'Sửa luật để thúc đẩy TTCK tiếp tục phát triển bền vững'
Theo bà Vũ Thị Chân Phương, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, mục tiêu, yêu cầu của việc xây dựng dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) là nhằm hoàn thiện thể chế, ổn định môi trường pháp lý bảo đảm cho sự phát triển ổn định, bền vững, an toàn của TTCK, đáp ứng yêu cầu hội nhập, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với TTCK, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư; bảo đảm TTCK là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của nền kinh tế.
- Thưa bà, Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) đã được trình Quốc hội để cho ý kiến. Xin bà cho biết các nội dung trọng tâm của dự thảo Luật này?
Thứ nhất, về quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán (TTCK), dự thảo Luật đã tăng cường phân cấp, trao thêm một số thẩm quyền cho UBCKNN để củng cố, tăng cường tính độc lập, chủ động trong quản lý, điều hành thị trường của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), bảo đảm phù hợp với các nguyên tắc của Tổ chức quốc tế các Ủy ban Chứng khoán (IOSCO) như: bảo đảm thẩm quyền tiếp cận thông tin trong công tác thanh tra của UBCKNN; phân quyền cụ thể để UBCKNN chủ động thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn cho hoạt động của TTCK, xử lý các biến động bất thường hoặc sự cố trên thị trường; chủ động báo cáo, kiến nghị các biện pháp nhằm đảm bảo ổn định, an toàn của TTCK…
Thứ hai, về chào bán chứng khoán, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung, chuẩn hóa điều kiện chào bán chứng khoán cho phù hợp với thông lệ quốc tế nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa trên TTCK; bổ sung quy định nhằm gắn chào bán chứng khoán ra công chúng với niêm yết, đăng ký giao dịch chứng khoán tại Sở giao dịch chứng khoán (SGDCK).
Thứ ba, về công ty đại chúng, dự thảo Luật nâng tiêu chuẩn về vốn điều lệ đã góp của công ty đại chúng (CTĐC) từ 10 tỷ đồng lên 30 tỷ đồng để phù hợp với quy mô TTCK hiện tại, nâng cao chất lượng của các CTĐC, tương thích với điều kiện niêm yết hiện nay trên SGDCK để CTĐC phải gắn với việc niêm yết cổ phiếu trên TTCK. Quy định về quản trị công ty áp dụng đối với CTĐC cũng được sửa đổi, bổ sung phù hợp với các nguyên tắc quản trị công ty của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD)/G20.
Thứ tư, về thị trường giao dịch chứng khoán, mô hình tổ chức của SGDCK được sửa đổi cho phù hợp với Luật Doanh nghiệp, đồng thời cũng tính đến các yếu tố đặc thù trong thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể của SGDCK bảo đảm cho SGDCK thực hiện tốt chức năng tổ chức và giám sát hoạt động giao dịch chứng khoán. Dự thảo Luật quy định rõ trách nhiệm của SGDCK trong việc giám sát giao dịch, giám sát việc tuân thủ nghĩa vụ của các thành viên giao dịch; phòng ngừa, xử lý rủi ro, khủng hoảng.
Thứ năm, về đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán, quy định về mô hình tổ chức và hoạt động, bộ máy quản lý, điều hành của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam; bổ sung quy định Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm đối với chứng khoán sử dụng làm tài sản bảo đảm trong các giao dịch bảo đảm theo yêu cầu của khách hàng nhằm hỗ trợ tích cực cho việc nâng cao tính an toàn, minh bạch, chính xác trong các giao dịch bảo đảm đối với chứng khoán đã được đăng ký, lưu ký; hỗ trợ kịp thời và tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khi có nhu cầu.
Thứ sáu, về tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK Việt Nam, dự thảo luật quy định nguyên tắc nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN), tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài khi tham gia đầu tư, hoạt động trên TTCK Việt Nam tuân thủ quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, điều kiện, trình tự, thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật về chứng khoán và TTCK; đồng thời, giao Chính phủ hướng dẫn cụ thể về quy định này nhằm triển khai việc mở cửa thị trường cho NĐTNN được thực hiện từng bước theo lộ trình, bảo đảm dư địa cho các bộ, ngành trong đàm phán, thương lượng và ký kết các thỏa ước quốc tế.
Thứ bảy, về tổ chức kinh doanh chứng khoán, dự thảo Luật bổ sung quy định về việc công ty chứng khoán (CTCK), công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán (CTQLQ) phải đăng ký doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp sau khi được cấp Giấy phép hoạt động kinh doanh chứng khoán; sửa đổi, quy định rõ các dịch vụ được cung cấp khi CTCK được cấp phép các nghiệp vụ kinh doanh; bổ sung trách nhiệm của CTCK trong thực hiện giám sát giao dịch chứng khoán, xây dựng hệ thống, cơ sở dữ liệu dự phòng...
Thứ tám, về công bố thông tin (CBTT) trên TTCK, dự thảo Luật đã chuẩn hóa quy định CBTT trên TTCK Việt Nam, thông qua việc quy định rõ phương thức công bố thông tin, đối tượng, nội dung công bố thông tin và làm rõ trách nhiệm công bố thông tin của các cổ đông lớn/nhà đầu tư sở hữu trên 5% chứng chỉ quỹ đóng, nhóm người có liên quan và các chức danh nội bộ, người có liên quan của người nội bộ của công ty đại chúng/quỹ đại chúng, nhằm tăng cường tính minh bạch, góp phần tạo điều kiện nâng hạng TTCK Việt Nam từ mức thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.
Thứ chín, về thanh tra, xử lý vi phạm, dự thảo Luật đã bổ sung quyền cho UBCKNN trong việc yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, doanh nghiệp viễn thông cung cấp thông tin để xác minh, xử lý các hành vi bị cấm trên TTCK. Để có chế tài đủ mạnh, nâng cao tính răn đe, phòng ngừa, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên thị trường, dự thảo Luật quy định mức phạt tối đa đối với hành vi thao túng thị trường, giao dịch nội bộ là 10 lần khoản thu trái pháp luật đối với tổ chức và 05 lần khoản thu trái pháp luật đối với cá nhân; đối với các hành vi vi phạm khác quy định mức phạt tiền tối đa là 03 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân. Đồng thời, bổ sung quy định các các biện pháp xử lý như: tịch thu toàn bộ số lợi bất hợp pháp có được từ việc thực hiện hành vi vi phạm, cấm tham gia thị trường, cấm huy động vốn, cấm đảm nhận chức vụ…
- Mặc dù trong dự thảo Luật đã đề cập tới 08 nhóm chính sách, nhưng với góc nhìn của cơ quan “chấp bút” cho dự thảo Luật, theo bà đâu là những thay đổi mang tính “hồn túy” trong dự thảo lần này?
Mục tiêu, yêu cầu của việc xây dựng dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) là nhằm hoàn thiện thể chế, ổn định môi trường pháp lý bảo đảm cho sự phát triển ổn định, bền vững, an toàn của TTCK, đáp ứng yêu cầu hội nhập, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với TTCK, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư; bảo đảm TTCK là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của nền kinh tế.
Quá trình soạn thảo Luật, chúng tôi đã bám sát nội dung 08 nhóm chính sách đề nghị xây dựng Luật đã được Chính phủ thông qua nhằm hướng tới các mục tiêu sau đây:
Một là, tăng cung hàng hóa, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường.
Những sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Luật Chứng khoán đã mở rộng khái niệm chứng khoán, luật hóa quy định về chứng khoán phái sinh...; nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường thông qua việc chuẩn hóa điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng (tách bạch điều kiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng và điều kiện chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng; nâng điều kiện về vốn điều lệ đã góp, quy định chặt chẽ các điều kiện về kết quả hoạt động kinh doanh, quy mô, tần suất phát hành) nhằm đảm bảo lựa chọn các công ty có hoạt động kinh doanh tăng trưởng ổn định, năng lực tài chính tốt.
Hai là, mở rộng TTCK có tổ chức, thu hẹp thị trường tự do thông qua việc gắn công ty đại chúng, chào bán chứng khoán ra công chúng với niêm yết, đăng ký giao dịch trên SGDCK.
Dự thảo Luật được thông qua sẽ là bước tiến trong việc mở rộng TTCK có tổ chức, thu hẹp thị trường tự do thông qua quy định gắn CTĐC và việc chào bán chứng khoán ra công chúng với việc niêm yết, đăng ký giao dịch trên SGDCK. Theo quy định tại dự thảo Luật, tổ chức phát hành đã thực hiện chào bán chứng khoán ra công chúng phải hoàn tất việc đăng ký niêm yết hoặc đăng ký giao dịch chứng khoán tại SGDCK trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày kết thúc đợt chào bán. Việc đưa cổ phiếu vào đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch của SGDCK của CTĐC cũng là 30 ngày kể từ ngày UBCKNN xác nhận hoàn tất việc đăng ký CTĐC. Ngoài ra, để đảm bảo chất lượng hàng hóa trên thị trường niêm yết, bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, dự thảo Luật quy định sau 02 năm kể từ ngày giao dịch đầu tiên trên hệ thống giao dịch của SGDCK, CTĐC mới có quyền nộp hồ sơ đăng ký niêm yết khi đáp ứng các điều kiện niêm yết chứng khoán.
Ba là, tạo chính sách mở cửa thị trường, thu hút vốn đầu tư nước ngoài trên TTCK.
Luật Chứng khoán (sửa đổi) lần này có nhiều nhóm chính sách gián tiếp liên quan tới thu hút vốn ngoại được sửa đổi, bổ sung. Bên cạnh đó, nội dung quy định trực tiếp về sự tham gia của NĐTNN trên TTCK cũng được đưa vào dự thảo luật để tạo khung pháp lý cao hơn cho vấn đề này, phân định rõ phạm vi điều chỉnh giữa Luật Chứng khoán và Luật Đầu tư về các điều kiện đầu tư, kinh doanh chứng khoán, tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên TTCK Việt Nam; tạo sự minh bạch và thu hút đầu tư nước ngoài.
Bốn là, tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra để phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm trên TTCK.
Tại dự thảo Luật tiếp tục kiện toàn mô hình hai cấp giám sát, tăng cường giám sát của cơ quan quản lý đối với toàn thị trường; giám sát của SGDCK và Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam đối với các thành viên, tổ chức, cá nhân tham gia các thị trường giao dịch, hoạt động lưu ký; đồng thời luật hóa trách nhiệm giám sát công ty chứng khoán đối với giao dịch tại công ty chứng khoán; tiếp tục quy định về giám sát của ngân hàng giám sát đối với việc quản lý quỹ đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán. Lần đầu tiên quy định tại văn bản luật về giám sát an ninh, an toàn TTCK, trách nhiệm của UBCKNN, SGDCK, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán, tổ chức kinh doanh chứng khoán và các tổ chức phụ trợ phải thường xuyên thực hiện giám sát an ninh, an toàn TTCK; xây dựng, triển khai phương án ứng phó, khắc phục sự cố, sự kiện, biến động ảnh hưởng đến an toàn, ổn định và tính toàn vẹn của TTCK.
Năm là, tăng cường thẩm quyền cho UBCKNN để đáp ứng yêu cầu quản lý, giám sát toàn diện đối với hoạt động về chứng khoán và TTCK.
Dự thảo Luật đã cụ thể hóa các nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính; tăng cường phân cấp, bổ sung một số quyền hạn, trách nhiệm cho UBCKNN để thực thi chức năng quản lý, giám sát toàn diện hoạt động của TTCK.
- Bà kỳ vọng về sự phát triển của TTCK Việt Nam khi Luật Chứng khoán (sửa đổi) được thông qua và có hiệu lực?
Chúng tôi cho rằng Luật Chứng khoán (sửa đổi) được thông qua và có hiệu lực sẽ tạo lập khung khổ pháp lý đồng bộ, khả thi, hiệu quả, phù hợp, đáp ứng với yêu cầu thực tiễn quản lý nhà nước về chứng khoán và TTCK, qua đó, tạo động lực thúc đẩy TTCK tiếp tục phát triển một cách bền vững.
Cụ thể là, Luật sẽ giúp cải thiện chất lượng nguồn cung, thu hút vốn đầu tư của nhà đầu tư trong và ngoài nước trên TTCK, giúp nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động của các chủ thể tham gia thị trường, tăng cường tính công khai, minh bạch, bảo đảm thị trường hoạt động an toàn, hiệu quả.
Đồng thời, tạo cơ sở để nâng cao năng lực quản lý, giám sát và cưỡng chế thực thi, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, tăng niềm tin của thị trường. Qua đó, khuyến khích mạnh mẽ tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế và các tầng lớp nhân dân tham gia đầu tư và hoạt động trên TTCK, tạo ra kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả hơn cho nền kinh tế.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận