Standard Chartered cam kết rót 8,5 tỉ đô la cho 3 doanh nghiệp Việt
Ngân hàng Standard Chartered đưa ra cam kết đầu tư 8,5 tỉ đô la Mỹ nhằm hỗ trợ các dự án phát triển bền vững cho Tập đoàn T&T, Tập đoàn Geleximco và Công ty Đầu tư và Quản lý Giáo dục Văn Lang.
Ngày 1-11, tại hội nghị “Đối thoại tại COP26 với Thủ tướng Chính phủ Việt Nam: Kiến tạo tương lại thịnh vượng và bền vững thông qua đầu tư tư nhân” diễn ra tại Glasgow (Anh), Ngân hàng Standard Chartered đưa ra cam kết đầu tư 8,5 tỉ đô la Mỹ nhằm hỗ trợ các dự án phát triển bền vững cho 3 doanh nghiệp Việt Nam.
Đây là sự kiện bền lề Hội nghị biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP26), do Ngân hàng Standard Chartered, Bộ Kế hoạch và đầu tư và Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Anh tổ chức. Sự kiện có sự tham gia của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan.
Theo đó, Standard Chartered cho biết đã ký biên bản ghi nhớ đầu tư với Tập đoàn T&T để tài trợ vốn cho các dự án về môi trường, xử lý chất thải, các dự án điện khí LNG và các dự án năng lượng tái tạo; Tập đoàn Geleximco với dự án giấy, bột giấy và trồng rừng, dự án nhà máy điện khí LNG, dự án khu du lịch quốc tế và dự án khu logistics và cảng biển; và Công ty Đầu tư và Quản lý Giáo dục Văn Lang với dự án xây dựng trường đại học đạt tiêu chuẩn xanh.
Tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ về triển vọng môi trường đầu tư tại Việt Nam, mục tiêu của Việt Nam tại COP26, cơ hội và thách thức đối với Việt Nam trong bối cảnh chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu và định hướng phát triển bền vững.
Theo ông Jose Vinals, Chủ tịch Ngân hàng Standard Chartered, các lãnh đạo trên thế giới đang thúc đẩy các hành động liên quan đến phòng chống biến đổi khí hậu tại COP26. Đông Nam Á tiếp tục là khu vực đối mặt với nhiều rủi ro từ biến đổi khí hậu, trong đó Việt Nam đã đưa ra các mục tiêu đầy tham vọng về năng lượng tái tạo.
Do đó, nguồn vốn cần thiết để giúp Việt Nam chuyển đổi sang một nền kinh tế phát thải carbon bằng 0 là rất lớn. “Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ nỗ lực phát triển bền vững của Việt Nam và rất mong được hợp tác với Chính phủ Việt Nam trong quá trình chuyển dịch sang nền kinh tế phát thải carbon bằng 0”, ông Jose Vinals chia sẻ.
Lĩnh vực tư nhân đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong nỗ lực phòng chống biến đổi khí hậu, thông qua việc cung cấp những nguồn vốn cần thiết để hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng thân thiện với môi trường, năng lượng sạch và các lĩnh vực trọng yếu khác.
Ước tính đến năm 2030, nhu cầu vốn tại châu Á là 210 tỉ đô la mỗi năm và tổng số vốn cần thiết để đáp ứng nhu cầu này là 3.100 tỉ đô. Tại hầu hết các quốc gia Đông Nam Á, nhu cầu vốn mỗi năm là 100 tỉ đô.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận