Số phận các dự án BT tai tiếng ‘đổi đất lấy hạ tầng’ sẽ như thế nào?
Kể từ ngày 15.8, tất cả dự án BT chưa phê duyệt chủ trương đầu tư sẽ phải dừng thực hiện. Vậy các dự án đã và đang triển khai sẽ như thế nào?
Báo cáo của Cục Quản lý đấu thầu tại Hội nghị Giao ban trực tuyến ngành kế hoạch - đầu tư (KH - ĐT) sáng 28.7 hướng dẫn cụ thể quy định của pháp luật về vấn đề này.
Cụ thể, theo Cục này, luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9 vừa qua với tỷ lệ tán thành đạt 92,75%. Trong suốt quá trình nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện dự luật, rất nhiều nội dung chính sách lớn được các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các địa phương quan tâm, thảo luận, đóng góp ý kiến, trong đó đặc biệt là quy định về loại hợp đồng BT.
Thời gian qua, theo Cục Quản lý đấu thầu, BT là loại hợp đồng được áp dụng chủ yếu (chiếm 56% số dự án PPP được triển khai), góp phần không nhỏ trong việc phát triển cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị, tạo được nhiều công ăn việc làm và góp phần vào các hoạt động kinh tế của địa phương.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, không nên xếp BT là một loại hợp đồng thuộc phương thức PPP bởi không có sự tham gia vận hành, khai thác dài hạn của khu vực tư nhân mà đơn thuần là hình thức thanh toán bằng tài sản công (đa phần là quỹ đất). Đồng thời, việc xác định giá trị quỹ đất đối ứng để thanh toán dự án BT cũng bộc lộ những hạn chế nhất định khi không theo cơ chế cạnh tranh của thị trường.
Từ thực tiễn nêu trên, luật PPP vừa được Quốc hội thông qua đã thể chế chủ trương dừng thực hiện các dự án BT trong giai đoạn tới. Nhằm kế thừa tối đa các kết quả đã thực hiện, nội dung chuyển tiếp tương ứng cho từng giai đoạn của dự án BT đã và đang triển khai được quy định chi tiết tại luật (điều 101).
Cụ thể, kể từ thời điểm luật PPP có hiệu lực thi hành (1.1.2020), nếu dự án chưa phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu thì dừng thực hiện; trường hợp đã phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu thì tiếp tục thực hiện căn cứ vào hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và quy định của pháp luật tại thời điểm phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.
Đối với dự án đã có kết quả lựa chọn nhà đầu tư trước ngày luật PPP có hiệu lực thi hành thì cơ quan ký kết hợp đồng có trách nhiệm tổ chức đàm phán, ký kết hợp đồng căn cứ vào kết quả lựa chọn nhà đầu tư, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và quy định của pháp luật tại thời điểm phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.
Nếu dự án đã ký kết hợp đồng trước ngày luật PPP có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện việc triển khai thực hiện dự án, thanh toán theo quy định của hợp đồng BT đã ký kết và quy định của pháp luật tại thời điểm ký kết hợp đồng.
Đáng lưu ý, theo Cục Quản lý đấu thầu luật bắt buộc dừng triển khai dự án mới áp dụng loại hợp đồng BT. Đặc biệt, kể từ ngày 15.8.2020, các dự án BT chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư phải dừng thực hiện.
Hầu hết dự án BT Hà Nội xác định tổng mức đầu tư lớn hơn nhiều thực tế triển khai
Trước đó, trong năm 2019, Kiểm toán nhà nước (KTNN) thực hiện kiểm toán 28 dự án BT tại các địa phương và phát hiện nhiều vi phạm.
Theo đó, hầu hết các dự án đều chỉ định nhà đầu tư; có dự án chỉ định nhà đầu tư sau khi triển khai thi công dự án; các dự án chủ yếu do nhà đầu tư đề xuất và đưa vào danh mục đầu tư, chuyển đổi hình thức đầu tư dự án từ sử dụng vốn ngân sách nhà nước sang PPP và dự án do nhà đầu tư đề xuất không lấy ý kiến các bộ, ngành theo quy định.
Bên cạnh đó, một số dự án lựa chọn nhà đầu tư hạn chế năng lực tài chính nên phải thay đổi từ hình thức thanh toán bằng đất sang bằng tiền như Dự án xây dựng đường kết nối với cầu Phú Mỹ tại TP.HCM.
Tại Hà Nội, hầu hết các dự án xác định tổng mức đầu tư ban đầu lớn hơn nhiều so với giá trị thực tế triển khai như Dự án xây dựng tuyến đường từ đê Ngọc Thụy đến khu đô thị mới Thượng Thanh, Q.Long Biên, giảm dự toán 69,2 tỉ đồng, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng giảm 754,3 tỉ đồng; Dự án xây dựng đường 2,5 đoạn Đầm Hồng - QL1A giảm 251,4 tỉ đồng...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận