Suy thoái kinh tế toàn cầu không có nghĩa là thảm họa
Năm mới 2023 được khởi đầu bởi các cuộc thảo luận không ngớt về rủi ro suy thoái kinh tế. Từ Washington đến Singapore, quan ngại về suy thoái đều đang gia tăng. Mặc dù có nhiều lý do chính đáng để lo lắng về triển vọng của nền kinh tế toàn cầu, nhưng năm 2023 không nhất thiết phải là một năm của “mất mát”, thậm chí có thể trở nên tương đối tích cực trong bối cảnh chủ nghĩa bi quan đang ngự trị hiện nay.
Các cơn gió ngược có thể biến mất
Các yếu tố chính đã và đang làm lu mờ triển vọng có thể sẽ tiêu tan. Quá trình mở cửa trở lại của Trung Quốc dự báo sẽ gập ghềnh và có thể ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu trước khi được củng cố. Thế giới cần một Trung Quốc đứng trên đôi chân của mình, ngay cả khi không thể tái hiện được những con số tiêu biểu cho thời kỳ hoàng kim như Trung Quốc đã có trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ này. Dù gập ghềnh nhưng đến cuối năm nay, cường quốc số 2 thế giới sẽ hồi phục mạnh hơn hiện nay.
Tốc độ thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất ở các nền kinh tế lớn cũng có thể sẽ nhanh chóng chậm lại và tạm dừng sau đà tăng mạnh mẽ trong năm 2022 để đối phó với lạm phát. Thực tế gần đây, một số nhà hoạch định chính sách bắt đầu nói về triển vọng này, một điều mà vài tháng trước đây nếu đề cập đến sẽ bị cho là “liều lĩnh”. Ý tưởng “đảo chiều” thắt chặt tiền tệ hoặc ít nhất là giảm tốc độ tăng lãi suất tới đây như thế nào vẫn đang là vấn đề gây tranh cãi hiện nay. Biên bản cuộc họp tháng 12 của Ủy ban thị trường mở liên bang (FOMC) của Fed được công bố hôm thứ Tư tuần trước, đã cảnh báo về việc sẽ không sớm có các đợt cắt giảm như thị trường dự đoán.
Nhưng bất chấp sự miễn cưỡng của các quan chức đối với sự thay đổi mang tính đảo chiều chính sách như vậy, đó vẫn sẽ là bước tiếp theo lẽ tự nhiên sau khi đà tăng lãi suất tạm dừng. Hiện thị trường đang định giá khả năng Fed sẽ tăng lãi suất thêm tổng cộng 0,5-0,75% trong năm nay trước khi tạm dừng để đánh giá tác động của việc tăng lãi suất đối với nền kinh tế. Sau đó, có khả năng Fed sẽ giảm nhẹ lãi suất vào cuối năm nay, với phạm vi lãi suất sẽ về khoảng 4,5% - 4,75%, tức chỉ còn cao hơn khoảng 0,25% so với cuối năm 2022. Tất nhiên, diễn biến thực tế như thế nào còn rất phụ thuộc vào các dữ liệu kinh tế, đặc biệt là đà giảm của lạm phát, mức độ suy yếu của tăng trưởng kinh tế và những diễn biến trên thị trường lao động.
Nhớ về năm 2001
Những lo lắng về sự mong manh của nền kinh tế là điều dễ hiểu. Khi vừa bước vào năm mới, Hàn Quốc cho biết xuất khẩu hàng hóa tháng 12/2022 sụt giảm 9,5%, kéo dài chuỗi sụt giảm sang tháng thứ ba liên tiếp dù cả năm 2022 vẫn ghi nhận xuất khẩu tăng 6,1%, đạt 683,9 tỷ USD - mức cao kỷ lục kể từ năm 1956. Tại Singapore, Thủ tướng Lý Hiển Long trong thông điệp mừng năm mới cũng cảnh báo năm 2023 sẽ đầy thách thức với nền kinh tế này, khi Mỹ và châu Âu đang đối mặt với suy thoái và triển vọng kinh tế toàn cầu u ám. Và ở hầu hết các nền kinh tế, các NHTW đều vẫn tin rằng, lãi suất phải tiếp tục tăng lên, tỷ lệ thất nghiệp cũng cần phải tăng lên để kiềm chế được lạm phát… Còn vô số lý do khác để lo ngại, nhưng có lẽ chỉ chừng đó là đủ để thấy sự mong manh của triển vọng 2023 thế nào.
Tuy nhiên, triển vọng u ám không hoàn toàn hoặc bắt buộc phải dẫn tới thực tế cũng u ám. Khởi đầu tuần mới của năm mới 2023, thị trường trái phiếu đã ghi nhận mức tăng tích cực và điều này gợi nhớ tới những gì diễn ra vào đầu năm 2001 – thời điểm bắt đầu Fed nhanh chóng giảm lãi suất khi nền kinh tế sa sút. Những lo ngại về sự sụt giảm - giống như bối cảnh hiện nay - sau đó đã xảy ra. Tuy nhiên, suy thoái chỉ kéo dài 8 tháng (bắt đầu vào tháng 3, kết thúc vào tháng 11/2001), là khá ngắn so với giai đoạn các năm 2007-2009 và 2020.
Cựu Chủ tịch Fed Alan Greenspan - người đã “dàn dựng” đợt cắt giảm lãi suất bất ngờ vào những ngày đầu tiên của năm 2001, gần đây đã nhận định rằng, khả năng xảy ra suy thoái lần này là “rất có thể xảy ra”. Mặc dù mức độ tồi tệ đến đâu thì chưa biết, nhưng có điều quan trọng cần nhớ là nền kinh tế toàn cầu năm 2001 vẫn có được mức tăng trưởng khoảng 2,5%. Do đó nếu quả thực chúng ta đang hướng đến một cuộc suy thoái thì mặc dù không bao giờ là dễ chịu nhưng suy thoái cũng không nhất thiết phải là “ngày tận thế”. Có lẽ mọi người đã bị ám ảnh bởi mức độ nghiêm trọng của hai đợt suy thoái gần đây nhất (giai đoạn các năm 2007-2009 và 2020) mà quên đi sự phục hồi tích cực của năm 2001.
Năm 2001 cũng là năm mà Trung Quốc ghi nhận nhiều dấu mốc đáng kinh ngạc, trong đó có việc trở thành “công xưởng của thế giới”. Hiện nay sau gần 3 năm duy trì chính sách Zero Covid, Trung Quốc bắt đầu đẩy mạnh việc mở cửa trở lại. Theo các chuyên gia Wei He và Thomas Gatley của Gavekal Dragonomics, mặc dù quá trình này sẽ khó khăn, gập ghềnh trong một vài tháng nhưng sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế Trung Quốc đang và sẽ diễn ra.
Trên toàn cầu, triển vọng chuyển hướng chính sách tiền tệ từ thắt chặt mạnh mẽ sang bớt thắt chặt, dừng thắt chặt và nới lỏng dần sẽ là quá trình khó khăn và phức tạp nhưng có lẽ điều gì đến cũng sẽ phải đến. Dù cho đến gần đây, động thái tăng lãi suất vẫn được nhiều NHTW tiến hành và có thể tiếp tục trong thời gian ngắn sắp tới, song các tiếng nói phản đối tăng thêm hay khuyến nghị cần dừng đà tăng cũng ngày càng nhiều lên bởi các lo ngại gây ra những rủi ro không đáng có đối với tăng trưởng kinh tế. Những dấu hiệu cho một sự thay đổi chính sách đã xuất hiện và sự đảo chiều có thể diễn ra ngay trong năm nay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận