Suy thoái kinh tế toàn cầu và khủng hoảng nợ: Lịch sử có thể lặp lại?
Cuộc xung đột ở Ukraine và những hậu quả đối với chuỗi cung ứng toàn cầu, giá năng lượng và giá lương thực đang làm thui chột mọi hy vọng phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Nhìn nhận về triển vọng kinh tế toàn cầu trong thời gian tới, nhật báo Les Echos dẫn dự báo của các chuyên gia kinh tế thuộc cơ quan nghiên cứu Cepii cho rằng trên nhiều phương diện, tình hình kinh tế hiện nay gợi nhớ đến giai đoạn những năm 1970.
Khi đó, các cú sốc năng lượng bắt nguồn từ lạm phát đã dẫn đến tình trạng lãi suất tăng, suy thoái và vỡ nợ ở một số nước đang phát triển. Lịch sử có thể lặp lại với những hậu quả của cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Bối cảnh hiện nay của kinh tế thế giới không khác gì tình hình diễn ra trong những năm 1970. Thậm chí "hiện tại, một số lĩnh vực có khả năng dễ bùng nổ hơn".
Đó là nhận định của Jézabel Couppey-Soubeyran, Giảng viên kinh tế tại Đại học Paris 1 Panthéon - Sorbonne và là đồng chủ biên của tạp chí "Kinh tế thế giới 2023", một ấn phẩm được xuất bản hàng năm và mới được Trung tâm nghiên cứu triển vọng và thông tin quốc tế (Cepii) cho ra mắt.
Cuộc xung đột ở Ukraine và những hậu quả đối với chuỗi cung ứng toàn cầu, giá năng lượng và giá lương thực đang làm thui chột mọi hy vọng phục hồi sau đại dịch Covid-19. Tâm lý bi quan ngày càng phổ biến và trở nên nặng nề hơn do áp lực lạm phát, được dự báo là sẽ kéo dài, và cuộc khủng hoảng năng lượng có nguy cơ ngày càng nghiêm trọng ở châu Âu.
"Nếu so sánh với tình trạng đình trệ do lạm phát của những năm 1970 thì chẳng ai có thể lạc quan", Thomas Grjebine, Nhà kinh tế học tại Cepii nhận định.
Vào thời điểm đó, để khắc phục tình trạng lạm phát, được tạo ra bởi hai cú sốc dầu mỏ và chỉ số tiền lương, các ngân hàng trung ương đã tăng mạnh lãi suất.
Hậu quả là suy thoái toàn cầu kèm theo khủng hoảng nợ ở các nước đang phát triển. Và giờ đây, lịch sử cũng có thể sẽ lặp lại đúng như vậy.
Rủi ro châu Âu phân rã
Kể từ năm 2010, kinh tế toàn cầu đã trải qua làn sóng nợ lớn nhất, nhanh nhất và đồng bộ nhất trong vòng 50 năm trở lại đây, theo nhận định của chuyên gia kinh tế Thomas Grjebine.
Nợ công gia tăng là một mối nguy thực sự đối với các quốc gia đang mắc nợ bằng ngoại tệ. "Đó là trường hợp của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), bởi vì đồng euro giống như một loại ngoại tệ đối với các nước thành viên, những người đang mắc nợ bằng loại tiền mà họ không thể kiểm soát được. Thậm chí không loại trừ khả năng tan rã của Eurozone", Chuyên gia Thomas Grjebine bày tỏ lo ngại rằng nguy cơ này liên quan đến tất cả các quốc gia phía Nam, nơi có mức nợ công rất cao với 200% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở Hy Lạp, 150% GDP ở Italy, 123% GDP ở Tây Ban Nha.
Ở các nước mới nổi và đang phát triển, nỗi sợ hãi cũng đang dâng lên vì nợ ngoại tệ chiếm 25% tổng nợ công của những nước này, so với mức chỉ 15% vào năm 2009. Còn nợ tư nhân ở những nước này cũng đã lên tới 142% GDP vào năm 2020, trong khi vào cuối những năm 1970, tỷ lệ này chỉ ở mức 32% .
Việc Mỹ thắt chặt chính sách tiền tệ trong thời gian gần đây có thể tạo ra một cuộc khủng hoảng nợ mới giống như năm 1979 đối với các nước Mỹ Latinh, mà hậu quả là sự vỡ nợ của Mexico vào năm 1982.
Một điểm tương đồng khác được Cepii chỉ ra đó là sự biến chuyển của tiền lương và lạm phát. Giống như vào thời điểm cuối những năm 1960, giai đoạn hiện tại đang chứng kiến sự xuất hiện của nhu cầu đòi mức lương cao.
Cuộc khủng hoảng xã hội vào tháng 5/1968 là sự kiện đánh dấu việc người lao động từ chối các điều kiện phân phối thu nhập phổ biến vào thời điểm đó. Chuyên gia Thomas Gjrebine nhận xét: "Sức mua của mức lương tối thiểu đã tăng 130% từ năm 1968 đến năm 1983. Trong cùng khoảng thời gian đó, mức lương trung bình chỉ tăng khoảng 50%".
Lương thực tế giảm
Ngày nay, với sự trở lại của lạm phát và sự suy yếu của toàn cầu hóa, thỏa hiệp ngầm được đưa ra vào những năm 1980 có thể bị phá vỡ. Thỏa hiệp này dựa trên mức tăng lương vừa phải được bù đắp bằng sức mua tăng liên quan đến giảm phát nhập khẩu do toàn cầu hóa thương mại mang lại.
Những yêu cầu hiện tại về tái cân bằng tiền lương được bộc lộ bởi những căng thẳng ở Mỹ kể từ sau đại dịch, dưới hình thức của nhiều cuộc đình công và hiện tượng "từ chức hàng loạt" là minh chứng cho điều này.
Ở những nơi khác, tăng trưởng tiền lương theo giờ thực tế hiện đang ở mức âm, đặc biệt là trong hầu hết các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), làm ảnh hưởng đến sức mua và tiêu dùng của các hộ gia đình. Căng thẳng xã hội hiện đang là điều đáng lo ngại.
Tăng trưởng toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng trước tiên. Đặc biệt là trong bối cảnh cỗ máy kinh tế Trung Quốc, trong hơn 20 năm qua đóng góp đến 1/4 tăng trưởng toàn cầu, hiện đang bị "ốm yếu".
Không chỉ vì chính sách "không Covid" của chính phủ, mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới còn chịu tác động từ các yếu tố mang tính cơ cấu khác như dân số trong độ tuổi lao động đã đạt đỉnh từ đầu những năm 2010 và dự kiến sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng trong tương lai.
Đà tăng trưởng năng suất, giống như ở Nhật Bản và Hàn Quốc trong những thập kỷ trước, cũng đang bị chậm lại.
Trong khi đó, châu Âu còn bị đe dọa nhiều hơn bởi cú sốc năng lượng. Tác động của cuộc xung đột ở Ukraine có thể nặng nề hơn dự kiến do việc cung cấp khí đốt của Nga trên khắp châu Âu bị gián đoạn.
OECD hy vọng sản lượng trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ thị trường của khu vực này chỉ giảm gần 3%. Những tác động này hiện nay không thể bị xem nhẹ, đặc biệt trong bối cảnh nhiều công ty có thể ngừng sản xuất hoàn toàn, Cepii lo ngại.
"Nhiều ngành công nghiệp, đặc biệt là những ngành tiêu tốn nhiều năng lượng nhất như luyện kim, có thể bị phá sản. Thậm chí đối với Đức, việc ngừng nhập khẩu khí đốt của Nga có thể khiến GDP của nước này giảm từ 3 đến 8%"; đó là điều mà chuyên gia Thomas Gjrebine đang lo lắng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận