Sự thật đằng sau số liệu kinh tế lạc quan của Trung Quốc
Theo giáo sư Michael Pettis của Đại học Bắc Kinh, sự hồi phục của kinh tế Trung Quốc sau dịch COVID-19 ẩn giấu đằng sau một vấn đề rất lớn chỉ có nước này mới hiểu rõ.
Ngày 15-9, Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc công bố dữ liệu kinh tế tháng 8, theo đó chỉ số bán lẻ (phản ánh nhu cầu tiêu dùng) giảm 8,6% trong 8 tháng đầu năm 2020, nhưng so với năm ngoái vẫn tăng được 0,5%.
Dữ liệu còn cho thấy sản xuất công nghiệp tăng 5,6%, đầu tư tài sản cố định tăng 4,16%, và thặng dư thương mại tăng 19,3% trong tháng 8.
Những con số đó khiến hầu hết nhà phân tích tin rằng sự hồi phục của Trung Quốc sau dịch COVID-19 là chắc ăn và bền vững.
Nhưng đó không phải là ý nghĩa thật sự của dữ liệu. Ngược lại, nó cho thấy sự hồi phục của Trung Quốc đến giờ phút này rất mong manh và mất cân đối.
Trong biểu đồ bên dưới, có thể thấy trước năm 2020, chỉ số bán lẻ tăng trưởng nhanh hơn sản xuất công nghiệp một chút, phản ánh rằng nền kinh tế đang tự cân đối lại với tốc độ chậm - điều mà Trung Quốc hết sức cần.
Nhưng năm 2020 mối quan hệ đó đã đảo ngược, sản xuất công nghiệp giờ lại tăng nhanh hơn bán lẻ nhiều, có nguy cơ xoá hết mọi thành quả tái cân đối của Trung Quốc trong 2-3 năm qua.
Trong 7 tháng đầu năm nay, sản xuất công nghiệp của Trung Quốc thấp hơn giai đoạn cùng kỳ 2019, nhưng khoảng cách bắt đầu thu hẹp từ tháng 6. Mức tăng vọt trong tháng 8 đồng nghĩa lần đầu tiên trong năm 2020, tổng sản lượng đã vượt quá năm ngoái.
Nếu như đây là thập niên 1980-1990, khi sản xuất là lĩnh vực giới hạn tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, thì dữ liệu trên có thể là dấu hiệu hồi phục rõ ràng, nhưng bây giờ mọi thứ đã khác và hầu hết các nhà phân tích bị lầm lẫn.
Trong hơn một thập niên qua, chính Bắc Kinh đã công khai thừa nhận yếu tố giới hạn thực sự (của tăng trưởng) là nhu cầu, nhất là nhu cầu tiêu dùng trong nước, bên cạnh đầu tư trong lĩnh vực tư nhân thúc đẩy bởi nhu cầu đó.
Từ đầu thế kỷ 21 đến nay, sản xuất của Trung Quốc đã vượt quá cấp độ quản lý bền vững, đẩy nền kinh tế phải vận hành với mức thặng dư thương mại khổng lồ, cộng với quy mô đầu tư hạ tầng công cao ngất ngưỡng nhằm giảm bớt sự thừa mứa (trong sản xuất).
Dữ liệu kinh tế trong mấy tháng qua nói cho chúng ta biết, không chỉ nhu cầu trong nước của Trung Quốc chẳng hồi phục mấy, chút hồi phục ít ỏi đó còn được thúc đẩy bởi chủ trương tăng cường khu vực sản xuất của Bắc Kinh.
Bằng cách tăng đầu tư công trong hậu cần và hạ tầng, bảo lãnh mở rộng tín dụng cho doanh nghiệp, hoặc trợ cấp cho sản xuất, Bắc Kinh kích thích khu vực sản xuất để tạo công ăn việc làm, từ đó gián tiếp thúc đẩy tiêu dùng.
Vấn đề của chiến lược này là nó nới rộng khoảng cách giữa nhu cầu bền vững và tổng nguồn cung công nghiệp, theo biểu đồ cho thấy.
Nói cho đúng, phục hồi kinh tế ở Trung Quốc (và thế giới nói chung) đòi hỏi sự phục hồi trong nhu cầu tiêu dùng song song với phục hồi trong cung ứng. Nhưng điều đó không xảy ra ngay hiện tại.
Chỉ có 2 cách giải quyết, hoặc là thặng dư thương mại của Trung Quốc phải tăng nhanh - làm suy yếu hồi phục kinh tế của các nước khác, hoặc đầu tư công của Trung Quốc phải tăng nhanh hơn - làm tăng nợ công của nước này, mà thực ra cách này cũng không còn mấy hiệu quả.
Đó chính xác là những gì chúng ta chứng kiến trong dữ liệu. Đầu tư tài sản cố định tăng, dẫn dắt bởi mức đầu tư công còn nhanh hơn, trong khi thặng dư thương mại của Trung Quốc tăng vọt - hiện đã đạt khoảng 4-5% GDP.
Nói cách khác, "sự phục hồi" của Trung Quốc thực chất chỉ là những căn bệnh cũ - vốn chính họ cũng thừa nhận - thêm trầm trọng. Nó sẽ không bền vững nếu nền kinh tế không chuyển đổi kịp thời, mọi thứ sẽ bộc lộ hết một khi nợ công Trung Quốc không còn tăng đủ nhanh để khoả lấp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận