So top đầu lợi nhuận 6 tháng 2021: HPG cao gấp 12 lần Vingroup, Masan
Mặc dù chịu tác động của đợt bùng phát Covid-19 thứ 4, bức tranh lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp niêm yết vẫn có những nét tích cực, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp bluechip trên sàn.
Kết thúc quý I, toàn thị trường ghi nhận 22 doanh nghiệp có lợi nhuận sau thuế (LNST) vượt ngưỡng 1.000 tỷ đồng. Sang quý II, con số này tiếp tục tăng thêm.
Vị trí dẫn đầu về lợi nhuận sau thuế quý II là Vinhomes (VHM) với khoản lãi sau thuế hơn 10.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu xét chung nửa đầu năm, vị trí này gọi tên Hòa Phát (HPG).
Đại gia ngành thép đã vượt lên với tổng lãi ròng hai quý đầu năm gần 17.000 tỷ đồng, giành vị trí quán quân của Vinhomes (VHM), doanh nghiệp luôn giữ vị trí này từ khi lên sàn. Trong đó, Hòa Phát lãi sau thuế hơn 7.000 tỷ đồng trong quý I, và quý II lãi thêm hơn 9.700 tỷ đồng.
Động lực tăng đến từ doanh thu mảng kinh doanh cốt lõi là thép xây dựng, cùng yếu tố thuận lợi là giá thép tăng mạnh từ cuối năm trước. Lũy kế 6 tháng, Hòa Phát đạt doanh thu tăng 67% cùng kỳ, lên gần 67.000 tỷ đồng.
Nửa đầu năm nay, tập đoàn này đã sản xuất hơn 4 triệu tấn thép thô, tăng 55% so với cùng kỳ. Sản lượng bán hàng các sản phẩm thép đạt gần 4,3 triệu tấn, tăng hơn 60% so với cùng kỳ.
Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, giá nguyên vật liệu đầu vào như than luyện coke, quặng sắt tăng cao, tuy nhiên Hòa Phát cho biết vẫn duy trì sản lượng sản xuất phục vụ đủ nhu cầu thị trường trong nước với giá bán thấp hơn mặt bằng thị trường. Các lĩnh vực nông nghiệp và bất động sản cũng duy trì đà tăng trưởng.
Cùng nhóm ngành thép còn có sự góp mặt của Thép Nam Kim (NKG). Doanh nghiệp này báo lãi quý II kỷ lục 848 tỷ đồng, gấp 49 lần quý 2 năm ngoái. Tính chung nửa đầu năm nay, Thép Nam Kim đạt 11.862 tỷ đồng doanh thu, tăng 149% so với cùng kỳ. Lãi ròng gấp gần 20 lần lên mức 1.166 tỷ đồng.
Tiếp theo trên bảng xếp hạng lợi nhuận nửa đầu năm nay là Vinhomes. Nhà phát triển bất động sản hàng đầu thị trường đạt 15.781 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Với lợi nhuận sai thuế của nhóm ngân hàng, tính chung 6 tháng đầu năm, VietcomBank báo lãi sau thuế 10.868 tỷ đồng, vẫn giữ vững vị trí quán quân về lợi nhuận trong số các nhà băng. Vị trí thứ hai thuộc về TechcomBank với 9.283 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. ViettinBank đứng ở vị trí thứ ba với 8.711 tỷ đồng. Các ngân hàng lãi trên 5.000 tỷ đồng còn có thể kể đến là ACB, BID, VPB và BID.
Vốn đã là ngành đóng góp nhiều tên tuổi nhất trong nhóm lợi nhuận nghìn tỷ, ngân hàng cũng tiếp tục ghi danh thêm những cái tên mới. Quý I ghi nhận có 12 ngân hàng báo lãi nghìn tỷ, sang quý II nhóm này góp thêm 4 cái tên, nâng tổng số thành viên trong câu lạc bộ lãi nghìn tỷ lên con số 16. Các ngân hàng mới trong danh sách là SacomBank (STB), LienVietPostBank (LPB), Ngân hàng Hàng hải (MSB) và SeABank (SSB).
Mặc dù Vinhomes lọt top đầu về lợi nhuận, nhưng Tập đoàn Vingroup (Mã: VIC) lại phải “gánh” nhiều mảng kinh doanh chịu ảnh hưởng của đại dịch như sản xuất, du lịch – nghỉ dưỡng. Trong quý II, Vingroup ghi nhận lãi trước thuế 3.618 tỷ đồng, tăng trưởng 34% so với cùng kỳ 2020. Lũy kế 6 tháng, tập đoàn này ghi nhận lợi nhuận hợp nhất sau thuế TNDN 1.433 tỷ đồng, tương đương nửa đầu năm ngoái.
Với Masan (MSN), chuỗi Vinmart vẫn đang trong quá trình phát triển. Chuỗi này đã ghi nhận một số tín hiệu khả quan trong quý vừa qua nhưng mới chỉ có lãi trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA). Điều này giúp Masan không còn lỗ như cùng kỳ, nhưng lợi nhuận vẫn chỉ ở mức khiêm tốn.
Quý II, Masan lãi sau thuế 1.053 tỷ đồng. Tính chung 6 tháng, tập đoàn này lãi 1.396 tỷ.
Trong số hơn 20 doanh nghiệp đạt lãi nghìn tỷ đồng trong quý I, nhiều cái tên vẫn tiếp tục tăng trưởng bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh.
Ngoài nhóm ngân hàng, thép và bất động sản, nhiều doanh nghiệp bluechip khác cũng đạt lợi nhuận cao như như Vinamilk (VNM) lãi 2.862 tỷ đồng quý II, nâng tổng lãi ròng nửa đầu năm lên gần 5.500 tỷ đồng.
Ở nhóm dầu khí, PVGas (GAS) lãi hơn 2.300 tỷ đồng, nâng tổng lợi nhuận 6 tháng đầu năm lên gần 4.400 tỷ đồng. Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) cũng báo lãi gần 1.700 tỷ đồng quý II.
Doanh nghiệp ngành cao su có GVR với lợi nhuận 2.376 tỷ đồng trong 6 tháng. VEAM (VEA) cũng lãi hơn 1.700 tỷ đồng trong quý II. Ngành công nghệ và bán lẻ có FPT và Thế giới Di động (MWG).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận