menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hoàng Hảo

Startup kết nối ngư dân với khách mua sỉ trong và ngoài nước

Aruna, công ty khởi nghiệp (startup) ở Indonesia đang cung cấp nền tảng đấu giá và mua bán hải sản trực tuyến cho cộng đồng ngư dân Indonesia và khách hàng mua sỉ trong và ngoài nước, vừa huy động thành công 5,5 triệu đô la Mỹ.

Doanh thu tăng vọt gấp 86 lần

Hôm 12-8, Aruna thông báo huy động thành công 5,5 triệu đô la từ các nhà đầu tư hiện tại gồm AC Ventures, East Ventures và SMDV. Aruna cho biết sẽ sử dụng nguồn vốn mới để mở rộng sự tiếp cận với cộng động ngư dân ở Indonesia, giúp cải thiện năng suất của ngư dân bằng cách giáo dục và đào tạo họ về chất lượng và tiêu chuẩn của sản phẩm. Nền tảng thương mại điện tử ngư nghiệp này đang hợp tác với hàng ngàn ngư dân ở 31 khu vực duyên hải trên khắp Indonesia.

Ngoài ra, Aruna cũng dựa vào vốn mới để mở rộng thị trường từ doanh nghiệp đến doanh nghiệp (B2B) ở trong nước cũng như thị trường xuất khẩu sang Đông Á, Đông Nam Á, Trung Đông và Bắc Mỹ.

“Thương mại điện tử tạo ra sự công bằng và minh bạch cũng như một chuỗi cung ứng hiệu quả hơn trong ngành nghư nghiệp. Bằng cách mở rộng sự tiếp cận với cộng đồng ngư dân ở các khu vực duyên hải khắp cả nước, Aruna đang hỗ trợ sự công bằng kinh tế ở Indonesia”, Farid Naufal Aslam, người đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Aruna, nói trong một tuyên bố hôm 12-8.

Farid tiết lộ doanh thu của công ty anh trong nửa đầu năm 2020 tăng trưởng gấp 86 lần so với cùng kỳ năm ngoái nhờ nhu cầu mạnh mẽ trên toàn câu về hải sản tươi sống bất chấp đại dịch Covid-19.

Willson Cuaca, người đồng sáng lập Quỹ đầu tư East Ventures, nói: “Aruna là một công ty được hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu và chúng tôi hào hứng đầu tư thêm vào công ty này”.

Trong quí 2-2020 vừa qua, Aruna đã tung dịch vụ giao hải sản tận nhà có tên gọi Seafood by Aruna để tận dụng nhu cầu giao thực phẩm tăng lên trong mùa dịch bệnh Covid-19 ở một số thành phố lớn của Indonesia.

Đồng thời, Aruna cũng thành lập gian hàng bán hải sản trực tuyến chính thức trên các nền tảng của các công ty thương mại điện tử như Tokopedia, Shopee, Bukalapak, GrabMart...

Startup kết nối ngư dân với khách mua sỉ trong và ngoài nước
Nền tảng đấu giá cá và thương mại điện tử của Aruna giúp ngư dân Indonesia kết nối trực tiếp với khách mua sĩ trong và ngoài nước. Ảnh: Kaltim Post

Cải thiện thu nhập của ngư dân

Được thành lập vào năm 2016 bởi Farid Naufal Aslam và hai người bạn đại học của anh, Indraka Fadhillah và Utari Octavianty, Aruna có hai dịch vụ giúp nâng cao thu nhập của ngư dân: nền tảng đấu giá cá số hóa eTPI và nền tảng thương mại trực tuyến B2B đối với hải sản có tên gọi, PasarLaut. Hai nền tảng này được tích hợp trong một ứng dụng di động.

Nền tảng eTPI có các tính năng hỗ trợ giao dịch tương tự như các trung tâm đấu giá cá trực tiếp, trong khi đó, nền tảng PasarLaut sẽ sử dụng dữ liệu đấu giá từ eTPI để giúp bảo đảm mức định giá công bằng cho các mặt hàng hải sản.

Khi một đơn hàng được chốt, một đối tác giao hàng sẽ gom hàng và gửi đến nhà kho của khách mua. Hầu hết, các đơn hàng được vận chuyển bằng đường hàng không.

Aruna cũng sử dụng các điều phối viên am hiểu công nghệ ở các địa phương để giúp ngư dân đăng hình ảnh và thông tin các mẻ hải sản vừa đánh bắt được lên ứng dụng của Aruna.

Startup này cũng tạo việc làm cho phụ nữ ở các vùng ven biển bằng cách tuyển dụng họ sơ chế hải sản.
Doanh thu của Aruna dựa vào mức phí giao dịch 10% (thu từ người bán) cho một giao dịch thành công, trong khi đó, khối lượng mua tối thiểu của khách hàng phải là 100 kg cá trở lên.

Aruna được thành lập để giải quyết các vấn đề mà ngư dân Indonesia đang đối mặt. Indonesia, quần đảo lớn nhất thế giới, có tiềm năng ngư nghiệp rất lớn. Ngành ngư nghiệp có tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm 8,91%, cao nhất trong tất cả các ngành ở Indonesia. Ngành ngư nghiệp đóng góp 26,9 tỉ đô la (2,6%) trong GDP Indonesia nhưng mức thu nhập của ngư dân thuộc hàng thấp nhất trong cả nước.

Thu nhập trung bình của mỗi lao động trong ngành ngư nghiệp Indonesia chỉ khoảng 1-2 triệu rupiah (khoảng 1,6-3,2 triệu đồng)/tháng, khiến số ngư dân trong ngành ngư nghiệp sụt giảm mạnh trong thập kỷ qua.
Các con buôn thường dùng các chiêu ép giá, buộc họ phải bán hải sản với giá thấp hơn nhiều so với giá thực tế trên thị trường.

Vì vậy, Farid Naufal Aslam và hai người bạn của họ thành lập Aruna để tạo ra một hệ sinh thái thương mại công bằng và bền vững đối với các mặt hàng hải sản bằng cách tận dụng sức mạnh của công nghệ.

Farid Naufal Aslam cho biết những ngư dân tham gia bán cá và hải sản qua nền tảng Aruna đang có mức thu nhập trung bình 6-7 triệu rupiah/tháng (9,4-11 triệu đồng)/tháng nhờ bán cá và hải sản với giá cao hơn. Thậm chí, một số ngư dân có thu nhập lên đến 15 triệu rupiah (23,5 triệu đồng)/tháng.

Pandu Sjahrir, đối tác sáng lập của Quỹ đầu tư AC Ventures, nói: “Aruna tập trung giải quyết một trong những vấn đề lớn nhất trong ngành ngư nghiệp. Công ty này giúp tăng thu nhập cho ngư dân và các doanh nghiệp vừa và nhỏ khác trong ngành ngư nghiệp đồng thời cải thiện tính minh bạch trong nền kinh tế”.

Theo e27, Jakarta Post, Mime.asia

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại