Startup ở Silicon tìm cách bán mình khi cạn vốn
Làn sóng hợp nhất được cho là sẽ “quét” qua lĩnh vực công nghệ khi các công ty thiếu tiền mặt đang tìm cách bán mình nếu không muốn bị phá sản.
Những startup công nghệ thiếu tiền mặt đang tìm cách bán mình cho các công ty lớn hơn để tồn tại trong cuộc khủng hoảng tín dụng hiện nay. Một loạt thương vụ mua lại các công ty trí tuệ nhân tạo vừa qua đã thu hút người mua quay lại Thung lũng Silicon.
Gần đây, tập đoàn phần mềm Databricks đã mua lại startup về trí tuệ nhân tạo (AI) MosaicML với giá 1.3 tỷ USD. Thomson Reuters trả 650 triệu USD để mua lại công ty cung cấp dịch AI Casetext. Robinhood mua lại startup thẻ tín dụng X1 với giá 95 triệu USD. Công ty tài chính tự động Ramp mua lại Cohere.io, một startup đã xây dựng thành công công cụ AI hỗ trợ khách hàng.
Đây là tín hiệu tích cực cho những công ty được hậu thuẫn bởi dòng tiền mạo hiểm sau 18 tháng lĩnh vực công nghệ rơi vào thời kỳ suy thoái, khiến định giá sụt giảm và sa thải hàng loạt.
Nhưng đây cũng là một tín hiệu cho thấy những startup từng phát triển nhanh chóng trong thời kỳ công nghệ bùng nổ vào đại dịch COVID-19 đang phải tìm cách bán mình cho các công ty lớn hơn hoặc chịu áp lực để hợp nhất với đối thủ. Nhiều startup phải đối mặt với tình trạng cạn kiệt tiền mặt khi các nhà đầu tư mạo hiểm từng ủng hộ họ nay quyết định rút lui và thị trường không thuận lợi cho việc IPO.
Ryan Nolan, đồng giám đốc toàn cầu của mảng ngân hàng đầu tư phần mềm tại Goldman Sachs, cho biết: “Đang tồn tại một làn sóng hợp nhất trong lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là mảng phần mềm”. Ông cho biết trong số khoảng 1,000 “kỳ lân”, những startup công nghệ được định giá hơn 1 tỷ USD, nhiều công ty đang bị mắc kẹt về thanh khoản và chưa tìm ra được đường đi rõ ràng.
Josh Wolfe, đồng sáng lập quỹ đầu tư mạo hiểm Lux Capital, cho biết nhiều startup lớn trong danh mục đầu tư của ông đang mua lại các đối thủ nhỏ hơn để thúc đẩy tăng trưởng. Ông cho biết công ty công nghệ quốc phòng trị giá 8.5 tỷ USD, Anduril, và công ty công nghệ sinh học trị giá 3.6 tỷ USD, Eikon Therapeutics, đang tích cực mua lại các doanh nghiệp, tài sản và nhân tài, một nỗ lực nhằm củng cố thị phần của họ.
“Tôi nghĩ làn sóng đó chỉ mới bắt đầu,” ông Wolfe nói thêm.
Các công ty đại chúng lớn đều đang lên kế hoạch mua lại. Tháng 6, Salesforce đã tăng gấp đôi ngân sách để đầu tư vào các startup AI lên 500 triệu USD.
Arjun Kapur, giám đốc điều hành tại Forecast Labs, một đơn vị thuộc nhánh đầu tư mạo hiểm của Comcast, cho biết các tập đoàn công nghệ lớn đang tích cực tiếp cận các startup, bao gồm cả những công ty trong danh mục đầu tư của ông.
Dự kiến sẽ có nhiều thương vụ sáp nhập trong thời gian tới, đặc biệt nếu các cơ quan quản lý ở Mỹ và châu Âu thúc đẩy bộ 3 thỏa thuận công nghệ lớn đang bị đình trệ do lo ngại độc quyền: Thương vụ Microsoft mua lại Activision Blizzard trị giá 75 tỷ USD; Broadcom mua lại mua lại VMware trị giá 61 tỷ USD; và Adobe mua lại Figma trị giá 20 tỷ USD.
Và nếu thành công, đợt IPO dự kiến vào tháng 9 của công ty chip Arm do SoftBank hậu thuẫn cũng sẽ là “đèn xanh” đối với các startup công nghệ lớn hơn trong việc thực hiện IPO.
Về phía giới đầu tư mạo hiểm, họ đã cắt giảm chi tiêu trong 12 tháng qua. Họ mới chỉ đầu tư 80 tỷ USD vào các startup tính đến thời điểm hiện tại của năm 2023, mà phần lớn là vào lĩnh vực AI. Năm ngoái, đầu tư mạo hiểm rót tổng cộng 246 tỷ USD, giảm từ mức 347 tỷ USD vào năm 2021, theo PitchBook.
Các nhà sáng lập và nhà đầu tư lo ngại cuộc khủng hoảng thiếu vốn hiện nay cuối cùng có thể gây ra hậu quả tàn khốc như vụ vỡ bong bóng dotcom vào đầu những năm 2000.
Đó là lý do khiến những công ty có nguồn dự trữ tiền mặt cạn kiệt phải lựa chọn giữa việc bán mình hoặc phá sản.
“Nó giống như một cơn mưa rào lạnh giá đối với người sáng lập của các startup. Thị trường đại chúng đã chạm đáy, trong khi thị trường tư nhân vẫn còn một chặng đường dài phía trước”, Masha Bucher, người sáng lập quỹ đầu tư mạo hiểm giai đoạn đầu Day One Ventures, cho biết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận