Sửa Nghị định 09/2016: Xem xét tháo gỡ dứt điểm các bất cập
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giảm “gánh nặng” về chi phí, nhiều ý kiến cho rằng, việc sửa đổi Nghị định 09/2016/NĐ-CP cần phù hợp với thực tiễn trong nước và thông lệ quốc tế…
Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 09/2016/NĐ-CP ngày 28/01/2016 quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm đã và đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng doanh nghiệp.
Đáng nói, tại Dự thảo lần này, cơ quan soạn thảo vẫn đề xuất giữ nguyên quy định: “Muối dùng để ăn trực tiếp, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường I-ốt; Bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm”, trong khi những bất cập liên quan đã liên tục được kiến nghị sửa đổi nhiều năm trở lại đây.
Dự thảo sửa đổi Nghị định số 09/2016/NĐ-CP quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm vẫn đề xuất giữ quy định bất cập khiến doanh nghiệp quan ngại
Nhìn nhận về quy định đã nêu, ông Vũ Thế Thành - chuyên gia độc lập, thành viên Hội đồng tư vấn khoa học thuộc Sở An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh cho rằng, quy định này bắt nguồn từ mục đích Việt Nam muốn bổ sung kẽm, sắt để tăng chiều cao cho trẻ em, và các chất này chủ yếu nằm trong thịt, cá...
Theo ông Thành, khi còn nghèo đói, thực phẩm thịt cá còn hạn chế nhưng nay đã khác. Việt Nam có còn bị xem thiếu dinh dưỡng không? Do đó, nên khuyến khích phủ vi chất để bán ở những vùng có nhu cầu, chứ không nên áp dụng toàn phần vì sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp, mất quyền lựa chọn cho người tiêu dùng.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Phúc Khoa - Chủ tịch HĐQT Vissan cũng khẳng định, nhiều nghiên cứu cho thấy dù đưa muối I-ốt vào sản xuất nhưng sản phẩm không còn I-ốt nữa do ảnh hưởng của gia nhiệt hay công nghệ chế biến... hay với nước mắm, nếu cho muối I-ốt vào, nước mắm sẽ biến đổi màu sắc, mất đi hương vị truyền thống.
Chia sẻ về những tồn tại, bất cập xoay quanh quy định của Nghị định 09/2016/NĐ-CP, ông Phạm Trung Thành - Trưởng ban đối ngoại của Công ty cổ phần Acecook Việt Nam cũng cho hay, thực tế, việc thực hiện Nghị định 09/2016/NĐ-CP đã có tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh, thậm chí là ảnh hưởng đến chiến lược bán hàng của doanh nghiệp.
Dẫn thực tế sản xuất của doanh nghiệp, ông Thành cho biết, với quy định này, doanh nghiệp gặp khó khăn trong thủ tục xuất khẩu tới nhiều thị trường có cơ chế kiểm duyệt phức tạp đối với thực phẩm nhập khẩu có bổ sung vi chất sắt, kẽm, I-ốt như: Nhật Bản, Nauy, Đan Mạch, Philippines, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Đài Loan… do đó, khi xuất khẩu sang các thị trường này, công ty phải kê khai vi chất chi tiết trên bao bì hoặc bổ sung nội dung tem dán (Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Đài Loan…) khiến tốn thêm thời gian và chi phí.
“Tại Nhật Bản, I-ốt lại không thuộc danh sách những vi chất dinh dưỡng được phép sử dụng dựa theo Điều 12 trong Luật An toàn thực phẩm của Nhật Bản. Ngoài ra, sắt và kẽm cũng phải tuân theo các tiêu chuẩn rất nghiêm ngặt, đặc biệt kẽm không được phép bổ sung trong các thực phẩm khác ngoài các sản phẩm thay thế sữa mẹ và thực phẩm được dùng để duy trì sức khỏe theo đúng chỉ định cụ thể của Nhật Bản.
Vì vậy, sản phẩm của doanh nghiệp xuất đi Nhật Bản, chúng tôi buộc phải sử dụng nguyên liệu không bổ sung các vi chất dinh dưỡng trên và tổ chức sản xuất riêng biệt với sản phẩm nội địa và sản phẩm xuất khẩu. Điều này khiến hiệu suất sản xuất mì xuất khẩu Nhật Bản không cao, tăng thêm nhiều chi phí”, ông Thành chia sẻ.
Đồng thời cho rằng, chi phí trong việc tránh nhiễm chéo giữa các loại nguyên liệu có tăng cường vi chất dinh dưỡng (sử dụng cho sản xuất sản phẩm tiêu dùng nội địa) và không tăng cường vi chất dinh dưỡng (dùng cho sản xuất sản phẩm xuất khẩu) trong tất cả công đoạn bảo quản và sản xuất đã phát sinh thêm 13.5 tỷ đồng/năm.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, dù 80% hàng của các doanh nghiệp là xuất khẩu, nhưng cũng chịu nhiều tác động từ quy chuẩn này, buộc phải dùng muối bổ sung I-ốt, dẫn đến tốn kém vì doanh nghiệp nào cũng có hai mảng nội địa và xuất khẩu.
“Dự thảo mới có yếu tố khá tiến bộ là không áp dụng đối với thực phẩm xuất khẩu. Nhưng nếu các nhà sản xuất muốn chuyển hàng xuất khẩu để tiêu thụ nội địa phải làm một loạt vấn đề về thủ tục hành chính. Ngược lại, nhiều thị trường như Nhật Bản, Úc lại cấm sử dụng muối I-ốt trong thực phẩm”, ông Nam chia sẻ.
Theo ông Nam, việc áp dụng đại trà không có cơ sở khoa học, không theo quản lý rủi ro, gây nhiều khó khăn cho ngành chế biến thực phẩm, tác động không chỉ tới doanh nghiệp trong nước mà cả nhóm ngành hàng xuất khẩu. Năng lực cạnh tranh của hàng nội địa và hàng Việt Nam xuất khẩu bị ảnh hưởng, do phải tốn kém tăng cường I-ốt, sắt, kẽm...
Từ các bất cập, khó khăn đã nêu, nhiều ý kiến đề xuất, việc sửa đổi Dự thảo Nghị định 09/2016/NĐ-CP cần tháo gỡ dứt điểm các bất cập đã kéo dài quá lâu để doanh nghiệp ngành thực phẩm yên tâm sản xuất kinh doanh và phát triển. Trong đó, cần đưa ra các cơ sở khoa học và quản lý rủi ro phù hợp với thực tiễn trong nước và thông lệ quốc tế.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận