menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Dũng Bùi

Sức chống đỡ yếu, mức độ dễ bị tổn thương của nền kinh tế còn cao

Các chương trình tái cơ cấu vẫn tiến hành chậm hơn so với yêu cầu. Mô hình tăng trưởng của nền kinh tế về cơ bản chưa thay đổi. Nhân tố cho một cách thức tăng trưởng mới chưa xuất hiện.

Báo cáo nghiên cứu “Đánh giá kết quả cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn 2016-2020” vừa được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Chương trình “Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam” (Aus4Reform) công bố ngày 17/9/2019.

Báo cáo đã đánh giá kết quả thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo các nội dung như ổn định kinh tế vĩ mô và tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế, tăng trưởng và cách thức, chất lượng tăng trưởng; chuyển dịch cơ cấu, tái cơ cấu kinh tế…

Phát hiện chính của Báo cáo này là từ khi có sự chuyển đổi định hướng chính sách năm 2011 theo hướng thúc đẩy cải cách tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng để có tăng trưởng cao và bền vững, nền kinh tế đã có những chuyển biến tích cực.

Định hướng chính sách chuyển đổi, trong nhiệm kỳ 2011-2015, các chính sách vĩ mô từ nới lỏng để kích thích, thúc đẩy tăng trưởng đã chuyển sang thắt chặt có điều chỉnh linh hoạt để ổn định kinh tế vĩ mô; đồng thời, thực hiện hàng loạt các chương trình, đề án cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

“Những thay đổi chủ trương, định hướng chính sách trên là phù hợp, tạo tiền đề vững chắc cho tăng trưởng cao, bền vững cho nhiệm kỳ tiếp theo 2016-2020”, TS. Nguyễn Đình Cung, Giám đốc quốc gia Chương trình Aus4Reform, bình luận.

Cũng theo báo cáo, từ năm 2016 nền kinh tế Việt Nam đã có điều kiện thuận lời hơn nhờ kết quả của nhiệm kỳ trước. Định hướng chính sách cho nhiệm kỳ 2016-2010 đã cơ bản kế thừa đồng thời duy trì và đẩy mạnh hơn nữa tư tưởng và khung chính sách của nhiệm kỳ 2011-2015. Đồng thời, các nghị quyết, chính sách trong nhiệm kỳ này được ban hành cũng đã làm sâu sắc hơn, hiện thực hơn và cũng quyết liệt hơn việc xác định ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Kết quả là kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát kiềm chế ở mức thấp, sức chống chịu của nền kinh tế được tăng cường. Nền kinh tế nước ta tiếp tục duy trì lạm phát ở mức hợp lý dưới 4% và ổn định trong suốt nhiệm kỳ Chính phủ.

Thu ngân sách nhà nước đã có cải thiện đáng kể; cơ cấu thu ngân sách cũng thay đổi tích cực hơn. Thâm hụt ngân sách giảm mạnh so với 5 năm trước và duy trì mức ổn định dưới 4% GDP, đạt mục tiêu đề ra. Nợ công và nợ nước ngoài có xu hướng giảm khá nhanh; quản lý nợ công và nợ nước ngoài không còn căng thẳng như trước nhưng vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực

Tuy vậy, TS. Nguyễn Đình Cung đánh giá: “Ổn định kinh tế vĩ mô tiếp tục được củng cố. Sức chống chịu của nền kinh tế xét về vĩ mô có cải thiện so với trước nhưng mức độ dễ bị tổn thương của nền kinh tế còn cao, do độ mở của nền kinh tế đã gia tăng hết sức nhanh chóng và nền kinh tế ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào nhà đầu tư nước ngoài trên nhiều mặt”.

Báo cáo đánh giá: Quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng với 3 trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu thị trường tài trình trong giai đoạn 2016-2020 đã và đang thực hiện một cách tích cực và thực chất hơn.

Nhưng, các chương trình tái cơ cấu nhìn chung đang được tiến hành chậm hơn so với yêu cầu. Trong 3 trọng tâm tái cơ cấu, chỉ có việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng đạt được một số kết quả khá rõ nét trong xử lý nợ xấu.

Còn lại, cơ cấu lại đầu tư công và doanh nghiệp nhà nước chưa có tiến triển về chất mà vẫn thực hiện một cách hình thức hơn là triển khai các biện pháp mạnh mẽ thực chất nâng cao được hiệu quả đầu tư công và hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước.

Đồng thời, mô hình tăng trưởng của nền kinh tế về cơ bản chưa thay đổi. Tăng trưởng vẫn chủ yếu dựa vào gia tăng vốn đầu tư, sử dụng lao động chi phí thấp và hoạt động kinh tế thâm dụng lao động; ở mức nhất định vẫn dựa vào xuất khẩu và dựa vào đầu tư nước ngoài ngày càng tăng. Nhân tố cho một cách thức tăng trưởng mới chưa xuất hiện.

Báo cáo nhấn mạnh thông điệp phải tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu để chuyển đổi thành công mô hình tăng trưởng. Theo đó, cần hệ thống đồng bộ, các giải pháp từ tổng thể đối với toàn nền kinh tế đến giải pháp đối với từng ngành, lĩnh vực và vùng, địa phương…

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả