SMBC đã đặt cọc 10% cho thương vụ mua 15% vốn điều lệ tại VPBank
Ngày 17/4, VPBank đã nhận đặt cọc 10% từ Ngân hàng Sumitomo Mitsui (SMBC), tương đương 3.590 tỷ đồng cho thương vụ bán 15% vốn điều lệ.
Đã nhận được đặt cọc 10% từ SMBC
Đây là thông tin được Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) Ngô Chí Dũng đưa ra tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm 2023 tổ chức chiều 18/4.
Ông Dũng cho biết phần còn lại sẽ nhận được sau khi thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật, sau khi nhận được phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban chứng khoán Nhà nước, dự kiến sẽ kéo dài trong 2-3 tháng. Dự kiến cuối tháng 7 sẽ hoàn tất và đối tác chiến lược chuyển tiền tăng vốn.
Việc hợp tác với SMBC giúp cho VPBank có lợi thế về vốn, củng cố về vốn chủ sở hữu, cho phép ngân hàng nâng cao quy mô tổng tài sản, tăng cường hoạt động cấp vốn tín dụng cho khách hàng.
Ngoài ra, Chủ tịch HĐQT VPBank cũng xác nhận ngân hàng có tham gia chương trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém và là 1 trong 4 ngân hàng thực hiện tái cơ cấu các tổ chức tín dụng thuộc diện chuyển nhượng bắt buộc. Tuy nhiên, hiện tại việc này đang trong qua trinh nghiên cứu đề xuất phê duyệt nên tại thời điểm hiện tại thì chúng tôi chỉ có thể thông báo như vậy.
Về việc có được nới room hay không, theo đề án của Ngân hàng Nhà nước có 2 ngân hàng sẽ được nới room ngoại lên 49%. Đề án nằm trong quá trình đang được thực thi nên chúng tôi chưa thể nói chi tiết hơn.
Về trái phiếu Novaland, ông Nguyễn Đức Vinh, Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc VPBank khẳng định cả dư nợ gốc và lãi không nhiều, tất cả đều có tài sản đảm bảo. VPBank không có sức ép về nợ xấu đối với Novaland.
Ngân hàng cũng đang phối hợp với các bên liên quan khác để chuyển nhượng dự án, đóng dần một số khoản nợ với doanh nghiệp này.
Đặt mục tiêu lãi trước thuế hơn 24.000 tỷ đồng
Năm 2022, ngân hàng cũng đã thực hiện phát hành cổ phiếu với tỷ lệ 50% để chia cổ tức cho cổ đông, từ đó tăng vốn điều lệ lên 67.000 tỷ đồng, trở thành ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất hệ thống.
Cũng theo ban lãnh đạo ngân hàng, với nguồn vốn dồi dào sau thương vụ bán 49% vốn điều lệ tại FE Credit cho SMBC năm 2021, VPBank đã tiến hành tăng vốn điều lệ cho công ty con VPBankS lên hơn 15.000 tỷ đồng, đưa VPBankS trở thành công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất. Ngân hàng cũng đã hoàn tất việc mua công ty cổ phần bảo hiểm OPES với tỷ lệ sở hữu 98%.
Về kế hoạch năm 2023, ban lãnh đạo VPBank trình cổ đông thông qua mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt hơn 24.000 tỷ đồng, tăng trưởng 13% so với kết quả thực hiện năm 2022. Nếu tính riêng các hoạt động kinh doanh cốt lõi, lợi nhuận của VPBank đặt ra tăng trưởng trong năm nay khoảng 53% so với năm 2022. Đây được xem là "tham vọng" trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang có những khó khăn nhất định.
Đồng thời, các chỉ tiêu như tổng tài sản tăng 39% lên gần 877.500 tỷ đồng. Huy động tiền gửi tăng 41% và dư nợ tín dụng tăng 33% trong năm 2023.
"Về định hướng tương lai, HĐQT đã thông qua kế hoạch chiến lược 5 năm (2022–2026) và kiên định với kế hoạch này. Trước đây, chiến lược của VPBank là tập trung vào tài chính tiêu dùng, bán lẻ, khách hàng SME (doanh nghiệp nhỏ và vừa). Tuy nhiên, với sự đồng hành của nhà đầu tư chiến lược đến từ Nhật Bản, VPBank có đủ cơ sở để xây dựng một tập đoàn tài chính đa năng, với sự nổi bật của công nghệ, sáng tạo", ông Vinh nhấn mạnh.
Theo thông tin từ ông Vinh, trong quý I/2023, ngân hàng mẹ hoàn thành kế hoạch, còn FE Credit tiếp tục ghi nhận lỗ. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng mẹ tăng từ 2,19% lên 2,6%. "Tỷ lệ nợ xấu quý I tăng cao và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong quý II, giảm dần trong hai quý cuối năm về 2,2%", Tổng giám đốc VPBank nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận