Số phận của những căn biệt thự bỏ hoang
Khác với định nghĩa "nơi ở cho nhà giàu", nhiều căn biệt thự đang chịu số phận bị hoang hoá, hoặc chấp nhận thành nhà trọ giá bèo.
Chị Nguyễn Thị Hựu, 40 tuổi, quê Vĩnh Phúc là một trong số hàng chục người lao động sống trọ trong những căn biệt thự bỏ hoang xây dở từ hàng chục năm trước tại khu đô thị Nam An Khánh (huyện Hoài Đức).
Những căn nhà thô này không có điện, nước, khu vệ sinh, cửa chắn... nên để ở được, người đi thuê phải cải tạo, gia cố tạm như quây bạt trong sân làm nhà tắm, căng bạt, giấy carton che cửa sổ... Điện nước thì câu từ bên ngoài vào. Mỗi tốp, nhóm ở trong căn biệt thự lắp một công tơ điện riêng. Theo chị Hựu, tiền thuê biệt thự khoảng 3-4 triệu đồng, do chủ thuê lao động trả.
Bà An, môi giới cho thuê nhà tại khu vực này cho biết, giá thuê trọ ở biệt thự thô là 3 triệu đồng một tháng. Tuy nhiên, bà cũng chia sẻ do những căn nhà này "cái gì cũng không có", nên chỉ công nhân, thợ xây dựng mới dám ở.
Từ khu biệt thự nơi chị Hựu ở, đi thẳng ra khu vực trục đường chính hướng cổng vào khu đô thị, những căn biệt thự, nhà liền kề trông khang trang hơn khi đã được quét vôi, sơn trát mặt ngoài. Tuy nhiên, những căn nhà này hầu như không có người ở. Có nhà, cỏ mọc cao quá hàng rào. Bên ngoài một số căn, chủ nhà căng biển cho thuê.
Chị Nga, chủ một căn liền kề cho biết, gia đình chưa có ý định về ở ngay nên muốn cho thuê cả nhà. Tuy nhà đã sơn, quét vôi, lát gạch và lắp điện nước, phần vệ sinh chưa có. "Nếu định thuê lâu dài, em cứ gọi điện cho chồng chị để bàn thêm giá cả. Phần công trình phụ có thể lắp tạm để dùng", chị nói.
Sudico, chủ đầu tư chính của khu đô thị Nam An Khánh thông tin, nơi này ngoài một phần thuộc doanh nghiệp, phần còn lại đã được chuyển nhượng cho các nhà đầu tư thứ cấp.
"Phần của Sudico đã được hoàn thiện hạ tầng, mặt ngoài của căn nhà. Phần chuyển nhượng cho nhà đầu tư thứ cấp, họ đã xây phần thô nhưng việc hoàn thiện còn làm việc với chủ nhà để xong trong năm nay hoặc năm sau", đại diện Sudico chia sẻ. Vị này cũng nhấn mạnh, những căn nhà thô, xây dang dở, không phải của doanh nghiệp.
Một khu đô thị khác thuộc huyện Hoài Đức là Lideco cũng có chung tình trạng xây dang dở và bị bỏ hoang. Dự án này được xây dựng năm 2007, hoàn thiện từ 2013 với quy mô gần 650 biệt thự, nhà vườn, gần 140 căn liền kề. Nhưng đến 2013, thời điểm hoàn thành dự án Bắc quốc lộ 32, chỉ 60% số biệt thự được bàn giao cho khách. Đến nay, sau 14 năm, dự án vẫn tiếp tục trong quá trình xây dựng. Số người về ở thưa thớt, nhiều nhà vẫn bỏ trống.
Một số người đã có ý tưởng cải tạo những căn biệt thự bỏ hoang tại đây để cho sinh viên thuê.
Hằng, nhân viên môi giới của dịch vụ phòng trọ Vifaho cho biết, doanh nghiệp đang có 2-3 căn nhà cho thuê tại Lideco. Dẫn khách vào một căn biệt thự thẳng trục cổng chào khoảng 2 km, Hằng nói rằng biệt thự này đã được cải tạo thành 15 phòng, 3 phòng mỗi tầng, vệ sinh khép kín.
Trong căn phòng tầng 2 được cô cho là đẹp nhất, Hằng bảo diện tích khoảng 30 m2, 3-4 người "ở thoải mái". Vì có ban công, người thuê có thể ra bên ngoài nấu ăn, tránh mùi. Trong phòng cũng được lắp điều hoà và dư 2 tủ quần áo, bàn và ghế nhựa so với các phòng khác, do một startup trước đây thuê để lại. "Bọn mình thường bố trí một giường sắt, một tủ quần áo cho khách thuê", cô nói.
Giá căn phòng này là 2,8 triệu. Tuỳ vào vị trí, diện tích, giá thuê phòng quanh mức 1,8-3 triệu đồng một tháng. Điện được thu với mức 3.500 đồng một số, nước 25.000 đồng, tiền Internet 100.000 đồng, tiền vệ sinh 40.000 đồng một tháng.
"Định kỳ sẽ có cô lau dọn đến quét tước bên ngoài, bảo vệ cũng thuê ngay phía dưới nhà nên rất yên tâm", Hằng giới thiệu thêm.
Anh Vũ Đình Vinh, điều hành dịch vụ Vifaho cho biết, những căn biệt thự này được Vifaho thuê lại từ các chủ nhà. "Chúng tôi thuê nhà thô, cải tạo thành phòng trọ rồi cho thuê lại", anh nói.
Mô hình kinh doanh của anh Vinh xuất phát từ việc Hà Nội có quá nhiều biệt thự, nhà liền kề bỏ hoang, trong khi nhu cầu thuê phòng trọ của người lao động, sinh viên rất lớn.
Giá thuê ban đầu với các căn biệt thự thô khoảng 6-8 triệu đồng một căn khoảng 300 m2 sàn, nhà liền kề khoảng 4 triệu đồng một tháng. Chi phí mỗi căn khoảng 50-80 triệu đồng mỗi năm.
"Việc đàm phán với chủ nhà không khó vì mình thuê này cũng coi như là trông nhà hộ họ, nhà có hơi người thì cũng đỡ xuống cấp, ẩm mốc hơn", anh Vinh nói.
Có nhà thô, nhóm anh Vinh bắt tay vào cải tạo với cách làm tiết kiệm nhất có thể. Nhà không trát tường mà sơn trực tiếp lên một phần dưới, phần trên dùng giấy dán. Gạch để lát sàn dùng gạch lỗi. Cầu thang trát bằng xi măng, lắp thanh vịn bằng sắt thép.
Theo một số người có kinh nghiệm, việc cho thuê những căn nhà chưa hoàn thiện không ảnh hưởng nhiều khi lấy lại mặt bằng. "Cho thuê như vậy ổn, còn nhà đẹp rồi ít người dám cho thuê vì ở vài năm là nát", người này nói.
Kể từ năm 2019 đến nay, nhóm anh Vinh đã cải tạo được khoảng 100 biệt thự, nhà liền kề xây thô ở khu đô thị Lideco và Vân Canh, tạo ra khoảng 700 phòng trọ, với 2.000 người ở.
Nhấn mạnh không đặt nặng lợi nhuận từ tiền phòng, anh Vinh cho biết giá thuê của Vifaho thấp hơn thị trường 10-15%. "Mục tiêu lúc này là để lấy số lượng. Khách thuê chủ yếu là người lao động, sinh viên các trường đại học gần đó", anh nói.
Phần lợi nhuận chính của mô hình đầu tư này, theo anh, đến từ các dịch vụ bán cho khách thuê như mở siêu thị, cửa hàng ăn uống, giặt là... bởi những khu này vốn xa trung tâm.
"Cải tạo các khu nhà bỏ hoang thành nhà trọ tôi nghĩ cũng là một hướng tránh lãng phí, giờ nhà bỏ hoang nhiều quá", anh chia sẻ và cho biết doanh nghiệp đang tìm cách kết nối để thuê lại những khu bị bỏ hoang – cụ thể là 4 khu ký túc xá sinh viên Tứ Hiệp, quận Hoàng Mai.
"Khu này đắp chiếu hàng chục năm rồi, quanh đó lại có bệnh viện lớn, người nhà bệnh nhân thiếu chỗ ở, tại sao không tận dụng", anh đặt câu hỏi.
Hà Nội hiện có hàng nghìn căn biệt thự bỏ hoang, gây lãng phí tài nguyên đất, mất mỹ quan đô thị. Hiện thành phố đề xuất Bộ Tài chính có phương án đánh thuế hoặc xử phạt chủ sở hữu nhà bỏ hoang, không đưa vào sử dụng. Với biệt thự bỏ hoang 3 tháng có thể bị áp thuế khoảng 5% trên giá trị hợp đồng, sau 1 năm vẫn bỏ hoang sẽ bị tính thuế 10% trên tổng giá trị hợp đồng.
Ngoài ra, thành phố còn có đề xuất xử phạt hành chính chủ sở hữu biệt thự, với mức phạt 10-20 triệu đồng một căn, đồng thời kiến nghị Chính phủ áp dụng thu thuế lũy tiến đối với người mua ngôi nhà thứ hai trở lên.
Trên thực tế, ý tưởng đánh thuế này đã từng được đề cập từ hồi 2011 nhưng vẫn chỉ nằm trên giấy. Và sau 10 năm, hàng nghìn căn biệt thự bỏ hoang vẫn tồn tại trong lòng thành phố.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận