi nhuận chế biến ngành lọc dầu những năm qua thấp hơn so với dự báo tại FM 2013. Đồng thời, xu hướng chuyển dịch năng lượng toàn cầu cũng ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận ngành lọc hóa dầu.
"Riêng 6 tháng đầu năm 2022, thị trường dầu mỏ có những diễn biến thuận lợi chưa từng có trong lịch sử nhưng NSRP đã không tận dụng được cơ hội quý báu này như những nhà máy lọc dầu khác trên thế giới", PVN cho biết.
Phía nước ngoài (KPE, IKC và MCI) chịu trách nhiệm hỗ trợ NSRP về các vấn đề liên quan đến kỹ thuật, vận hành, bảo trì nhà máy… nhưng thực tế cho thấy đã không hoàn thành: dự án chậm tiến độ, nhà máy vận hành không ổn định, thường xuyên xảy sự cố kỹ thuật, hiệu suất thu hồi sản phẩm thấp và tiêu hao nhiều năng lượng hơn so với thiết kế, luôn không đạt kế hoạch sản xuất đề ra.
Cùng với đó là sự thiếu tin tưởng và chia sẻ khó khăn giữa các bên góp vốn. NSRP và các bên góp vốn nước ngoài không lắng nghe, tiếp thu ý kiến của PVN và tiếp cận tái cấu trúc công ty không đúng bản chất cần phải giải quyết.
Cụ thể, Ban điều hành chỉ tập trung theo hướng bù đắp thiếu hụt dòng tiền, bảo vệ lợi ích các bên trong dự án, qua đó dẫn đến NSRP tiếp tục hoạt động không hiệu quả, mất các cơ hội vàng và tiêu tốn nguồn lực để thực hiện tái cấu trúc trong 2 năm vừa qua.
PVN nhận định, cần phải tái cấu trúc tổng thể NSRP đúng bản chất, đặc biệt cải tổ công tác quản trị, tái cấu trúc tài chính…nhằm giải quyết triệt để các nguyên nhân gốc rễ nêu trên.
Đối mặt với tình trạng mất khả năng thanh toán, NSRP đã phải dựa vào cơ chế RPA, cơ chế thanh toán sớm các hợp đồng bao tiêu sản phẩm để có dòng tiền hoạt động.
Được biết, thực hiện chỉ đạo của các cấp thẩm quyền về việc không làm phát sinh trách nhiệm bảo lãnh của Chính phủ, đồng thời tránh ảnh hưởng thị trường tài chính, PVN đã thực hiện nghĩa vụ Bảo lãnh hoàn thành (khoảng 71 triệu USD, tương ứng tỷ lệ góp vốn 25,1% của PVN.
Về việc này, PVN khoảng một năm trước cho biết đang củng cố hồ sơ, tài liệu để xem xét khả năng kiện Tổng giám đốc NSRP vì để xảy ra sự việc ảnh hưởng lớn tới quyền lợi và trách nhiệm các bên góp vốn, cũng như xem xét các dấu hiệu vi phạm khác dẫn tới khó khăn tài chính của NSRP.
Dự án Liên hợp Lọc hoá dầu Nghi Sơn là công trình trọng điểm quốc gia, có diện tích 400 ha được xây dựng trong Khu kinh tế Nghi Sơn (tỉnh Thanh Hoá). Công suất lọc dầu dự kiến đạt 200.000 thùng/ngày (tương đương 10 triệu tấn/năm) với nguồn nguyên liệu dầu thô nhập khẩu từ Cô-Oét (KEC).
Tổng vốn đầu tư của dự án gần 9 tỷ USD. Trong đó, 4 tỷ USD được góp bởi các nhà đầu tư bao gồm: PVN 25,1%, Công ty Dầu khí quốc tế Kuwait (KPE) 35,1%, Công ty Idemitsu Kosan Nhật Bản (IKC) 35,1%, Công ty Hoá chất Mitsui, Nhật Bản (MCI) 4,7%. Còn 5 tỷ USD từ các bên cho vay quốc tế bao gồm JBIC, IFC, NEXI, KEXIM và các tổ hợp ngân hàng trong nước và quốc tế.
Các sản phẩm chính của dự án sẽ là: Khí hóa lỏng LPG, Xăng (RON 92, 95), dầu diesel (cao cấp, thường), dầu hoả/nhiên liệu phản lực, nhựa Polypropylene, Para-xylene, Benzene và lưu huỳnh.
Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn trực thuộc Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP, thành lập năm 2008). Vận hành thương mại vào tháng 12/2018, dự án được kỳ vọng sẽ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong cả nước, thúc đẩy các ngành công nghiêp địa phương, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận