menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
NGUYỄN HỒNG ĐIỆP

Suy ngẫm về việc chỉ số VN30-INDEX ngang bằng VN-INDEX

Từ khi ra đời vào năm 2012 chỉ số Vn30 hầu như luôn cao hơn Vnindex, đặc biệt có những thời điểm độ lệch lên đến 150 điểm. Thế nhưng trong thời gian gần đây, có một hiện tượng khá kỳ lạ là 2 chỉ số này đang tiệm cận gần bằng nhau. Vậy đâu là nguyên nhân, liệu sẽ tác động theo chiều hướng nào?

Quan trọng nhất là liệu nhà đầu tư có thể tận dụng những cơ hội gì trong tình huống này. Tôi xin chia sẻ bài viết đặc biệt này dưới dạng public, dù bài viết có nhiều thuật ngữ và khái niệm có tính học thuật chuyên sâu, nếu có gì khó hiểu thì các bạn có thể nhờ các Chuyên gia tư vấn giải thích thêm.

Đầu tiên phải hiểu định nghĩa của chỉ số Index. Các bộ chỉ số luôn được xây dựng trên một rổ cổ phiếu riêng biệt. Đối với Vn-Index là toàn bộ các cổ phiếu đang niêm yết trên HoSE. Cách tính Vn-Index dựa trên sự thay đổi vốn hóa bình quân gia quyền so với ngày liền kề, với quy ước ngày đầu tiên 28/7/2000 bằng 100. Với phương pháp tính vốn hóa theo bình quân gia quyền sẽ tạo ra sự "bất bình đẳng" giữa các công ty niêm yết. Rõ ràng, những biến động giá của cổ phiếu lớn luôn sẽ tác động mạnh hơn vào chỉ số so với các cổ phiếu vốn hóa nhỏ. Tuy nhiên, khi số lượng công ty niêm yết lớn lên, các công ty có vốn hóa trung bình (Midcap) nếu chuyển động cùng chiều thì trong vài thời điểm cũng tác động vào chỉ số Vn-Index. Cho nên đôi lúc Vn-Index sẽ chịu sự chi phối của một nhóm cổ phiếu Mid hay Penny đủ lớn. Vì vậy chúng ta đã từng chứng kiến tại một vài thời điểm dòng tiền tập trung vào Mid + Pen., bỏ rơi Bluechips, nhưng chỉ số vẫn tăng.

Chỉ số Vn30-Index ra đời là sự tiến bộ rất lớn. Rổ chỉ số này bao gồm 30 công ty có vốn hóa + thanh khoản hàng đầu trên sàn Tp.HCM. Do luôn tính đến yếu tố free-float cho nên phương pháp này có ưu điểm là loại bỏ được các công ty dù có vốn hóa lớn, nhưng có tính đại chúng yếu. Một yếu tố ưu việt nữa của chỉ số Vn30 là sẽ tránh được hiện tượng "Xanh vỏ đỏ lòng" mà Vn-Index hay gặp phải. Với tính tiến bộ và tiệm cận theo các tiêu chuẩn quốc tế, rổ chỉ số Vn30 được một số quỹ ETF lấy luôn làm rổ tham chiếu, mà không cần phải xây dựng rổ riêng. Hiện nay có tổng cộng 6 Quỹ ETF nội và ngoại đang dùng rổ Vn30.

Nhân tiện tôi cũng xin trình bày sơ lược về ETF. Ra đời từ hơn 30 năm trước, Exchange Traded Fund – ETF hay là Quỹ đầu tư thụ động hoán đổi danh mục, đây là một bước tiến lớn đối với Thị trường chứng khoán toàn cầu. Các Quỹ ETF mô phỏng các chỉ số chứng khoán, rồi thực hiện các nghiệp vụ arbitrage để hoán đổi với chứng chỉ Quỹ niêm yết. Ở Việt nam có 2 Quỹ ETF ra đời sớm nhất và có qui mô tương đối cao là VanEck Vectors Vietnam ETF và FTSE Vietnam Index ETF. Cả 2 quỹ này đều xây dựng các rổ danh mục riêng dựa trên các tiêu chí về vốn hóa, thanh khoản, floating, đặc biệt quan trọng là floatcap. Mỗi cổ phiếu được chọn đều có tỷ trọng khác nhau trong rổ danh mục. Ví dụ như đối với VNM ETF thì chỉ có 2 cổ phiếu tối đa 8%, còn đối với FTSE ETF thì tối đa là 15%. Vì xây dựng dựa trên nguyên tắc hoán đổi danh mục, tracking theo chỉ số Vn-Index, các ETF sẽ bị redeem hay add thêm khi giá CCQ niêm yết tại Mỹ hoặc châu Âu biến động. Nói cách khác là quỹ có thể raise fund nhờ giá CCQ tăng, đồng nghĩa với gia tăng niềm tin của giới đầu tư nước ngoài với TTCK Việt nam. Ở chiều ngược lại khi nhà đầu tư tại Mỹ bán CCQ thì tại Việt nam cũng phải bán danh mục trong rổ ETF của họ ra theo tỷ lệ tương ứng để trả lại tiền cho nhà đầu tư. Cứ mỗi 3 tháng chúng ta lại chứng kiến những đợt "dội bom" của ETF, nhưng thực ra họ cũng vẫn giao dịch hàng ngày ở qui mô nhỏ hơn. Để nắm được các qui luật này chúng ta phải theo dõi chart của CCQ các ETF đang niêm yết ở Mỹ và châu Âu.

Quay trở lại câu chuyện chính yếu về hiện tượng giảm của Vn30 ngang bằng với Vn-Index. Như đã nói ở phần trên, do đặc thù phương pháp tính chỉ số, cho nên một khi Vn30 giảm với tốc độ cao hơn Vn-Index là chứng tỏ dòng tiền trên thị trường hiện nay đang chủ yếu trading phân khúc các cổ phiếu Mid và Penny. Một minh chứng rõ nét nhất là thanh khoản của Vn30 đang ở vùng rất thấp, trong khi thanh khoản chung của thị trường vẫn duy trì tốt. Yếu tố thứ hai là do hiện nay dòng tiền chi phối thị trường không còn là của tổ chức hay các Quỹ, bao gồm ETF, mà chủ đạo là của các NĐT cá nhân nhỏ lẻ. Cho nên một khi dòng tiền này được kích động hay hô hào về một hướng nào đó, sẽ có những biến động lấn át những khoản đầu tư giá trị vào các công ty tiêu biểu Bluechips. Việc nhiều công ty có vốn hóa lớn, đang nằm trong Vn30, dù có nội tại và tiềm năng vô cùng tốt, nhưng đối với nhiều NĐT nhỏ lẻ F0 mới, sẽ chả khác gì đám Penny thần thánh kia, thậm chí còn không bằng vì mãi mới lên được 1%, trong khi đám kia mua đôi khi ăn ngay 3% trong vòng 1-2 giờ đồng hồ. Yếu tố thứ ba là câu chuyện nước ngoài bán ròng với số lượng lớn các cổ phiếu Việt nam. Đa phần các NĐT nước ngoài nắm giữ các doanh nghiệp mệnh danh là tốt, tức đa số nằm trong Bluechips. Khi họ cần rút vốn đương nhiên họ sẽ bán đám này rồi. Với việc bán ròng liên tục như vậy, chỉ số Vn30 giảm là điều dễ hiểu. Điều thứ tư là nhiều doanh nghiệp nằm trong Vn30 cũng đã có độ chững lại về tăng trưởng, dù vẫn có những chỉ số cơ bản tốt, nhưng thực sự không đủ tạo đột biến cao như kỳ vọng của thị trường. Cho nên có lẽ phải mất một thời gian để tích lũy, rồi mới có thể chứng minh với thị trường về độ rẻ của mình.

Với 4 nguyên nhân trên, việc Vn30 về ngang bằng với Vn-Index đã được sáng tỏ. Vậy điều này sẽ tác động như thế nào vào thị trường? Thứ nhất: thị trường lành mạnh phải cần sự dẫn dắt của tổ chức tài chính, không thể xảy ra hiện tượng cá nhân nhỏ lẻ bao trùm quá lâu. Nếu không thay đổi được, sẽ gây ra hiện tượng sòng bạc đỏ đen, khi thua lỗ sẽ gãy đổ và mất niềm tin. Thứ hai: các doanh nghiệp hàng đầu (trong Vn30) nếu cứ dậm chân tại chỗ mãi, sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến kinh doanh cốt lõi, không huy động được nguồn vốn từ thị trường thứ cấp, chậm trễ trong việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, gây ra sự thiếu vốn và kìm hãm phát triển kinh tế đất nước. Thứ ba: các Quỹ ETF đang tracking theo Vn30 sẽ gặp khó khăn rất nhiều trong việc raise fund. Không chỉ ETF theo Vn30, mà các quỹ ETF khác khi xây dựng bộ chỉ số riêng cho mình cũng đưa vào rất nhiều mã đang nằm trong Vn30. Cho nên nếu nhóm này rơi vào cảnh "chợ chiều đìu hiu" thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của ETF, gián tiếp làm mất hình ảnh và vị thế của Việt nam trên thị trường tài chính quốc tế. Thứ tư: nhóm cổ phiếu ngân hàng đang chiếm tỷ trọng 40% trong rổ Vn30, một khi chỉ số này ì ạch, sẽ làm cho dòng cổ phiếu vua, bầu máu bơm ra cho nền kinh tế gặp khó khăn. Không thể phủ định vai trò cốt lõi của nhóm ngân hàng trong phát triển và phục hồi kinh tế. Nếu chậm trễ, sẽ không thể xử lý nợ xấu dù đang được hỗ trợ bởi chính sách gia hạn thông tư 42.

Với những phân tích trên, chúng ta đã hình dung tương đối rõ ràng về nguyên nhân và hệ lụy của việc Vn30 giảm về bằng Vn-Index. Thị trường không nghe lời bất cứ ai, đó là một thực thể thông minh tuyệt đỉnh, có cách đi riêng, chủ yếu đi tìm nơi có thể mang lại lợi nhuận đầu tư tốt nhất. Việc nắn dòng hay định hướng luôn tiềm ẩn rủi ro. Cho nên là Nhà đầu tư chứng khoán, chúng ta cứ đi theo dòng chảy, không nên duy lý và bất mãn với những sự tưởng như là vô lý. Dù vậy, một khi có dấu hiệu chuyển biến mạnh, hãy kịp thời thức tỉnh để "quay về chính nghĩa". Còn đối với những NĐT có niềm tin son sắt, có tiềm lực tài chính dài hạn, có thể cân nhắc tích lũy mua vào những cổ phiếu tốt nhất trong rổ Vn30, đón đầu sự trở lại của nhà vua. Đối với cá nhân tôi thì do quan điểm năm 2022 là năm khó khăn hơn, có nhiều biến số khó xác định hơn, cho nên chu kỳ nắm giữ cổ phiếu của tôi ngắn lại, chủ yếu đi theo sóng ngành.

Hy vọng các bạn đọc được hết bài để có những sự tham khảo có ích cho bản thân. Đó là mong mỏi và tâm huyết của tôi, cũng như anh em cộng sự trong công ty S-Talk. Chỉ có con đường học hỏi liên tục, đổi mới tư duy và biết thích nghi, mới có thể mang lại thành công trong thời kỳ "loạn lạc" này.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
NGUYỄN HỒNG ĐIỆP

Bấm theo dõi để nhận thêm nội dung bổ ích từ chuyên gia này.

Tìm hiểu thêm về chuyên gia.

Hãy chọn VIP/PRO hàng đầu để nhận kho bài viết chuyên sâu

Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả