Số dự án FDI mới trong tháng 5 tăng mạnh nhưng chủ yếu có quy mô nhỏ
Tháng 5 ước tính có hơn 550 dự án FDI mới đăng ký cấp giấy chứng nhận đầu tư, gần hơn 2 lần so với tháng trước. Tuy nhiên, do chủ yếu đều là dự án có quy mô nhỏ nên tổng vốn đầu tư chỉ cao hơn gần 7%.
Tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài từ đầu năm đến nay đạt gần 10,86 tỷ USD, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước, theo Bộ Kế hoạch và đầu tư tính đến ngày 20/5/2023.
Mặc dù vốn đầu tư điều chỉnh giảm, nhưng vốn đầu tư mới và góp vốn mua cổ phần tiếp tục tăng hơn so với cùng kỳ.
Cụ thể, đăng ký cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có 962 dự án mới, tăng 66,4% so với cùng kỳ. Tổng vốn đăng ký mới đạt hơn 5,26 tỷ USD, tăng 28%.
Trong khi đó, có 484 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tăng 22,8% so với cùng kỳ. Tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 2,28 tỷ USD, giảm mạnh 59,4%.
Góp vốn mua cổ phần có 1.278 lượt, giảm 5,6% so với cùng kỳ. Tổng giá trị vốn góp đạt gần 3,32 tỷ USD, tăng 67%.
Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, tốc độ tăng số dự án mới lớn hơn tốc độ tăng tổng vốn đầu tư, điều đó cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài quy mô vừa và nhỏ tiếp tục quan tâm, tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam vừa đưa ra các quyết định đầu tư mới; các tập đoàn lớn hiện đang cẩn trọng, xem xét kỹ việc tiếp tục đầu tư lớn vào Việt Nam trong bối cảnh tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu.
Các dự án FDI có quy mô vốn đầu tư dưới 1 triệu USD chiếm tới gần 70% số dự án mới, song tổng vốn đầu tư chỉ chiếm gần 2,2% tổng vốn đầu tư đăng ký mới trong 5 tháng.
Trong 5 tháng đầu năm, theo lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư ngoại đã đầu tư vào 18/21 ngành lĩnh vực, trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu. Ngành hoạt động tài chính, ngân hàng đứng thứ hai. Tiếp theo là kinh doanh bất động sản.
Xét về số lượng dự án mới, công nghiệp chế biến chế tạo cũng là ngành dẫn đầu về số dự án mới (chiếm gần 30%) và điều chỉnh vốn (chiếm 55%). Bán buôn, bán lẻ dẫn đầu về số giao dịch góp vốn mua cổ phần (chiếm 41%).
Theo đối tác đầu tư, 82 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư tại Việt Nam, với Singapore dẫn đầu. Theo sau là Nhật Bản và Trung Quốc.
Theo số lượng dự án, Hàn Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới (chiếm gần 17,4%); số lượt điều chỉnh vốn (chiếm 25,2%) và góp vốn mua cổ phần (chiếm 38,5%).
Các nhà đầu tư đến từ Châu Á, các đối tác đầu tư truyền thống vẫn chiếm tỷ trọng lớn (Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Hồng Kông). Riêng 6 đối tác này đã chiếm tới 76,6% tổng vốn đầu tư của cả nước trong 5 tháng qua.
Theo địa bàn đầu tư, các nhà đầu tư ngoại đã rót vốn vào 50 tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó Hà Nội vươn lên vị trí dẫn đầu (tăng hơn 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2021). Tiếp theo là Bắc Giang, TP.HCM.
Nếu xét về số dự án, TP.HCM dẫn đầu cả nước cả về số dự án mới (38,9%), số lượt dự án điều chỉnh (25%) và góp vốn mua cổ phần (65,4%).
Các dự án đầu tư mới vẫn tập trung vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài (cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư…) như Hà Nội, Bắc Giang, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh, Hải Phòng…
Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt 7,65 tỷ USD, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước.
Tính lũy kế đến nay, cả nước có 37.238 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên gần 447,7 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt gần 281,65 tỷ USD, bằng 62,9% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Xuất khẩu (kể cả dầu thô) ước đạt hơn 102,9 tỷ USD, giảm 9,4% so với cùng kỳ, chiếm 74% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô ước đạt hơn 102,1 tỷ USD, giảm 9,4% so với cùng kỳ, chiếm 73,5% kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Kim ngạch nhập khẩu của khu vực này ước đạt hơn 85,8 tỷ USD, giảm 14% so cùng kỳ và chiếm 65,2% kim ngạch nhập khẩu cả nước.
Do đó, khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu hơn 17 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu gần 16,3 tỷ USD không kể dầu thô. Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu gần 8,9 tỷ USD.
Cách đây 2 ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ban hành chỉ thị về một số nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài trong giai đoạn mới.
Chỉ thị nêu rõ công tác quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài còn có bất cập, có nơi còn thiếu thống nhất, gắn kết giữa các địa phương trong thu hút đầu tư; một số nơi còn có biểu hiện cục bộ, gây khó khăn hoặc chưa chú trọng đến việc thẩm tra, xem xét các tiêu chí về công nghệ, môi trường, lao động; công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghĩa vụ của nhà đầu tư còn thiếu chặt chẽ trong phối hợp giữa các bộ, ngành, các cấp.
Môi trường kinh doanh chưa có ưu việt đáng kể so với mặt bằng cạnh tranh thu hút đầu tư trên thế giới và tại khu vực, kết cấu hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng mong đợi của nhà đầu tư, mặt bằng sạch còn thiếu và chi phí sản xuất, kinh doanh đang bị đẩy lên cao, nguồn lao động đã qua đào tạo còn yếu và thiếu...
Sự liên kết giữa đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước còn hạn chế, chưa có liên kết về lợi ích cơ bản và bền vững.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận