Sức ép gọi vốn dồn lên các ngân hàng
Thanh khoản dồi dào trong bối cảnh khó cho vay, nhưng các ngân hàng vẫn dồn dập phát hành trái phiếu.
Trên thị trường mở, thanh khoản các ngân hàng thương mại tuần qua vẫn rất dồi dào, lãi suất chốt tuần ở mức 0,19%/năm (giảm 3 điểm phần trăm) với kỳ hạn qua đêm và 0,27%/năm (giảm 5 điểm phần trăm) với kỳ hạn 1 tuần.
Bên cạnh đó, lãi suất tiền gửi đi ngang sau bước giảm mạnh trong tuần đầu tháng 7, hiện ở mức 3,5 - 4,25%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng, 4,4 - 6,7%/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng, từ 5,5 - 7,5%/năm với kỳ hạn 12, 13 tháng.
Thanh khoản dồi dào trong bối cảnh cho vay trì trệ, nhưng các ngân hàng vẫn dồn dập phát hành trái phiếu trong quý II/2020.
Cụ thể, BIDV đã phát hành riêng lẻ tổng cộng 6.174 tỷ đồng trái phiếu với các kỳ hạn: 7 năm, 8 năm, 10 năm và 15 năm từ ngày 11 - 26/06/2020. Cụ thể, từ ngày 23 -26/6/2020, BIDV đã phát hành riêng lẻ thành công tổng cộng 3.460 tỷ đồng trái phiếu trung và dài hạn.
Còn ngày 11/6/2020 và từ ngày 16 - 22/6/2020, BIDV đã phát hành riêng lẻ lần lượt 914 tỷ đồng và 1.800 tỷ đồng trái phiếu trung và dài hạn.
Trước đó, từ ngày 27 - 29/4/2020, BIDV đã phát hành riêng lẻ thành công tổng cộng 3.702 tỷ đồng trái phiếu. Loại trái phiếu BIDV phát hành đều là trái phiếu trung, dài hạn và thỏa mãn điều kiện tính vào vốn cấp 2 của Ngân hàng.
Vietcombank cũng lên kế hoạch phát hành 60 triệu trái phiếu kỳ hạn 5 năm với mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu, tương ứng với tổng mệnh giá phát hành tối đa là 6.000 tỷ đồng.
Được biết, mục đích phát hành trái phiếu nhằm bổ sung nguồn vốn hoạt động và đáp ứng nhu cầu cho vay tiền đồng các dự án trung dài hạn của Vietcombank phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, nguồn vốn thu về từ phát hành trái phiếu sẽ giúp Vietcombank nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo tuân thủ các chỉ tiêu an toàn theo quy định của NHNN
Tương tự, VietinBank đã lên phương án phát hành 10.000 tỷ đồng trái phiếu trong năm 2020, bao gồm 5.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 10 năm và 5.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 8 năm.
Cụ thể, đợt 1 sẽ diễn ra trong quý II hoặc quý III/2020 với khối lượng phát hành theo mệnh giá là 7.000 tỷ đồng, bao gồm 3.500 tỷ đồng trái phiếu 8 năm và 3.500 tỷ đồng trái phiếu 10 năm.
Đợt hai sẽ diễn ra trong quý III hoặc quý IV/2020 với khối lượng phát hành là 3.000 tỷ đồng, bao gồm 1.500 tỷ đồng trái phiếu 8 năm và 1.500 tỷ đồng trái phiếu 10 năm
“Đây đều là loại trái phiếu không chuyển đổi, không được đảm bảo bằng tài sản của tổ chức phát hành, thỏa mãn điều kiện để được tính vào vốn cấp 2 theo quy định của pháp luật. Lãi suất trái phiếu là lãi suất thả nổi, được xác định theo công thức: lãi suất trái phiếu bằng lãi suất tham chiếu cộng 0,9%/năm (với trái phiếu kỳ hạn 8 năm) và 1%/năm (với trái phiếu kỳ hạn 10 năm)”, một lãnh đạo cao cấp của VietinBank cho biết.
Nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần cũng không đứng ngoài cuộc đua. VPBank huy động thành công 6.500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm, với lãi suất phát hành 6 - 6,4%/năm.
HDBank cũng thông báo phát hành riêng lẻ thành công 4.000 tỷ đồng trái phiếu 3 năm vào ngày 10/6, 17/6 và 22/6. Trước đó, trong tháng 5, ngân hàng này đã phát hành thành công 2.300 tỷ đồng trái phiếu tương tự với lãi suất dao động 5,6%/năm - 6%/năm.
VIB, OCB và SHB cũng phát hành lần lượt 2.000 tỷ đồng, 1.200 tỷ đồng và 1.000 tỷ đồng trái phiếu trong tháng 4 với lãi suất dao động 6,3 - 6,7%/năm.
Số liệu tổng hợp từ HNX cho thấy, các doanh nghiệp đã phát hành lên tới 156.000 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm 2020, tăng gần 33% so với cùng kỳ năm trước và hoạt động này sôi động từ quý II/2020.
Ước tính, tỷ lệ phát hành thành công sau 6 tháng năm 2020 là khoảng 69% so với 67% của cả năm 2019 và hệ thống ngân hàng có tỷ trọng phát hành cao nhất với 30%.
Thực tế cho thấy, nhu cầu phát hành trái phiếu doanh nghiệp vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao trong nửa cuối năm 2020 bởi hệ thống ngân hàng lo ngại xảy ra nợ xấu trong bối cảnh kinh tế đang bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, các lãnh đạo ngân hàng cũng thừa nhận việc tích cực phát hành trái phiếu nhằm gia tăng lượng vốn cấp 2 và cải thiện tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo quy định của NHNN.
Cụ thể, Thông tư số 22/2019/TT-NHNN về tỷ lệ vốn ngắn hạn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ giảm từ mức 40% về mức 37% kể từ ngày 1/10/2020. Điều này có nghĩa cứ 100 đồng tiền gửi ngắn hạn, các ngân hàng chỉ được cho vay trung và dài hạn tối đa 37 đồng.
“Thanh khoản của hệ thống dồi dào nhưng chủ yếu vẫn là nguồn vốn huy động ngắn hạn. Đây là rủi ro của hệ thống, đặc biệt trong giai đoạn cuối năm được dự báo tín dụng sẽ tăng trưởng khởi sắc. Phát hành trái phiếu trung, dài hạn trong mục tiêu đảm bảo an toàn hoạt động của ngân hàng”, Phó tổng giám đốc phụ trách khối nguồn vốn một ngân hàng thương mại cổ phần chia sẻ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận