Sụp đổ cho vay ngang hàng ở Trung Quốc, nhà đầu tư mất trắng gần 120 tỷ USD
Bị hấp dẫn bởi những hứa hẹn về lợi nhuận "khủng", hàng chục triệu nhà đầu tư đã trở thành nạn nhân của các chương trình cho vay ngang hàng tại Trung Quốc
Thông thường, Liu Yijia, 40 tuổi, chủ một công ty xuất khẩu ở tỉnh Chiết Giang; Li Wei, 20 tuổi, một quản lý quan hệ công chúng ở Thâm Quyến và Feng Mei, giám đốc một công ty quốc doanh đã về hưu ở tỉnh Giang Tô, hầu như không có mấy điểm chung nếu hòa lẫn vào dân số 1,4 tỷ người của Trung Quốc.
Tuy nhiên, họ lại có chung mục tiêu là kiếm lợi nhuận từ khoản đầu tư của mình và giờ đây đều trở thành nạn nhân trước sự sụp đổ của hàng loạt chương trình cho vay ngân ngang hàng (P2P) trực tuyến và chương trình ủy thác đầu tư vốn chỉ dành cho giới giàu.
Theo South China Morning Post, năm 2017, Liu Yijia, Li Wei và Feng Mei cùng hàng triệu người khác đã rót tiền vào các mô hình đầu tư trên với lời hứa hẹn thu về lợi nhuận gấp đôi mỗi năm. Điều này tạo ra sức hút hơn khi mà lãi suất tiền gửi ngân hàng chỉ là 1,75% và lãi suất tài khoản thanh toán 0,3% một năm tại các ngân hàng truyền thống. 3 năm sau, cả ba đều "chịu trận" khi không những không nhận được lợi nhuận như hứa hẹn mà còn mất trắng tiền gốc.
HÀNG CHỤC TRIỆU NẠN NÂN, THIỆT HẠI GẦN 120 TỶ USD
Ước tính có hàng chục triệu người bị mất tiền bởi sự sụp đổ của các chương trình cho vay ngang hàng. Theo Guo Shuqing, nhà lập pháp tài chính hàng đầu ở Trung Quốc, kể từ khi chính phủ bắt đầu siết mạnh hình thức cho vay ngang hàng hơn 3 năm trước, tính tới cuối tháng 6/2020 vẫn còn khoảng 800 tỷ Nhân dân tệ (119 tỷ USD) bị nợ lại.
"Ít nhất 8 người tôi biết, gồm bạn bè, đồng nghiệp và người thân, là nạn nhân của các ứng dụng P2P. Chúng tôi không thể lấy lại được tiền. Chúng tôi đã gọi cảnh sát nhưng chẳng ích gì", Li chia sẻ.
"Trước đây, mọi người đều nói về khởi nghiệp và đổi mới. Lúc đó tôi cảm thấy P2P là thứ rất cao cấp, sáng tạo và được chính phủ đảm bảo. Chúng tôi đều phát cuồng vì mức lợi nhuận hứa hẹn. Giờ đây chẳng ai buồn nói về chúng nữa", Li kể và cho biết cô sẽ không bao giờ đầu tư vào các sản phẩm tài chính ở Trung Quốc nữa.
Hiện tại, ngành công nghiệp cho vay ngang hàng tại Trung Quốc gần như biến mất hoàn toàn, chỉ còn 15 nền tảng còn hoạt động vào cuối tháng 8. Trong khi đó, chỉ 2 năm trước, con số này là 2.835 nền tảng. Cùng với đó là hàng chục triệu nhà đầu tư đã mất trắng tiền tiết kiệm của mình, theo Ủy ban Giám sát Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc.
Hiện vẫn chưa rõ chính xác con số nhà đầu tư P2P tại Trung Quốc. Giới chức tài chính Trung Quốc ước tính con số này đã giảm 88% từ đầu năm 2019 tới cuối tháng 8 năm nay.
Theo một báo cáo riêng của Ủy ban Chuyên gia Quốc gia về Công nghệ An ninh Tài chính Internet, tính tới cuối tháng 6/2018, có "ít nhất 50 triệu người" đã đầu tư khoảng 22.788 Nhân dân tệ (3.400 USD) mỗi người vào các nền tảng cho vay ngang hàng tại Trung Quốc.
NHỮNG HỨA HẸN HẤP DẪN
Liu Yijia, chủ doanh nghiệp xuất khẩu ở Chiết Giang, bị thu hút bởi quảng cáo từ công ty JC Group, có trụ sở ở Hàng Châu, về "các sản phẩm quản lý tài sản" với mức lãi suất 12%/năm. Ông đã đầu tư khoản tiền tối thiểu 1 triệu Nhân dân tệ (148.000 USD). Trong khi đó, JC Group tuyên bố đã ký thỏa thuận với nhiều chính quyền địa phương để xây dựng "các thị trấn nhỏ xinh đẹp". Công ty này quản lý ít nhất 350 "quỹ tư nhân" và huy động được khoảng 10 tỷ USD trước khi bị cảnh sát lục soát văn phòng và nhà sáng lập bị bắt với tội danh huy động vốn trái phép hồi tháng 4/2019.
Feng, giám đốc về hưu ở Giang Tô, cũng bị hấp dẫn bởi mức lợi nhuận cao được JC Group chào mời và đầu tư 2,6 triệu Nhân dân tệ (388.000 USD). Còn Li, nữ quản lý quan hệ công chúng ở Thâm Quyến với tình hình tài chính không tốt bằng Liu và Feng khi chỉ sống bằng tiền lương hàng tháng, đã đánh liều đầu tư toàn bộ tiền tiết kiệm khoảng 200.000 Nhân dân tệ (30.000 USD) qua một ứng dụng P2P trên điện thoại di động.
"Nhiều khách hàng của tôi, trong đó hầu hết là người giàu có, đều đang rất phẫn nộ. Họ tức giận vì những thiếu sót trong quy trình xét xử các trường hợp này", Zhong Jian, luật sư tại hãng luật DHH - công ty đại diện cho hàng chục nhà đầu tư đang kiện các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm quản lý tài sản - cho biết.
Theo Zhong, những người này luôn nghĩ bản thân là người được hưởng lợi từ sự mở cửa và cải cách của Trung Quốc. Nhưng khi bong bóng vỡ tung, họ cảm thấy mình không có cách nào để bảo vệ quyền lợi của mình. Kể từ khi các đơn kiện được đệ trình vào năm ngoái, tình hình không mấy tiến triển.
Các chương trình cho vay P2P dùng tiền đầu tư từ cộng đồng để cho người khác vay. Dù không được khuyến khích, ban đầu mô hình này vẫn được chính phủ Trung Quốc chấp nhận do mang lại một giải pháp hiệu quả và sáng tạo để kết nối cung và cầu vốn.
Đây là lựa chọn thay thế dễ dàng cho các ngân hàng bởi chỉ cần vài thao tác trên điện thoại di động để chuyển tiền từ tài khoản tiết kiệm sang. Tuy nhiên, do không có sự giám sát của cơ quan quản lý, tình trạng gian lận bắt đầu diễn ra tràn lan, trong đó nhiều nền tảng thực chất chính là mô hình lừa đảo Ponzi (kim tự tháp) - sử dụng tiền đầu tư của người mới để trả lãi cho người cũ.
Theo Joe Zhang, một chuyên gia kỳ cựu trong lĩnh vực tài chính Trung Quốc, hiện là chủ tịch của Slow Bull Capital, suy thoái tài chính khiến các ngân hàng đưa ra mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm thấp hơn. Cùng với sự thiếu giám sát pháp lý, Trung Quốc trở thành mảnh đất màu mỡ cho các mô hình P2P.
KHÔNG THỂ LẤY LẠI TIỀN, KIỆN TỤNG TRONG VÔ VỌNG
Hầu hết các nhà đầu tư không thể lấy lại được tiền. Một số ít may đòi được thì cũng mất nhiều thời gian và phải chấp nhận lỗ lớn. Họ cảm thấy bất lực và bị bỏ rơi bởi hệ thống pháp lý của Trung Quốc không có cơ chế giúp họ lấy lại tiền.
Đến nay, Ezuba là mô hình Ponzi lớn nhất tại Trung Quốc khi huy động được hơn 50 tỷ Nhân dân tệ từ khoảng 900.000 nhà đầu tư qua các dự án giả từ tháng 6/2014 tới tháng 12/2015. Năm 2017, giám đốc công ty Ding Ning lĩnh án tù chung thân, bị tịch thu tài sản cá nhân trị giá 500.000 Nhân dân tệ và phạt 100 triệu Nhân dân tệ.
Một trường hợp nổi bật khác là Tangxiaoseng. Nền tảng P2P có trụ sở ở Thượng Hải này đã huy động được 59 tỷ Nhân dân tệ (8,8 tỷ USD) từ 2,77 triệu nhà đầu trong khoảng thời gian 2012-2018. Khi sụp đổ, Tangxiaoseng còn nợ 5 tỷ Nhân dân tệ của 110.000 nhà đầu tư. Người đứng công ty Wang Li lĩnh án tù chung thân, còn 3 giám đốc khác lĩnh án tới 14 năm tù.
Trong khi đó, những nhà đầu tư như Liu và Feng vẫn đang theo đuổi các vụ kiện chống lại JC Group cùng khoảng 3.000 người khác. Tuy nhiên, các nguồn lực điều tra kinh tế và tư pháp của Trung Quốc được cho là không đủ để xử lý tất cả vụ việc.
Dù gây nhiều tranh cãi, các mô hình tín dụng đen, bao gồm P2P, chỉ chiếm một phần nhỏ trong hệ thống tài chính của Trung Quốc. Theo dữ liệu chính phủ, tổng giá trị các khoản vay của tất cả nền tảng P2P tại Trung Quốc, gồm cả những nền tảng đã đóng cửa, là khoảng 7.800 tỷ Nhân dân tệ (1.200 tỷ USD) - con số khiêm tốn so với tổng dư nợ 170.000 tỷ Nhân dân tệ ngân hàng hồi cuối tháng 9.
Ngoài ra, khoản lỗ 800 tỷ Nhân dân tệ chỉ chiếm một phần nhỏ so với tài sản của hộ gia đình tại Trung Quốc. Chỉ trong tháng qua, các hộ gia đình nước này đã gửi 9.950 tỷ Nhân dân tệ vào các ngân hàng. Điều này cho thấy việc Bắc Kinh kìm hãm mô hình P2P không mấy ảnh hưởng tới sự ổn định của hệ thống tài chính nước này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận