Sốt hầm hập từ phố về làng: Giá thực, giá ảo tranh nhau mua hết
Từ thành thị đến nông thôn, đâu đâu người dân cũng bàn tán về mảnh vườn này, bãi đất kia được bán với giá “trên giời”.
Sốt đất vùng quê
Tại Kỳ Anh, Hà Tĩnh thời điểm cuối năm, đâu đâu cũng nghe người ta bàn tán chuyện đất đai tăng giá. Ông chủ một quán bia mặt đường gần ngã tư Vũng Áng chỉ tay sang ngay lô đất bên cạnh nói: "Họ đang rao 600 triệu đồng một mét ngang đấy, hồi đầu năm cũng lô đất này đâu đó chưa đến 300 triệu đồng".
Vào trung tuần tháng 9/2021, tại thôn Yên Bình, xã Quang Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) đã tổ chức đấu giá 18 lô đất đã thu hút hơn 100 hồ sơ tham gia. Kết quả đấu giá thành công 100% lô đất với tổng số tiền thu về gần 17,5 tỷ đồng, vượt giá khởi điểm 7 tỷ đồng. Đặc biệt, có những lô đất giá khởi điểm 685 triệu đồng được đấu lên tới gần 1,3 tỷ đồng. Nhiều lô cũng vượt giá từ 400-500 triệu đồng.
Người dân thôn Yên Bình rất ngỡ ngàng không hiểu vì sao giá đất nơi đây bỗng trở nên đắt đỏ, trở thành “đất vàng”, thu hút nhiều nhà đầu tư đất khắp nơi đổ về.
Khoảng từ tháng 2 đến tháng 6/2021, bất động sản Thanh Hóa bỗng dưng sốt mạnh. Các mặt bằng ở các địa phương thuộc huyện Quảng Xương, nhất là các xã vùng biển, khi đưa ra đấu giá đều bán rất nhanh và người trúng đấu giá cao hơn so với giá sàn Nhà nước định giá rất nhiều lần, có nơi cao gấp rưỡi, gấp đôi so với giá sàn.
Ở Bắc Giang, các phiên đấu giá đất được tổ chức liên tiếp, nhà đầu tư từ các nơi ùn ùn đổ về. Các phiên "chợ đất" được diễn ra sôi động, chênh lệch cả trăm tỷ đồng so với giá khởi điểm.
Điển hình tại huyện Yên Thế, phiên đấu giá đất tại thị trấn Phồn Xương nhiều lô đất được nhà đầu tư đẩy giá lên, trong đó có lô đạt mức hơn 60 triệu đồng/m2. Đây được coi là mức giá “kỷ lục” tại địa phương, vốn được xếp vào khu vực có thị trường bất động sản kém sôi động của tỉnh.
Hay như tại huyện Yên Dũng, giá khởi điểm của các lô đất đưa ra đấu đều bằng 1,5 lần so với năm trước nhưng sức hút với nhà đầu tư vẫn không giảm.
Bộ Xây dựng cho biết, một số điểm thuộc các tỉnh như Hòa Bình giá đất tăng 46%, Bắc Ninh 20%, Hưng Yên 26%. Tại các địa phương khác như Thanh Hóa; TP. Thủ Đức, H.Cần Giờ của TP.HCM; Biên Hòa, Nhơn Trạch và Long Thành của tỉnh Đồng Nai... cũng ghi nhận hiện tượng giá đất nền tăng rất nhanh trong thời gian ngắn.
Tại sự kiện VRES 2021, đại diện công ty nghiên cứu cho biết lượng người quan tâm tìm kiếm thị trường đất nền cuối năm phục hồi tốt, tỷ lệ gần bằng với giai đoạn tháng 5 - thời điểm trước khi dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát.
Dòng tiền đang dịch chuyển tập trung ở Bắc. So với năm trước, mức độ quan tâm đất nền tại thị trường Bắc Ninh tăng 41%, Hưng Yên tăng 45%, Hòa Bình tăng 53%, Thái Nguyên tăng 123%... Giá bất động sản năm 2021 đã có sự thiết lập mặt bằng mới cao hơn, lượng người tìm kiếm thông tin quy hoạch lớn.
Đấu giá đất lập kỷ lục
Ở Hà Nội, các phiên đấu giá đất gần đây luôn trong tình trạng "sốt nóng". Mới đây, 25 lô đất tại khu X4, phường Mai Dịch (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng được hàng trăm nhà đầu tư chú ý mặc dù mức giá khởi điểm lên tới gần 200 triệu đồng/m2. Có lô mức giá khởi điểm là 182,3 triệu đồng/m2 và mức giá trúng lên tới 364,3 triệu đồng/m2, gấp gần 2 lần so với giá khởi điểm.
Phiên đấu giá 4 lô đất thuộc khu chức năng số 3, Khu đô thị mới Thủ Thiêm vào ngày 10/12 đã gây chấn động cả thị trường địa ốc TP.HCM khi số tiền trúng đấu giá của 4 lô đất này đã lập nên mặt bằng giá mới.
Với giá trị 37.346 tỷ đồng thu về từ hơn 30.000 m2 đất, tính bình quân mỗi m2 đất ở đây có giá hơn 1,24 tỷ đồng.
4 doanh nghiệp thắng đấu giá chỉ có một cái tên quen thuộc là Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt - thành viên Tập đoàn Tân Hoàng Minh khi đã chi 24.500 tỷ đồng để mua lô đất 3-12 có diện tích 10.059 m2.
Còn lại, Công ty TNHH Thương mại Bình Minh trúng đấu giá lô đất 5.000 m2; Công ty cổ phần Sheen Mega trúng đấu giá lô đất 8.500m2 và Công ty cổ phần Dream Republic trúng đấu giá lô đất 6.446 m2 đều là những cái tên hoàn toàn xa lạ.
Theo các chuyên gia, việc các doanh nghiệp bỏ ra chi phí khổng lồ để sở hữu lô đất ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm cũng đồng nghĩa với giá thành căn hộ của dự án này khi hoàn thành sẽ rất cao, xác lập nên mặt bằng giá mới.
Đầu cơ, thổi giá
Nhìn lại thị trường vừa qua, nhiều chuyên gia cho rằng các cơn sốt đất chủ yếu là do đầu cơ, thổi giá, gây tăng giá ảo. Không thể phủ nhận nhu cầu ở thực và nhu cầu đầu tư vẫn rất lớn, song tình trạng sốt đất ở thời điểm hiện tại phần lớn vẫn là do nhóm đầu cơ tác động.
Nhận thấy nhu cầu lớn của thị trường, nhóm đầu cơ đã "thổi giá" lên cao để chờ nhà đầu tư "sập bẫy". Kèm với đó, những thông tin quy hoạch luôn là "mồi lửa" thu hút các nhà đầu tư - nguyên nhân cốt lõi thay đổi mặt bằng giá.
Tuy nhiên, một điều dễ nhận thấy là thị trường đang đón những thông tin tích cực như đang tìm nhà đất để giải ngân; dòng tiền từ các kênh khác như vàng, chứng khoán cũng đang dồn về bất động sản. Có nhiều nhà đầu tư thắng ở các kênh đầu tư khác tìm thêm kênh trú ẩn an toàn là bất động sản.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nhìn nhận: giá bất động sản liên tục tăng, giá nhà ở, đặc biệt là tại khu vực đô thị quá cao so với mặt bằng thu nhập chung của người dân.
Giá bất động sản một số nơi, một số phân khúc, đặc biệt là đất nền tăng nhanh trong thời gian ngắn do xuất hiện các thông tin chưa rõ ràng về quy hoạch hành chính từ huyện, thị xã lên quận, thành phố; về chủ trương đầu tư xây dựng các khu đô thị, khu du lịch mới, đầu tư xây dựng sân bay. Từ đó, dẫn đến giới đầu cơ, môi giới lợi dụng để thổi giá thu lợi.
Một trong những yếu tố đẩy giá bất động sản, theo đánh giá của Thứ trưởng, do chưa hình thành hệ thống giao dịch được kiểm soát, đảm bảo tính pháp lý, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Còn có hiện tượng các sàn giao dịch bất động sản câu kết với nhau “ôm hàng”, “làm giá”, “tạo sóng”, “thổi giá”, gây “sốt ảo” ăn chênh lệch, gây nhiễu loạn thị trường.
Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam, liệt kê hàng loạt hệ quả từ sốt đất:
Thứ nhất, việc hút nguồn lực của các nhà đầu tư cả nước lao vào vòng xoáy tăng giá đất đai, làm giảm nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất ở nhiều ngành, lĩnh vực khác của quốc gia.
Thứ hai, nhiều loại tài nguyên trên đất đai bị xâm phạm, chuyển đổi chức năng không phù hợp quy định pháp luật. Điều này làm lãng phí tài nguyên, ảnh hưởng phát triển kinh tế, thậm chí gây bất ổn cho địa phương.
Thứ ba, cản trở việc kêu gọi, thu hút đầu tư chính thống vào các địa phương bởi tăng giá đất kéo theo hàng loạt các chi phí khác tăng theo, đặc biệt là chi phí đền bù giải phóng mặt bằng. Như vậy, việc phát triển kinh tế địa phương nơi có sốt đất là khó. Kinh tế không phát triển thì giá đất sẽ lại giảm mạnh, những người đầu tư đất chưa kịp bán ra sẽ thua lỗ nặng. Đặc biệt là những người sử dụng đòn bẩy tín dụng có cầm cố tài sản của chính mình.
Thứ tư, có thể sẽ làm tăng chi phí phát triển nhà ở, càng khó hơn cho việc thực thi các chính sách để phát triển nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội của Chính phủ. Đồng thời, cũng tạo áp lực tăng giá các loại nhà ở trong bối cảnh một số thị trường lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang,... cũng gặp khó khăn trong việc tiêu thụ căn hộ là điều không nên.
Thứ năm, gây bất ổn cho thị trường bất động sản toàn quốc nói chung và các khu vực nóng sốt nói riêng; ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản Việt Nam và triển khai các chính sách về phát triển nhà ở của Nhà nước.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận