'Sở hữu chéo, doanh nghiệp sân sau trong ngân hàng vẫn phức tạp'
Nhìn nhận thị trường trái phiếu, sở hữu chéo ngân hàng vừa qua tồn tại bất ổn, các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ cần giải pháp căn cơ lành mạnh hoá các thị trường này.
Thảo luận ở tổ về kinh tế xã hội, ngày 22/10, ông Lê Kim Toàn, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định, đánh giá kinh tế xã hội 9 tháng khởi sắc, dự báo cả năm tăng trưởng GDP có thể đạt 8%. Kinh tế vĩ mô, các trụ cột đều có tăng trưởng, cho thấy kinh tế phục hồi nhanh chóng sau 2 năm ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Tuy nhiên, ông nói mình "vừa mừng, vừa lo". Trong đó mối lo ngại của ông là tình trạng sở hữu chéo, doanh nghiệp sân sau trong các ngân hàng thương mại cổ phần chưa được xử lý dứt điểm, nguy cơ bất ổn hoạt động dù chủ trương này đã có và thực hiện nhiều năm.
Trong khi đó, nhắc tới việc xảy ra tại Ngân hàng SCB vừa qua, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP HCM cho rằng, Ngân hàng Nhà nước đã có những động thái ổn định tình hình thị trường, đảm bảo quyền lợi người gửi tiền. Dù vậy, ông nhìn nhận, vụ việc này sẽ khiến thị trường chứng khoán, bất động sản "chững lại".
Các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ cần có giải pháp xử lý rốt ráo câu chuyện sở hữu chéo trong ngân hàng, vấn đề bất cập của thị trường trái phiếu để lành mạnh hoá và phát triển tốt hơn các thị trường này.
"Mới một ngân hàng mà người dân như thế thì nhiều nhà băng rơi vào tình trạng tương tự, sẽ bất ổn cả kinh tế lẫn trật tự xã hội. Ngân hàng Nhà nước cần đẩy mạnh giải pháp ổn định tín dụng ngân hàng, giữ ổn định thị trường tài chính tiền tệ, tránh tác động tiêu cực, bất ổn", ông Tâm đề nghị.
Về dòng vốn tín dụng, việc cạn room tín dụng trong hệ thống ngân hàng khiến doanh nghiệp "đói vốn", không thể vay để sản xuất kinh doanh.
"Ngân hàng Nhà nước phải có giải pháp đảm bảo tín dụng cho sản xuất, kinh doanh bằng cách thanh lọc các dự án thật sự cần vốn, chứ không phải vay để đảo nợ, để xử lý nợ xấu", ông Mãi nêu quan điểm.
Báo cáo gửi tới Quốc hội trước đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết, bên cạnh việc hoàn thiện cơ sở pháp lý cho các tổ chức tín dụng xử lý sở hữu chéo, sở hữu vượt giới hạn quy định, cơ quan này tiếp tục nhận diện, có giải pháp kiểm soát, quyết liệt xử lý sở hữu chéo, vi phạm sở hữu cổ phần gắn với cơ cấu lại tổ chức tín dụng.
Theo cơ quan này, các tổ chức tín dụng vừa qua đã đẩy nhanh tiến độ xử lý vi phạm về giới hạn sở hữu cổ phần, sở hữu chéo qua chuyển nhượng, thoái vốn, sáp nhập, hợp nhất, mua lại. Tình trạng cổ đông, nhóm cổ đông lớn thao túng, chi phối ngân hàng đã được hạn chế, từng bước được kiểm soát.
Số cặp tổ chức tín dụng sở hữu chéo trực tiếp lẫn nay đã được khắc phục. Sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau giữa ngân hàng, doanh nghiệp giảm, đến nay chỉ còn tại một ngân hàng với một cấp sở hữu cổ phần lẫn nhau.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận