Sự lựa chọn khó khăn của Đức: Huawei hay không Huawei?
Nếu Đức gạt bỏ Huawei ra khỏi cuộc đấu thầu xây dựng mạng di động không dây 5G, có nguy cơ Trung Quốc sẽ trả đũa nhằm vào ngành công nghiệp xe hơi khổng lồ của Đức, vốn đang phụ thuộc lớn vào thị trường đông dân nhất thế giới. Nhưng nếu cho phép Huawei tham gia triển khai mạng 5G, Đức đối mặt với sự ghẻ lạnh của đồng minh Mỹ, nước đang lo ngại rủi ro gián điệp từ việc sử dụng thiết bị và công nghệ viễn thông của Huawei.
Cuộc tranh luận đau đầu về Huawei
Chính trường Đức đang rơi vào một cuộc tranh luận đau đầu về việc liệu có cho phép Huawei tham gia hỗ trợ xây djựng mạng lưới di động 5G ở Đức hay không.
Bất kể quyết định nào của Đức cũng sẽ gây ra tác động lớn khắp châu Âu. Quyết định đó sẽ gửi một tín hiệu chính trị mạnh mẽ cho thấy châu Âu sẽ đoàn kết hay rạn nứt trong kỷ nguyên đối đầu số hóa giữa Washington và Bắc Kinh.
Đức, giống như nhiều nước khác ở châu Âu, đang chịu sức ép lớn từ Mỹ muốn họ phải tẩy chay Huawei khi cường quốc số một thế giới lo sơ việc sử dụng thiết bị của 5G của Huawei, tập đoàn viễn thông hùng mạnh của Trung Quốc, sẽ cho phép chính phủ Trung Quốc tiến hành nghe lén hoặc kiểm soát mạng lưới thông tin liên lạc giữa châu Âu và Mỹ.
Nhưng đối với Đức, việc đưa ra một quyết định lực chọn hay tẩy chay Huawei đều nan giải.
Quan hệ giữa Berlin và Washington đang căng thẳng khi Tổng thống Donald Trump liên tục dọa đánh thuế nhằm vào các hãng xe Đức. Sự gia tăng nghi kỵ của Đức và nhiều nước châu Âu đối với Mỹ có thể định hình lại, nếu không muốn nói là làm rạn nứt, mối quan hệ đồng minh xuyên Đại Tây Dương vốn từng rất bền chặt.
Trong khi đó, Trung Quốc đang trở thành một đối thủ chiến lược mới và là một đối tác kinh tế ngày càng quan trọng ở châu Âu. Với dân số đông dân nhất thế giới, Trung Quốc là nguồn tăng trưởng lớn nhất đối với các hãng xe lớn của Đức và đóng vai trò then chốt cho sự thống trị của họ trên thị trường xe siêu sang. Đó là một thứ sức mạnh mà Trung Quốc không ngại ngùng khai thác.
“Nếu Đức đưa ra một quyết định khiến Huawei bị gạt ra khỏi thị trường Đức, các hậu quả sẽ xảy ra. Chính phủ Trung Quốc sẽ không ngồi yên”, ông Ngô Khẩn, Đại sứ Trung Quốc tại Đức, cảnh báo hồi tháng trước.
Konstantin von Notz, thành viên của Ủy ban các vấn đề số hóa của quốc hội Đức, diễn giải câu nói đó như sau: “Trung Quốc đã nói thẳng rằng họ sẽ trả đũa nhằm vào lĩnh vực gây tổn thương lớn nhất cho nước Đức: ngành công nghiệp xe hơi”.
Trong nhiều tháng qua, các nghị sĩ Đức đã cố né đề cập đến vấn đề liệu có nên loại bỏ Huawei ra khỏi quy trình đấu thầu lắp đặt mạng 5G hay không. Tuy nhiên, vấn đề này sẽ được tranh luận trở lại tại quốc hội Đức trong vài tuần tới. Thủ tướng Đức Angela Merkel đang cảm thấy khó xử giữa một bên là các hãng xe Đức và một bên là cộng đồng tình báo Đức.
Bà Merkel, lãnh đạo của đảng cầm quyền Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU), vốn theo đuổi chính sách ủng hộ doanh nghiệp, không tán đồng việc cấm Huawei.
Nhưng một cuộc nổi loạn đang nhen nhóm trong cộng đồng tình báo và chính sách đối ngoại của Đức, thậm chí ở một số nghị sĩ của đảng CDU khi họ đang có kế hoạch đệ trình ra quốc hội Đức các tiêu chí an ninh gắt gao hơn trong quy trình đấu thầu mạng 5G, có thể “cấm cửa” Huawei.
Họ cho rằng quy trình cấp giấy phép xây dựng 5G hiện nay chỉ đơn giản yêu cầu các công ty viễn thông ký một bản cảm kết không tiến hành các hoạt động gián điệp. Yêu cầu như vậy rõ ràng không ổn vì chỉ dựa vào niềm tin.
Tại hội nghị hàng năm của đảng CDU hồi tháng 11 năm ngoái, Huawei đã bị hủy lời mời với tư cách là doanh nghiệp tài trợ. Hội nghị này đã thông qua một dự thảo quyết nghị yêu cầu chỉ những công ty viễn thông đáp các yêu cầu an ninh rõ ràng mới được phép tham gia đấu thầu triển khai mạng 5G ở Đức. Ngoài ra, dự thảo này cũng nhấn mạnh một tiêu chí quan trọng khác: các công ty viễn thông tham gia đấu thầu mạng 5G ở Đức không bị sự can thiệp của nhà nước. Dự thảo không nhắc đến Huawei hay Trung Quốc nhưng ẩn ý đã quá rõ.
“Theo luật Trung Quốc, các công ty ở nước này có nghĩa vụ hợp tác với Cục Tình báo Trung Quốc”, Norbert Röttgen, một nghị sĩ của đảng CDU, đồng tác giả của dự thảo trên, nói.
Ngoài nỗi lo bị gián điệp và phá hoại, các nghị sĩ Đức cũng cảnh báo nếu Đức cho phép Huawei đấu thầu triển khai mạng 5G, điều này không chỉ chọc giận Washington mà còn có nguy cơ gây tổn hại cho sự đoàn kết của châu Âu.
“Hy vọng duy nhất của chúng tôi là gắn kết các nước châu Âu với nhau”, Röttgen nói khi giải thích lập trường của ông ủng hộ trao hợp đồng 5G cho các công ty viễn thông châu Âu như Nokia hay Ericsson.
Giới phân tích cho rằng Nokia và Erricson, vốn đã giành các hợp đồng 5G ở Đan Mạch và nhiều nơi khác, có đủ năng lực để xây dựng mạng lưới 5G ở Đức. Tuy nhiên, nếu chọn họ, Đức sẽ mất nhiều thời gian và chi phí hơn để lắp đặt mạng 5G, nhất là khi các thiết bị Huawei chiếm một phần lớn trong các mạng lưới viễn thông của Đức hiện nay. Chuyển sang sử dụng thiết bị của các hãng viễn thông khác sẽ tốn kém hơn và phức tạp hơn.
Tuy vậy, Röttgen cho rằng với quy mô lớn của gói thầu 5G ở Đức, nếu trao nó cho Huawei, châu Âu có nguy cơ tụt hậu về công nghệ vĩnh viễn.
“Nếu bạn để cho Huawei xây dựng phần lớn mạng lưới 5G thì sau một thời gian, bạn sẽ không hiểu hệ thống 5G của bạn. Điều này sẽ là tổn thất lớn nhất đối với sự kiểm soát và chủ quyền”, Röttgen cảnh báo
Ngành công nghiệp xe hơi Đức lo bị trả đũa
Tuy nhiên, ngành công nghiệp xe hơi Trung Quốc và một số nhà chính trị ở Đức phản đối việc tẩy chay Huawei.
“Nếu chúng ta cấm cửa Huawei, ngành công nghiệp xe hơi Đức sẽ bị hất ra khỏi thị trường Trung Quốc, trong khi đó, tổng thống Mỹ cũng đang đe dọa trừng phạt các hãng xe Đức”, Sigmar Gabriel, cựu Phó thủ tướng Đức, nói.
Các hãng xe Đức như Volkswagen, Daimler và BMW tiếp tục đạt doanh số kỷ lục tại Trung Quốc và giành thị phần từ các đối thủ như hãng xe Ford (Mỹ) dù cho thị trường ô tô lớn nhất thế giới đang suy thoái.
“Năm ngoái, trong 28 triệu xe bán ở Trung Quốc, có 7 triệu xe mang thương hiệu của các hãng xe Đức. Liệu chúng tôi có thể tuyên bố xe hơi Đức không an toàn vì chúng tôi cũng đang tự sản xuất xe? Chúng tôi sẽ không làm như vậy vì đó sẽ là chủ nghĩa bảo hộ”, ông Ngô Khẩn, Đại sứ Trung Quốc tại Đức, nói tại một sự kiện ở Đức hồi tháng 12 năm ngoái.
Đối với các nhà chính trị Đức, phát biểu của ông Ngô Khẩn ẩn chứa sự đe dọa trả đũa.
Khi các hãng xe Đức ngày càng phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc, họ cũng dễ phục tùng hơn trước chính phủ Trung Quốc.
Các sở thích tiêu dùng của người Trung Quốc và chính sách của chính phủ Trung Quốc sẽ quyết định mẫu mã xe mà hãng xe Đức lắp ráp và loại công nghệ mà họ phát triển.
Ngoài ra, các hãng Đức đang xây dựng mối quan hệ hợp tác sâu rộng với các công ty Trung Quốc, đặc biệt là Huawei.
Thương hiệu xe sang Audi của hãng xe Volkswagen đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với Huawei về phát triển công nghệ tự lái trong chuyến viếng thăm Berlin của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hồi năm ngoái. Hãng xe Daimler cũng đang sử dụng công nghệ điện toán hiệu năng cao của Huawei. Năm 2018, tỉ phú Li Shufu, Chủ tịch hãng xe Geely (Trung Quốc) mua 9,9% cổ phần của Daimler.
Trong khi đó, BMW và các hãng xe khác của Đức đang hợp tác với Huawei ở mảng nghiên cứu và phát triển.
Không có hãng xe nào có mối quan hệ bện chặt với Trung Quốc hơn Volkswagen. Hãng xe này hoạt động ở Trung Quốc vào đầu thập niên 1980, thời điểm mà chính phủ Trung Quốc lần đầu tiên mở cửa với phương Tây.
Hiện nay, gần 50% doanh số của Volkswagen đến từ Trung Quốc. Volkswagen đang nắm giữ đến 14% thị phần xe hơi ở thị trường đông dân nhất thế giới.
“Nếu chúng tôi phải rút khỏi Trung Quốc, một ngày sau đó, 10.000 hoặc 20.000 kỹ sư của chúng tôi ở Đức sẽ mất việc”, Herbert Diess, Giám đốc điều hành Volkswagen, nói hồi tháng 12 năm ngoái.
Ông Markus Söder, Thủ hiến bang Bavaria, nơi Huawei và các hãng xe BMV và Audi đang đặt văn phòng trụ sở của họ ở Đức, công khai bảo vệ quyền tham gia đấu thầu mạng 5G. Ông nói: “Nếu loại bỏ Huawei chỉ vì một đối tác khác trên thế giới không thích công ty này, điều này có chút vấn đề”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận