SSI: “Doanh nghiệp có thể vẫn tăng mạnh phát hành trái phiếu trong tháng 7-8”
Do các điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) bị siết chặt lại, các doanh nghiệp sẽ có xu hướng đẩy mạnh phát hành trước khi quy định mới đi vào hiệu lực.
Doanh nghiệp sẽ tăng mạnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp trước khi nghị định 81 có hiêu lực
Ngày 09/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức ký ban hành nghị định 81/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 163/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/9/2020 với những điểm mới cơ bản
SSI đánh giá Nghị định 81 đưa ra các yêu cầu cao hơn đối với tổ chức phát hành và các đơn vị trung gian khi thực hiện phát hành riêng lẻ nhưng không có quy định mới đối với phía nhà đầu tư. Kể từ 01/01/2021, khi Luật Chứng khoán 2019 có hiệu lực, các đợt phát hành riêng lẻ sẽ chỉ được phân phối đến nhà đầu tư chuyên nghiệp. Khi đó, Bộ Tài chính sẽ xem xét dỡ bỏ bớt các quy định tại Nghị định 81.
Để chuẩn bị cho sự ra đời của Nghị định 81, Bộ Tài chính đã có dự thảo lấy ý kiến các thành viên thị trường nhiều lần kể từ đầu năm đến nay. Sự gia tăng phát hành mạnh trong quý II/2020 một phần cũng là sự tăng tốc trước khi các điều kiện phát hành bị siết chặt lại. Bởi vậy, trong 2 tháng 7-8/2020, các doanh nghiếp có thể sẽ gia tăng mạnh phát hành trước khi Nghị định 81 chính thức có hiệu lực.
Sau thời điểm 1/9/2020, các đợt phát hành riêng lẻ sẽ giảm mạnh, các doanh nghiệp có nhu cầu phát hành phần lớn sẽ phải chuyển qua phát hành ra công chúng. Cùng với việc Ngân hàng Nhà nước giãn lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung vào dài hạn, kênh tín dụng của các NHTM sẽ trở lại thành kênh tài trợ vốn chính cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp BĐS.
Theo thống kê của SSI, tổng khối lượng TPDN phát hành trong quý II/2020 là 122,3 nghìn tỷ đồng, +69,7% so với cùng kỳ 2019; lũy kế 6 tháng đầu năm là 171,5 nghìn tỷ đồng, +61,3% so với 6 tháng 2019 – bỏ xa mức tăng trưởng 37% trong năm 2019. Trong đó, chỉ có 10 nghìn tỷ đồng (chiếm 5,8% tổng lượng phát hành) của Tập đoàn Masan là phát hành ra công chúng, 94,2% là phát hành riêng lẻ của 133 doanh nghiệp và được chia thành 826 đợt. Quy mô thị trường TPDN tăng khoảng 15,6% so với cuối năm 2019, lên mức 791 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 12,9% GDP.
Việt Nam cùng với Trung Quốc, Malaysia là những nước Châu Á có thị trường TPDN tăng trưởng mạnh nhất. Hiện tại, quy mô thị trường TPDN tính trên GDP của Việt Nam đã bỏ xa Indonesia, vượt qua Philippines nhưng vẫn còn cách khá xa mức 23% GDP của Thái Lan; 33-35% GDP của Trung Quốc, Singapore; 50,9% GDP của Malaysia và 80% GDP của Hàn Quốc (theo ADB).
So với các kênh huy động vốn khác tại Việt Nam, kênh TPDN vẫn có quy mô khá khiêm tốn. Nền kinh tế vẫn dựa nhiều vào tín dụng ngân hàng, tổng quy mô tín dụng tại 30/6/2020 là 8,48 triệu tỷ đồng, tương đương 138,5% GDP và gấp 10,75 lần kênh trái phiếu doanh nghiệp.
Mức chênh lệch giữa lãi suất trái phiếu doanh nghiệp và lãi suất tiền gửi tiếp tục giãn rộng cùng với kho TPDN lớn do sự tăng trưởng mạnh mẽ quy mô phát hành từ đầu 2019 đến nay và sự tham gia ngày càng tích cực của các Ngân hàng và CTCK sẽ khiến thị trường TPDN thứ cấp sẽ vẫn sôi động trong nửa cuối năm 2020.
Trong quý II/2020, NĐT cá nhân mua 13,3 nghìn tỷ đồng TPDN trên sơ cấp, tăng +38% so với quý I/2020; lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, nhóm này mua 23 nghìn tỷ đồng - tương đương 13,4% tổng lượng phát hành toàn thị trường và bằng 79% lượng mua cả NĐT cá nhân cả năm 2019. Trong đó, NĐT cá nhân mua 14,54 nghìn đồng trái phiếu bất động sản (chiếm 63%), 5.325 tỷ đồng trái phiếu ngân hàng (23%), 1.726 tỷ đồng trái phiếu Masan (chiếm 7,5%) còn lại là các doanh nghiệp khác.
Các ngân hàng mua vào tổng cộng 38,4 nghìn tỷ đồng TPDN của các tổ chức phi tín dụng trên thị trường sơ cấp trong 6 tháng đầu năm 2020, tương đương 31% tổng lượng phát hành (loại trừ ngân hàng) của toàn thị trường. Các NHTM tập trung mua các trái phiếu bất động sản và trái phiếu các doanh nghiệp năng lượng.
Số lượng TPDN các NHTM mua thực tế có thể lớn hơn đáng kể do nhiều lô phát hành chỉ ghi chung chung là tổ chức trong nước mua. Theo báo tài chính của các NHTM, đến hết quý I/2020, lượng trái phiếu của Tổ chức Kinh tế do 18 NHTM niêm yết nắm giữ đã là 165,2 nghìn tỷ đồng – tăng 37,2 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2019, trong đó nhiều nhất là Techcombank và Vpbank.
Trong khi đó, có 84% lượng phát hành TPDN trong 6 tháng đầu năm 2020 là thông qua đơn vị tư vấn các công ty chứng khoán.
CTCK Techcombank (TCBS) vẫn chiếm thị phần lớn nhất (23,8%) nhưng có giảm so với mức 24,4% của năm 2019. SSI và MBS đã thay thế VPB và VND trong nhóm 3 CTCK có thị phần tư vấn phát hành TPDN lớn nhất.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận