24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Thu Miên
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

"Tai bay vạ gió" và dừng mua nông sản Mỹ của Trung Quốc đe dọa chiến dịch tái tranh cử của Trump

Hàng loạt bất ổn chính trị - kinh tế - xã hội trong và người nước Mỹ đang đe dọa trực tiếp chiến dịch tái tranh cử nhiệm kỳ mới của Tổng thống Donald Trump.

“Tai bay vạ gió” từ dịch Covid-19 và vụ biểu tình George Floyd

Cuối tháng 12/2019, dịch Covid-19 lần đầu xuất hiện tại Trung Quốc. Khi đó, có lẽ Tổng thống Trump không thể ngờ nó sẽ là đòn giáng nặng nề vào sự nghiệp chính trị của ông. Nhưng chỉ 3 tháng sau, khi Mỹ bắt đầu trở thành ổ dịch Covid-19 lớn nhất thế giới bất chấp nỗ lực hạn chế nhập cảnh của Trump, tình hình đã thay đổi hoàn toàn.

Tính đến chiều ngày 3/6 (giờ Mỹ), nước Mỹ ghi nhận 1.857.825 ca nhiễm Covid-19 và 107.066 ca tử vong trên tổng số 6,5 triệu ca nhiễm và gần 385.000 ca tử vong trên toàn thế giới. Kinh tế Mỹ gần như trì trệ, tăng trưởng GDP được dự báo -6% trong năm 2020. Gần 40 triệu người Mỹ thất nghiệp trong hơn 2 tháng. Chính quyền Trump trở thành tấm bia chỉ trích của đảng đối lập vì hành động thiếu hiệu quả trong công tác phòng chống dịch Covid-19 giai đoạn đầu dịch bệnh bùng phát.

Thực tế, Trump đã hành động từ rất sớm. Ông Trump thành lập đội đặc nhiệm phản ứng trước dịch Covid-19 bao gồm các quan chức cấp cao và chuyên gia đầu ngành. Ông huy động quân đội tham gia cuộc chiến chống dịch, từ việc nhập khẩu và quản lý thiết bị vật tư y tế cho đến nghiên cứu phát triển vaccine, thuốc điều trị.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tổ chức họp báo hàng ngày, theo dõi và chỉ đạo sát sao các diễn biến của dịch bệnh. Nhưng những nỗ lực của Trump gần như không được ghi nhận khi dịch bệnh lây lan mạnh mẽ khiến hàng trăm ngàn người tử vong, tàn phá nặng nề nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Lúc này, cuộc chiến đổ lỗi giữa chính quyền Donald Trump và Bắc Kinh về sự bùng phát dịch bệnh nhận được nhiều sự chú ý. Nhiều phương tiện truyền thông cáo buộc ông Trump đang sử dụng Bắc Kinh như “vật tế thần”, “bia đỡ đạn” để làm lu mờ trách nhiệm quản lý của mình trong vụ dịch.

Khi dịch Covid-19 bắt đầu có dấu hiệu được kiểm soát tại Mỹ, ông Trump gần như ngay lập tức gây áp lực lên các chính quyền địa phương bang, thành phố để mở cửa nền kinh tế, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.

Động thái này khiến vị Tổng thống nhận về vô số lời chỉ trích từ Đảng Dân chủ đối lập rằng ông sẵn sàng chấp nhận nguy cơ tái bùng dịch và tỷ lệ tử vong cao của người Mỹ để đổi lấy sự phục hồi kinh tế có lợi cho hoạt động tái tranh cử. Đổi lại, kinh tế Mỹ dưới sức ép mở cửa của Trump đã bước đầu nhìn thấy dấu hiệu phục hồi.

Đúng lúc này, cái chết của người Mỹ gốc Phi George Floyd lại thổi bùng mâu thuẫn sắc tộc và làn sóng giận dữ trong công chúng, gây ra hàng loạt cuộc biểu tình bạo lực trên khắp nước Mỹ và trở thành “tai bay vạ gió” tiếp theo trong sự nghiệp chính trị của ông Trump.

Lần đầu tiên kể từ thế chiến II đến nay, toàn bộ Vệ binh Quốc gia đã được huy động cùng lệnh giới nghiêm. Một số bang thậm chí tuyên bố giới nghiêm tới hết ngày 7/6, động thái hiếm gặp trong nhiều thập kỷ qua.

Các chuyên gia tài chính nhận định tình trạng bạo lực, biểu tình có thể gây áp lực nặng nề lên sự phục hồi kinh tế Mỹ sau cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19. Điều này cũng đồng thời đe dọa chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Donald Trump, khi ông nguy cơ kết thúc nhiệm kỳ 2016-2020 với nền kinh tế - xã hội đầy bất ổn.

Bên cạnh các yếu tố trong nước, căng thẳng địa chính trị trên chính trường quốc tế là một nguyên nhân khác đe dọa chiến dịch tái tranh cử của ông Trump.

Trung Quốc ngừng mua nông sản Mỹ đe dọa chiến dịch tái tranh của Trump

"Tai bay vạ gió" và dừng mua nông sản Mỹ của Trung Quốc đe dọa chiến dịch tái tranh cử của Trump
Nông dân Mỹ là một trong những lực lượng hậu thuẫn chính trị quan trọng của Tổng thống Trump

Thời điểm ký thành công thỏa thuận giai đoạn 1 với Bắc Kinh, Tổng thống Donald Trump đã nhận được sự ủng hộ chính trị từ nông dân Mỹ nhờ hàng loạt điều khoản có lợi cho ngành nông nghiệp. Nhưng đầu tháng 6 mới đây, tờ Bloomberg bất ngờ đưa tin một số quan chức chính phủ Trung Quốc đang khuyến nghị các công ty nhập khẩu nông sản nhà nước tạm dừng mua nông sản Mỹ trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung liên quan đến vấn đề Hồng Kông leo thang.

Cofco và Sinograin, hai công ty nông sản hàng đầu Trung Quốc đã được lệnh ngừng nhập khẩu nông sản Mỹ bao gồm đậu nành. Các động thái xuất hiện trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tiếp chỉ trích Bắc Kinh về dự luật an ninh quốc gia mới gây tranh cãi đối tại Hồng Kông.

Việc dừng các đơn hàng nông sản có thể là một dấu hiệu cho thấy thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đang trên đà bất ổn và đổ vỡ.

Hồi tháng trước, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường từng cam kết sẽ nỗ lực thực hiện đúng thỏa thuận đã ký với Mỹ hồi tháng 1. Nhưng kể từ đó đến nay, căng thẳng leo thang trong vấn đề Hồng Kông có vẻ đã khiến Bắc Kinh suy nghĩ lại.

Về phía Mỹ, dù Tổng thống Trump từng tuyên bố thỏa thuận thương mại với Trung Quốc “không còn là ưu tiên” của Mỹ, các cố vấn kinh tế của Trump vẫn khẳng định sẽ tiếp tục theo đuổi thỏa thuận này. Larry Kudlow, giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia mới đây cho biết: “Thỏa thuận thương mại đã và sẽ tiếp tục diễn ra. Chúng ta có thể đạt được những tiến bộ mới”.

Một phần trong nội dung thỏa thuận này, Bắc Kinh cam kết mua khoảng 36,5 tỷ USD nông sản Mỹ trong năm 2020. Nhưng các nhà quan sát đang quan ngại đại dịch Covid-19 bùng phát có thể đe dọa các cam kết này do kinh tế nhu cầu tại thị trường Trung Quốc giảm mạnh.

Đó là một trong những lý do khiến hồi cuối tháng 2/2020, Tổng thống Donald Trump khẳng định sẽ tiếp tục đẩy mạnh gói hỗ trợ, vốn đã lên đến 28 tỷ USD cho người nông dân trong bối cảnh dịch Covid-19 có nguy cơ bùng phát trên toàn cầu. Ông Trump thậm chí cam kết chính phủ sẽ hỗ trợ nông dân ngay cả khi các thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, Mexico, Canada… có hiệu lực.

Trong 3 tháng đầu năm 2020, Trung Quốc chỉ nhập khẩu 3,35 tỷ USD nông sản Mỹ, tức chưa đầy 1/10 khối lượng cam kết nhập khẩu trong năm nay. Đây cũng là kim ngạch nhập khẩu thấp nhất trong quý I kể từ năm 2007 đến nay, theo dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ.

Dù Trung Quốc đã tăng cường nhập khẩu 1 triệu tấn đậu nành Mỹ trong hai tuần đầu tháng 5 sau khi nền kinh tế mở cửa trở lại, động thái ngừng nhập khẩu mới nhất chắc chắn sẽ ảnh hưởng nặng nề đến cam kết nhập khẩu 36,5 tỷ USD nông sản. Tờ Bloomberg cũng cho biết các nhà nhập khẩu nông sản Trung Quốc đang tìm đến thị trường đậu nành Brazil để thay thế cho Mỹ.

Nguy cơ thỏa thuận đổ vỡ như vậy sẽ ảnh hưởng nặng nề đến nông dân Mỹ vốn đã lao đao vì thương chiến Mỹ Trung kéo dài hai năm và cả cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 còn chưa chấm dứt hoàn toàn tại Mỹ. Tổng thống Donald Trump chắc chắn không mong muốn điều này. Ông cần tiếp tục duy trì sự ủng hộ này khi cuộc bầu cử Tổng thống nhiệm kỳ mới sắp diễn ra vào tháng 11/2020 tới đây.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả