Số phận trần nợ công Mỹ sắp được định đoạt
Các nhà lập pháp Mỹ đang được nghỉ lễ, nhưng họ có thể sẽ phải quay lại nơi làm việc để bỏ phiếu nếu các nhà đàm phán đạt được thỏa thuận về trần nợ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và nghị sĩ hàng đầu của Đảng Cộng hòa Kevin McCarthy dường như sắp đạt được thỏa thuận cắt giảm chi tiêu và nâng trần nợ 31,4 nghìn tỷ USD sau khi hai bên gặp nhau trực tuyến hôm 25/5.
“Ông McCarthy và tôi đã có cuộc trò chuyện hữu ích và nhân viên của chúng tôi sẽ tiếp tục gặp nhau. Cuộc đàm phán đang tiến triển tốt đẹp. Tôi tin rằng chúng ta sẽ đi đến một thỏa thuận để tiến lên phía trước và bảo vệ những người Mỹ chăm chỉ của đất nước này”, ông Biden lạc quan chia sẻ.
Thỏa thuận đang được các nhà đàm phán xem xét sẽ nâng trần nợ trong 2 năm, đồng thời hạn chế hầu hết các khoản chi tiêu của chính phủ, Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết.
Theo Reuters, thỏa thuận sẽ chỉ định tổng số tiền mà chính phủ có thể chi cho các chương trình tùy ý như nhà ở và giáo dục, nhưng không chia nhỏ số tiền đó thành các hạng mục riêng lẻ. Số tiền này có thể lên tới hơn 1 nghìn tỷ USD, và mục tiêu của hai bên hiện chỉ chênh nhau 70 tỷ USD.
Các nhà đàm phán của đảng Cộng hòa đã rút lại kế hoạch tăng chi tiêu quân sự trong khi cắt giảm chi tiêu phi quốc phòng. Thay vào đó, họ ủng hộ việc Nhà Trắng phân bổ ngân sách cho hai hạng mục này theo cách công bằng hơn.
Tuy nhiên, ông Biden và ông McCarthy vẫn có quan điểm khác nhau về việc ai sẽ chịu thiệt khi Mỹ cắt giảm các khoản chi tiêu.
“Tôi không tin rằng toàn bộ gánh nặng sẽ đổ lên lưng những người Mỹ thuộc tầng lớp trung lưu và người lao động, nhưng các thành viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện lại không đồng ý”, Tổng thống cho biết.
Các đảng viên Đảng Dân chủ đã khẳng định họ sẽ không cho phép các ưu tiên phi quốc phòng như giáo dục và chăm sóc sức khỏe phải gánh chịu tất cả các khoản cắt giảm được đề xuất.
Không ai biết chính xác Quốc hội Mỹ còn bao nhiêu thời gian để hành động. Bộ Tài chính nước này đã cảnh báo rằng chính phủ liên bang có thể cạn tiền để thanh toán tất cả các hóa đơn sớm nhất là vào ngày 1/6 và nền kinh tế lớn nhất thế giới đang đứng trước vụ vỡ nợ đầu tiên trong lịch sử.
Tuy nhiên, hôm 25/5, bộ này cho biết họ sẽ bán khoản nợ trị giá 119 tỷ USD sẽ đến hạn vào ngày 1/6. Điều này có nghĩa là họ có thể cầm cự thêm một khoảng thời gian.
Các trợ lý của Quốc hội cho biết, con đường để đạt được một thỏa thuận thông qua cả Hạ viện và Thượng viện sau đó đến tay Tổng thống đang ngày càng hẹp.
Nếu đàm phán diễn ra suôn sẻ và một thỏa thuận đạt được vào ngày 26/5, thời điểm sớm nhất để nó được thông qua tại Hạ viện là ngày 30/5 và tại Thượng viện một ngày sau đó.
Cả ông Biden và ông McCarthy đều đã phải đối mặt với những lời kêu gọi từ các thành viên bình thường trong các đảng yêu cầu không nhượng bộ trong giai đoạn cuối của cuộc đàm phán.
Neil Bradley, giám đốc chính sách tại Phòng Thương mại Mỹ cho biết: “Mọi chuyện sẽ bắt đầu trở nên khó khăn nếu không có thỏa thuận nào trong 24 giờ tới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận