Sự “vắng vẻ” của HOSE
Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) từng sôi động với những buổi lễ đánh cồng chào sàn của doanh nghiệp, thế nhưng hai năm trở lại đây sự kiện này lại khá vắng vẻ. Trong năm 2022, 8 đơn vị được niêm yết cổ phiếu trên HOSE, trong đó có 3 chứng chỉ quỹ và quý 1 năm nay chỉ đón duy nhất một tân binh.
HOSE là sàn chứng khoán có tiêu chuẩn cao, minh bạch, quy tụ nhiều “tinh anh” cũng như thu hút đông đảo nhà đầu tư tham gia nhất thị trường chứng khoán Việt Nam. Giá trị giao dịch của sàn HOSE chiếm trên 80% tổng giá trị ba sàn.
Chính vì điểm này, nhiều doanh nghiệp muốn đưa cổ phiếu niêm yết tại HOSE để tăng độ nhận diện, tính minh bạch cũng như kêu gọi được nhà đầu tư tham gia, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài.
Theo đó, HOSE từng rất sôi động với các buổi lễ đánh cồng, có thời điểm hai doanh nghiệp cùng chào sàn trong một ngày. Tuy nhiên, cảnh tượng đó ngày càng hiếm hoi, trong cả quý 1 vừa qua, HOSE chỉ tổ chức lễ trao quyết định niêm yết cho duy nhất một đơn vị, đó là CTCP Vận tải Thái Bình Dương (HOSE: PVP). Cổ phiếu này được chuyển từ UPCoM lên niêm yết tại HOSE.
Mặt khác, trong quý đầu năm, Sở cũng chỉ công bố nhận được một bộ hồ sơ niêm yết, đó là của CTCP Tập đoàn Dược Bảo Châu. Đây không phải là lần đầu Dược Bảo Châu nộp hồ sơ lên HOSE. Vào đầu tháng 10/2022, HOSE công bố nhận được hồ sơ niêm yết của công ty với số lượng 21,5 triệu cổ phiếu, mã chứng khoán BCH. Đến tháng 12/2022, Sở thông báo dừng xem xét do hồ sơ chỉnh sửa bổ sung hoàn chỉnh và các tài liệu phát sinh của Công ty theo yêu cầu.
Trong khi đó, có hai doanh nghiệp rút hồ sơ niêm yết HOSE. Cụ thể, Tôn Đông Á thông báo rút hồ sơ niêm yết HOSE với lý do tình hình kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước dẫn đến kết quả kinh doanh năm 2022 toàn ngành thép nói chung và công ty nói riêng không khả quan. Công ty lỗ hơn 276 tỷ đồng năm vừa qua nên không đáp ứng đủ điều kiện niêm yết theo quy định.
Tôn Đông Á chuyên sản xuất sản phẩm tôn mạ, thị phần đứng thứ hai tại thị trường nội địa và là nhà xuất khẩu lớn thứ ba tại Việt Nam. Doanh nghiệp lên kế hoạch IPO và niêm yết HOSE từ cuối năm 2021, thời điểm thị trường thép bắt đầu đi xuống sau giai đoạn thăng hoa 2020 – 2021. Theo SSI Research, Ban lãnh đạo Tôn Đông Á dự kiến IPO cổ phiếu vào tháng 11/2021 và niêm yết HOSE trong tháng 01/2022. Tuy nhiên, bối cảnh ngành bất lợi đã khiến quá trình IPO phải đến tháng 03/2022 mới hoàn thành và đến cuối tháng 4, HOSE thông báo tiếp nhận hồ sơ niêm yết cổ phiếu của Tôn Đông Á.
Sau Tôn Đông Á, Chứng khoán Phú Hưng (UPCoM: PHS) cũng rút hồ sơ đăng ký niêm yết lần đầu với lý do tình hình thị trường chứng khoán chưa thuận lợi cho việc niêm yết cổ phiếu và lợi ích cổ đông. Ban lãnh đạo Công ty cho biết sẽ đánh giá lại việc niêm yết cổ phiếu khi điều kiện thị trường được cải thiện.
Cổ phiếu PHS đang được giao dịch trên thị trường UPCoM. Vào ngày 08/11/2022, HOSE công bố đã nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết 150 triệu cổ phiếu của doanh nghiệp.
Tình trạng “vắng vẻ” của HOSE đã kéo dài từ năm 2021 đến năm nay. Trong năm 2022, số lượng doanh nghiệp được HOSE chấp thuận niêm yết cổ phiếu chỉ có 5 đơn vị, còn lại là 3 chứng chỉ quỹ.
Theo chuyên gia trong ngành, ngoài yếu tố thị trường chứng khoán không thuận lợi thì quy định pháp lý thời gian qua có nhiều thay đổi theo hướng yêu cầu kỹ càng hơn trong việc xem xét hồ sơ niêm yết cổ phiếu của doanh nghiệp, đặc biệt là khâu thẩm định. Quy định mới bắt buộc doanh nghiệp phải có yếu tố cập nhật thông tin, bổ sung báo cáo soát xét và kiểm toán theo từng mốc công bố thông tin, điều này khiến doanh nghiệp không kịp thời bổ sung hồ sơ. Mặt khác, quy trình tăng vốn của doanh nghiệp trước lúc lên sàn cũng được “soi” kỹ càng, chỉ một yếu tố không rõ ràng cũng bắt buộc phải bổ sung thông tin.
Điều này cũng dễ hiểu khi năm qua chứng kiến hàng loạt cổ phiếu liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết có sai phạm, bị hủy niêm yết bắt buộc hoặc tạm dừng giao dịch tại HOSE và HNX. Đây là nhóm cổ phiếu làm mưa làm gió trên thị trường, thậm chí ROS từng nằm trong nhóm VN30 – nhóm cổ phiếu hạt nhân của thị trường chứng khoán.
Đầu năm 2022, ông Trịnh Văn Quyết – người đứng đầu hệ sinh thái bị khởi tố với tội danh thao túng thị trường chứng khoán. Theo UBCKNN, FLC Faros (ROS) đã được ông Trịnh Văn Quyết tăng vốn ảo trước khi đưa cổ phiếu lên HOSE. Cụ thể, từ 2014-2016, ông Quyết đã làm thủ tục tăng vốn điều lệ khống từ 1.5 tỷ đồng lên 4,300 tỷ đồng cho FLC Faros. Sau khi công ty này niêm yết, ông Quyết đã bán ra thị trường và thu về số tiền lừa đảo lên đến 6,400 tỷ đồng.
Ngoài ra, các doanh nghiệp trong hệ sinh thái như FLC, ROS, HAI, AMD, BOS, GAB, KLF đều vướng mắc về số liệu tài chính, cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc hay tạm ngừng giao dịch do chưa công bố BCTC kiểm toán 2021, BCTC soát xét bán niên 2022…. Ngay cả đơn vị kiểm toán cho Tập đoàn FLC (FLC) là Công ty TNHH Kiểm toán – Tư vấn Đất Việt cũng bị UBCKNN đình chỉ tư cách kiểm toán cho công ty niêm yết.
Sự thay đổi trong quy trình kiểm duyệt hồ sơ của HOSE là cần thiết để đảm bảo tính minh bạch, lành mạnh cho thị trường chứng khoán. Doanh nghiệp cần thời gian để thích ứng với những thay đổi và kỳ vọng trong tương lai HOSE sẽ “sôi động” trở lại, thị trường có nhiều mặt hàng chất lượng cho nhà đầu tư lựa chọn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận