Sửa Luật Doanh nghiệp: Tỷ lệ sở hữu cổ phần phổ thông được điều chỉnh thế nào?
Thấp hơn mức hiện hành nhưng tỷ lệ sở hữu cổ phần phổ thông cũng đã được điều chỉnh cao hơn đề xuất ban đầu của cơ quan trình Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)
Thấp hơn mức hiện hành nhưng tỷ lệ sở hữu cổ phần phổ thông cũng đã được điều chỉnh cao hơn đề xuất ban đầu của cơ quan trình Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).
Được xem là nội dung quan trọng của quy định về khung quản trị doanh nghiệp nên thay đổi tỷ lệ sở hữu cổ phần phổ thông là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm khi Quốc hội cho ý kiến lần đầu về dự án luật từ kỳ họp cuối năm 2019.
Sửa đổi Luật doanh nghiệp lần này, Chính phủ đề nghị giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần phổ thông từ 10% xuống 3%. Một số đại biểu cho rằng, cần làm rõ cơ sở để xác định mức tỷ lệ này.
Có đại biểu cho rằng cần hạ tỷ lệ cổ phần từ 10% xuống 1% để đảm bảo quyền lợi của cổ đông có đóng góp lớn.
Một số vị thì đề nghị giữ nguyên quy định mức tỷ lệ sở hữu 10% cổ phần phổ thông. Nếu thay đổi, cần giải thích, làm rõ căn cứ giảm yêu cầu về tỷ lệ sở hữu của cổ đông từ 10% xuống 3% để thực hiện quyền để cử đại diện ứng cử vào thành viên Hội đồng quản trị.
Theo một số vị thì giảm tỷ lệ quyền nhóm cổ đông nhỏ lẻ từ 10% xuống 3% là nguy hiểm vì đang trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, cần xem xét lại để tránh trình trạng xung đột lợi ích.
Theo góp ý của một số đại biểu thì cần phân biệt quy mô doanh nghiệp khi áp dụng tỷ lệ 10% hay 3%, phân biệt giữa các ngành nghề, xác định ngành nghề nào áp dụng mức tỷ lệ sở hữu 3% thay vì tất cả ngành nghề đều áp dụng. Có ý kiến đề nghị nên điều chỉnh cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu vốn từ 3% đến 5% tùy theo mức độ vốn điều lệ.
Sau kỳ họp, quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo còn ý kiến khác nhau về một số vấn đề lớn, song quy định về quyền của cổ đông phổ thông đã cơ bản thống nhất được.
Trong một báo cáo mới phát hành giữa tháng Ba, phục vụ phiên họp thứ 43 của Quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc quy định cổ đông có tỷ lệ sở hữu cổ phần phổ thông thấp hơn được thực hiện các quyền là nhằm bảo vệ quyền của cổ đông thiểu số và nhóm cổ đông trong doanh nghiệp. Việc quy định theo hướng trên cũng sẽ góp phần quan trọng trong thu hút các nguồn lực đầu tư vào doanh nghiệp.
Tuy nhiên, để phù hợp và thống nhất với khái niệm cổ đông lớn quy định trong Luật Chứng khoán đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8, mức tỷ lệ sở hữu của cổ đông hoặc nhóm cổ đông để thực hiện một số quyền của cổ đông phổ thông nên quy định ở mức 5%. Quy định này, theo cơ quan thẩm tra, sẽ bảo đảm vừa hài hòa quyền, lợi ích hợp lý của các cổ đông thiểu số, nhóm cổ đông trong doanh nghiệp, vừa tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tránh sự thay đổi quá lớn, có thể gây khó khăn trong hoạt động quản trị, quản lý bí quyết công nghệ, kinh doanh của doanh nghiệp; phù hợp với thực trạng quản trị và bối cảnh của nước ta, cũng như tương thích với mức tỷ lệ phổ biến ở nhiều nước .
Do đó, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo luật đã điều chỉnh tỷ lệ sở hữu cổ phần phổ thông xuống 5%.
Sau khi Uỷ ban Thường vụ cho ý kiến, dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) sẽ tiếp tục được hoàn thiện, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9 (khai mạc cuối tháng 5/2020).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận