Suất đầu tư sân bay Long Thành 16 tỉ 'quá cao', ACV nói gì?
Sân bay Đại Hưng 7 đường băng vốn đầu tư 11,5 tỉ USD. Sân bay Istanbul 4 đường băng cũng 12 tỉ USD trong khi sân bay Long Thành 2 đường băng vốn 16 tỉ USD. ACV nói gì về chuyện này?
Ông Lại Xuân Thanh - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - ACV, cho biết cho biết quy mô của Long Thành khi hoàn thành cả 3 giai đoạn bao gồm: 4 đường băng (tức 2 cặp băng, chứ không phải 2 đường băng), 4 nhà ga hành khách và các hạng mục phụ trợ đảm bảo khả năng phục vụ công suất thiết kế 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Chủ trương này đã được Quốc hội khoá 13 năm 2015 thông qua tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 và là cơ sở để Chính phủ triển khai nghiên cứu và thực hiện từ đó đến nay.
Cũng theo Nghị quyết số 94/2015/QH13, tổng mức đầu tư của sân bay Long Thành được Quốc hội quy định ở mức 16,03 tỉ USD, trong đó có 673,3 triệu USD chi phí bồi thường hỗ trợ và tái định cư khu vực 5.000 ha.
Sau đó, tại Nghị quyết 38/2017/QH14, Quốc hội đã chấp thuận tách phần việc bồi thường hỗ trợ và tái định cư khu vực 5.000ha thành một tiểu dự án thành phần riêng do UBND tỉnh Đồng Nai phụ trách.
Chính phủ đã phê duyệt giá trị tổng mức đầu tư cho tiểu dự án bồi thường hỗ trợ và tái định cư này là 978 triệu USD.
Như vậy, phần ứng với việc đầu tư xây dựng hạ tầng cảng hàng không quốc tế Long Thành là phần còn lại, khoảng 15 tỉ USD.
"Tham khảo kinh nghiệm quốc tế, suất đầu tư khoảng 15 tỉ USD/100 triệu hành khách cho Cảng hàng không Long Thành được Quốc hội và Chính phủ phê duyệt là tương đương với suất đầu tư của các cảng hàng không lớn trên thế giới" - ông Thanh cho biết.
Người đứng đầu ACV - đơn vị được giao làm chủ đầu tư lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Cảng hàng không Long Thành cho dẫn chứng cho lập luận trên rằng sân bay Đại Hưng giai đoạn 1 (vận hành khai thác từ tháng 9-2019) có tổng mức đầu tư khoảng 11,7 tỉ USD cho công suất 72 triệu hành khách/năm, tức khoảng 16,26 tỉ USD/100 triệu hành khách.
Còn sân bay Istanbul có tổng mức đầu tư khoảng 12 tỉ USD cho công suất 90 triệu hành khách/năm, tức khoảng 14,93 tỉ USD/100 triệu hành khách.
Theo ông Thanh, liên danh tư vấn JFV đã thiết kế giai đoạn 1 của Long Thành với quy mô 1 nhà ga hành khách, 1 đường băng và các hạng mục công trình phụ trợ đáp ứng công suất thiết kế phục vụ 25 triệu hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hoá.
Các giải pháp xây dựng và công nghệ của sân bay Long Thành đảm bảo tiêu chuẩn hiện đại của thế giới đang được áp dụng tại các nhà ga Changi T4, Incheon T2, New Istanbul, Charles de Gaulle.
Tổng mức đầu tư 4,779 tỉ USD của Long Thành giai đoạn 1 đã bao gồm dự phòng khối lượng và dự phòng trượt giá... theo quy định của pháp luật Việt Nam và đây là mức "tương đương với suất đầu tư của các cảng hàng không lớn trên thế giới".
Ông Thanh lấy dẫn chứng sân bay Frankfurt ( Đức) giai đoạn 3 (khởi côngtháng 4-2019) có tổng mức đầu tư khoảng 4,5 tỉ USD cho công suất 21 triệu hành khách/năm, tức khoảng 5,3 tỉ USD/25 triệu hành khách.
Hay sân bay Incheon (Hàn Quốc) giai đoạn 3 (vận hành khai thác từ tháng 1-2018) có tổng mức đầu tư khoảng 4,3 tỉ USD cho công suất 18 triệu hành khách/năm, tức khoảng 5,9 tỉ USD/25 triệu hành khách.
Tuy nhiên, ông Thanh cũng thừa nhận các so sánh trên "chỉ mang ý nghĩa tham khảo trong một giới hạn nhất định".
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận